Sáng ngày 25/11 tại trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) đã diễn ra buổi làm việc giữa Hội đồng Giám khảo chấm các giải pháp dự thi Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2017 thuộc lĩnh vực Cơ khí – Tự động hóa (BGK) và chủ nhiệm các đề tài dự thi của DNTU. Đại diện BGK có PGS.TS. Đỗ Thành Trung – Chủ tịch Hội đồng, TS. Lê Minh Tài, ThS. Đoàn Tất Linh, ThS. Giang Vũ Văn là những chuyên gia đầu ngành có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực Cơ khí – Tự động hóa.
TS. Đặng Kim Triết – Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Khoa học DNTU (trái) chào mừng Hội đồng chấm thi các đề tài làm việc tại DNTU.
Tham dự Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2017 thuộc lĩnh vực Cơ khí – Tự động hóa, Nhà trường có 03 đề tài dự thi gồm: Máy hàn Siêu âm dạng đa năng, đề tài nghiên cứu chế tạo xe lăn chạy điện trên cơ sở xe lăn tay phục vụ người khuyết tật, mô hình cánh tay Robot phục vụ giảng dạy.
Đề tài “Máy hàn siêu âm dạng đa năng” sử dụng các công nghệ hiện đại, đã được BGK đánh giá rất cao về tính thực tiễn, phục vụ cho các doanh nghiệp. Được biết, đề tài này đã được Nhà trường thực hiện chuyển giao công nghệ cho 01 doanh nghiệp, và hiện tại đang được doanh nghiệp sử dụng trong sản xuất.
ThS. Vũ Hoàng Nghiên trình bày giải phát tài “Máy hàn siêu âm dạng đa năng”
Tiếp tục thành công từ ý tưởng “Robot hỗ trợ người già và người khuyết tật” đạt giải nhất cuộc thi nhà sáng tạo việt nam với Intel Galileo lần thứ II (năm 2016), nhóm tác giả đề tài “chế tạo xe lăn chạy điện trên cơ sở xe lăn tay phục vụ người khuyết tật” đã tiếp tục nghiên cứu đề tài nhằm giảm giá thành sản xuất, đơn giản hóa các thao tác cho người sử dụng, cũng như có thể đồng bộ, lắp ráp trên các xe lăn tay mà đa số người khuyết tật đang sử dụng. BGK cũng đã đánh giá rất cao đề tài này, khi được triển khai thực tế, với các chức năng của sản phẩm sẽ hỗ trợ người khuyết tật rất nhiều và tiện lợi hơn trong các sinh hoạt đời sống hàng ngày.
ThS. Nguyễn Hộ trình bày giải pháp tài “chế tạo xe lăn chạy điện trên cơ sở xe lăn tay phục vụ người khuyết tật”
Bên cạnh các đề tài phục vụ cho doanh nghiệp và xã hội, đề tài “mô hình cánh tay Robot phục vụ giảng dạy” đã được Nhà trường đưa vào áp dụng trong giảng dạy những khóa gần đây. Với 02 mức độ cơ bản và nâng cao, đề tài đã hoàn toàn chinh phục BGK về việc áp dụng trong giảng dạy cũng như tính mới của đề tài. Sinh viên thỏa sức sáng tạo, kết nối cơ học, kết nối không dây điều khiển từ xa, vận dụng xử lý các yêu cầu của doanh nghiệp, giải quyết các tình huống khó… Mô hình cánh tay Robot hiện tại đang là một trong những mô hình được sinh viên rất thích thú và nghiên cứu.
ThS. Đỗ Tân Khoa trình bày giải pháp “mô hình cánh tay Robot phục vụ giảng dạy”
BGK đánh giá rất cao các đề tài của DNTU
Đề tài “mô hình cánh tay Robot phục vụ giảng dạy” được báo cáo tại hội thi
Kết thúc buổi chấm thi, Hội đồng Giám khảo chấm các giải pháp dự thi Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Đồng Nai năm 2017 thuộc lĩnh vực Cơ khí – Tự động hóa đã đánh giá rất cao các đề tài của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, các đề tài đều có tính ứng dụng thực tế rất cao, rất cần cho các doanh nghiệp và xã hội. Hội đồng cũng đã đưa ra những lời tư vấn để các đề tài có thể hoàn thiện ở mức cao và triển khai sản xuất hàng loạt.
PGS.TS. Đỗ Thành Trung – Chủ tịch Hội đồng chấm thi tổng kết đánh giá các đề tài
Tuấn Anh – Phòng Truyền thông