Xây dựng đạo đức kinh doanh khi tham gia TPP
Đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa là niềm vui và cũng là nỗi lo bởi cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng vô cùng lớn. Để có thể cạnh tranh thắng lợi, một đòi hỏi tất yếu mang tính quy luật là phải xây dựng đạo đức kinh doanh với một hệ thống các chuẩn mực phù hợp và đưa hệ thống đó vào cuộc sống để vươn tới những chuẩn mực toàn cầu. Trong quá trình đổi mới nền kinh tế Việt Nam, bên cạnh những thành tựu quan trọng, chúng ta đang gặp phải những khó khăn và tồn tại. Một trong những điều đáng quan tâm là đang có những sai lệch trong cách hiểu về khái niệm đạo đức kinh doanh của một số doanh nghiệp, doanh nhân, cơ quan quản lý và người lao động. Hầu hết đều gắn khái niệm đạo đức kinh doanh với tuân thủ pháp luật trong kinh doanh. Cách hiểu này đã thu hẹp đáng kể phạm vi áp dụng đạo đức kinh doanh, đồng thời làm cho ý thức về đạo đức kinh doanh khó phát huy tác dụng.
Trong khi đó, thực tiễn trong và ngoài nước cho thấy, đạo đức kinh doanh là yếu tố quyết định sự thành công bền vững trong kinh doanh. Phương Tây quan niệm, nhà kinh doanh muốn thành công cần phải chân thật và ngay thẳng trong kinh doanh, Việt Nam có câu “một lần bất tín thì vạn lần bất tin”. Có thể nói, chữ “tín” là chuẩn mực cao nhất của đạo đức kinh doanh ở Việt Nam.
Hiểu và làm thế nào để đạt được chữ “tín” là một chuyện khó. Một giám đốc doanh nghiệp Việt Nam đã rút ra 4 kết luận thú vị xoay quanh chữ “tín”:
- Bản chất tâm lý của chữ tín là: lòng trung thực.
- Nhu cầu tâm lý của chữ tín là: sự an tâm.
- Nguồn gốc tâm lý của chữ tín là: sự chu đáo và chất lượng sản phẩm.
- Đường đi hợp lý của chữ tín là: từ nội tâm đến nội bộ và ra bên ngoài.
Từ đó, ông ta nâng lên thành 4 bốn bài học kinh nghiệm cho chính mình:
- Nhà doanh nghiệp coi trọng chữ tín hơn cả sản nghiệp.
- Chữ tín là thước đo danh dự của doanh nhân và bảng hiệu của xí nghiệp.
- Chữ tín không phải là hàng hoá, là một sản phẩm vô hình và vô giá, tạo ra tiền vốn và của cải.
- Bảo toàn chữ tín tức là bảo toàn vốn, bảo toàn sản nghiệp trên mức độ an toàn. Đây cũng là sự bảo toàn đạo lý và pháp lý trong kinh doanh lành mạnh.
Để xây dựng đạo đức kinh doanh, trước hết, cần xây dựng các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh. Trung thực, giữ chữ tín, tự tôn dân tộc, phấn đấu vì lý tưởng dân giàu, nước mạnh, năng động, sáng tạo, nhạy bén, biết chớp thời cơ trong kinh doanh... là những phẩm chất đặc biệt quan trọng. Mặt khác, đạo đức và văn hoá Việt Nam chính là cơ sở và nguồn nội lực rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, của lĩnh vực kinh doanh nói riêng. Nếu biết phát huy nguồn lực này một cách hiệu quả kết hợp với tận dụng tốt các nguồn ngoại lực thì giới doanh nhân nước ta có thể tạo ra một kiểu kinh doanh đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam và có trình độ quốc tế, là lợi thế trong việc giữ vững “sân nhà”, tiến tới chinh phục thị trường các nước trong khối TPP và trên toàn thế giới.
TS. Bùi Quang Xuân