Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) đón tiếp và làm việc với Viện Y học Nihon (Nhật Bản)

Sáng ngày 21/9/2016, tại phòng họp 1 trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã diễn ra lễ đón và làm việc với Viện Y học Nihon (Nhật Bản). Phòng hợp tác Quốc tế giữ vai trò chủ trì trong lễ đón và điều hành chương trình làm việc.

Đoàn của viện Y học Nihon gồm có: Bà YokoShindo - Giám đốc cao cấp P. Hành chính; Bà Yuko Oikawa – Giám đốc chuyên ngành điều dưỡng khoa Khoa học sức khỏe; Bà Ayako Fujita – Giảng viên chuyên ngành khoa Khoa học sức khỏe; Ông Shuji Amano – trợ lý giám đốc chuyên ngành khoa Y tế và tổng quát cùng hai sinh viên Nao Hachiya – nữ sinh chuyên ngành điều dưỡng khoa Khoa học sức khỏe và nam sinh Hiroya Akabane chuyên ngành điều dưỡng - cùng khoa.

Đón và làm việc với đoàn, về phía Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai có TS Trần Đức Thuận – Phó Hiệu trưởng; TS Trần Thị Quỳnh Lê – Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế; Trưởng khoa TP – MT - ĐD cùng phó Trưởng khoa, tổ trưởng các tổ bộ môn điều dưỡng, xét nghiệm và một số CB – GV - NV phòng truyền thông và Hợp tác Quốc tế.

CB – GV - NV trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đón tiếp và làm việc với đoàn Viện Y học Nihon tại phòng họp 1

CB – GV - NV trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đón tiếp và làm việc với đoàn Viện Y học Nihon tại phòng họp 1

Mở đầu buổi làm việc, TS Trần Đức Thuận đã phát biểu bày tỏ niềm vui khi được đón và làm việc với đoàn. TS Trần Đức Thuận đã nhắc lại tinh thần hợp tác giữa hai đơn vị mà TS Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng nhà trường - đã đến và làm việc trước đây. TS Trần Đức Thuận tin tưởng triển vọng hợp tác giữa hai trường bởi DNTU và Viện Y học Nihon đều là những cơ sở giáo dục tư thục uy tín, cũng bao gồm nhiều cấp học, đào tạo đa ngành và cùng mục tiêu vì người học. TS Trần Đức Thuận mong muốn hai đơn vị đẩy nhanh các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác nhất là lĩnh vực điều dưỡng mà hai bên đã bàn bạc và trao đổi.

Thay mặt đoàn công tác của Viện, bà Yoko Shindo đã cám ơn và bày tỏ niềm vinh dự được đến thăm và làm việc với trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. “Theo tinh thần mà ngài Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã trao đổi tại Viện Y học Nihon, hôm nay, đoàn chúng tôi gồm những cán bộ, giáo sư chủ chốt của khoa và chuyên ngành chăm sóc sức khỏe đến Đại học Công nghệ Đồng Nai với mong muốn tạo ra cơ hội tốt để hai bên có thể tạo ra những thay đổi lớn” Bà YokoShindo đồng thời đã tỏ ý khâm phục sự nỗ lực của hai bên để đi đến bước phát triển trong quan hệ hợp tác như hôm nay.

Bà Yoko Shindo và lời đáp bày tỏ niềm vui khi đến thăm và làm việc với trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Bà Yoko Shindo (người ngồi giữa) bày tỏ niềm vui khi đến thăm và làm việc với trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Mặc dù chỉ xuất hiện để chào đoàn theo nghi thức xã giao nhưng TS Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng nhà trường - cũng khiến cả đoàn rất vui và xúc động khi ông nhắc lại nhiều câu chuyện và kỷ niệm của chuyến đi năm trước đến Nihon. Trên cơ sở đó, DNTU đã coi những người của Viện Y học Nihon như những người thân trong gia đình của mình. Ông cho biết mình rất hạnh phúc khi gặp lại những người quen cũ của Nihon. TS Phan Ngọc Sơn cũng đã gửi lời hỏi thăm và chúc sức khỏe tới các vị lãnh đạo của Nihon và bày tỏ mong muốn hai trường sớm phát huy các hoạt động hợp tác để mang lại thành quả và lợi ích thiết thực cho người học và hai đơn vị.

TS Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng nhà trường tiếp và nói chuyện thân mật với đoàn

TS Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng nhà trường (người ngồi giữa) tiếp và nói chuyện thân mật với đoàn

Trong phần trao đổi thảo luận về đặc điểm và khả năng liên kết đào tạo giữa hai đơn vị, TS Trần Thanh Đại - Trưởng khoa TP - MT - ĐD cho biết: dù trường và khoa mới thành lập nhưng khoa TP – MT - ĐD có số SV đông nhất nhì trường và rất có triển vọng. đây là khoa đang giữ vai trò chủ đạo trong liên kết đào tạo với Nihon. TS Trần Thanh Đại đã giới thiệu em Nguyễn Minh Hiếu – SV ngành điều dưỡng lên trình bày về chương trình, nội dung học tập của khoa mình. Qua phần trình bày của em Nguyễn Minh Hiếu- đoàn của Viện Y học Nihon đã hiểu được khá rõ những nét cơ bản trong chương trình cũng như điều kiện thực hành, thực tập của SV DNTU, từ đó cả hai bên sẽ tìm ra giải pháp khắc phục những nhược điểm trong đào tạo và mở ra triển vọng hợp tác.

Em Nguyễn Minh Hiếu - SV khoa TP – MT - ĐD đang trình bày tại buổi làm việc

Em Nguyễn Minh Hiếu - SV khoa TP – MT - ĐD đang trình bày tại buổi làm việc

Em Trần Thị Ánh Tuyết - SV ngành xét nghiệm Y khoa cũng đã giới thiệu với Nihon về ngành học của mình. Mặc dù còn rào cản ngôn ngữ nhưng các SV của DNTU đã mang đến cho đoàn sự thích thú khi biết DNTU đã rất quan tâm và đầu tư chu đáo cho việc học tập của SV cũng như khả năng trình bày vấn đề rất tự tin, mạch lạc của các em.

Em Trần Thị Ánh Tuyết - SV ngành Xét nghiệm Y khoa với phần trình bày của mình

Em Trần Thị Ánh Tuyết - SV ngành Xét nghiệm Y khoa với phần trình bày của mình

Thay mặt đoàn của Viện Y học Nihon, Ông Shuji Amano đã giới thiệu với DNTU một số điểm nổi bật trong chương trình giáo dục của Nhật bản và tại Viện Y học Nihon. Có thể nói về cơ cấu chương trình và sự sắp xếp, bố trí các môn học theo từng năm của hai nhà trường cũng có nhiều nét chung. Ví dụ: ở năm học thứ nhất thì trường nào cũng học các môn cơ bản, chưa đi sâu vào chuyên ngành. Năm học thứ ba là kiến thức chuyên sâu nặng nhất. Năm thứ tư thì chú trọng thực tập và tốt nghiệp ra trường. Tuy vậy, tại Nihon thì thực hành và rèn kỹ năng là hai yếu tố rất được chú trọng. Chẳng hạn: SV năm thứ tư có thời gian thực hành là 6 tháng. Chính vì vậy, khả năng chuyên môn và tay nghề của SV mới ra trường đã rất tốt, Ông Shuji Amano cho biết.

Ông Shuji Amano đang giới thiệu về Nihon

Ông Shuji Amano (người bên phải) đang giới thiệu về Nihon

Sau phần trình bày của ông Shuji Amano, bà Yuko Oikava đã có phần thuyết minh rất ấn tượng về các phương pháp làm giảm sự đau đớn của người phụ nữ trong sinh đẻ. Là một chuyên gia trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nên bà Yuko Oikava cho biết: ở Nhật Bản gần như 100% phụ nữ sinh đẻ tự nhiên nên vấn đề làm giảm sự đau đớn của người mẹ trong cơn “vượt cạn” rất được coi trọng. Và vì thế, để làm giảm những cơn đau, bà đã giới thiệu một loạt những phương pháp như matxa, bấm huyệt, sử dụng hương thơm tự nhiên, ngâm chân trong nước nóng, điều tiết nhịp thở, thế nằm, ngồi…

Đặc biệt họ rất chú trọng vấn đề ổn định tinh thần, tâm lý cho sản phụ cũng như rất tôn trọng quyết định của người mẹ khi chọn hoàn cảnh và điều kiện để sinh con. Rất ít khi người Nhật chọn hình thức sinh mổ. Chỉ trong trường hợp quá khó khăn ở những người lớn tuổi hoặc khi tính mạng của đứa bé bị đe dọa nghiêm trọng mới dùng đến phương pháp này. Lợi ích của việc sinh nở tự nhiên chúng ta biết rõ. Phải chăng người phụ nữ Nhật Bản chọn con đường sinh nở tự nhiên cũng là cách để thể hiện bản lĩnh con người trong nỗi đau vinh quang nhất.

Bà Yuko Oikava và phần thuyết trình của mình

Bà Yuko Oikava và phần thuyết trình của mình

Hai SV Nao Hachiya và Hiroya Akabane đã mang đến cho các Thầy/Cô trong DNTU và không khí buổi làm việc một niềm vui thơ trẻ bởi cách trình bày vấn đề hết sức hồn nhiên và bằng chứng thuyết phục thông qua các hình ảnh về tuổi thơ các em và những năm tháng đã qua. Theo đó, các em đã thuyết minh được một cách sinh động về nhà trường và các bậc học từ Mầm non đến THPT ở đất nước Nhật bản. Qua đó chúng ta cũng biết được THPT (cấp III) vẫn là bậc học bắt buộc ở Nhật Bản và các em sau khi tốt nghiệp THPT đều trên cơ sở khả năng, đam mê và sở thích. Nao Hachiya cho biết em theo đuổi ước mơ trở thành một nữ hộ sinh còn chàng trai Hiroya Akabane sinh ra ở ngoại ô Tokyo, thích đi “phượt” bằng xe máy lại muốn thành nhân viên điều dưỡng. Không thấy các em nói đến vấn đề lựa chọn ngành nghề dựa trên cơ sở dễ kiếm được nhiều tiền sau lúc ra trường. Đó cũng là một điều đáng để chúng ta suy nghĩ.

Nao Hachiya và Hiroya Akabane đang trao đổi hết sức hồn nhiên trong buổi làm việc

Nao Hachiya và Hiroya Akabane đang trao đổi hết sức hồn nhiên trong buổi làm việc

Nao Hachiya và Hiroya Akabane đang trao đổi hết sức hồn nhiên trong buổi làm việc

Bên lề buổi làm việc, chúng tôi có hỏi Akabane rằng thích đi “phượt” bằng xe máy vậy có thích “đua” xe không. Akabane trả lời ngay: thích chứ. (Có lẽ Hiroya Akabane chỉ mới nghĩ đến từ “đua” trong khái niệm tốc độ chứ chưa hiểu ngụ ý về chuyện đua xe trái phép trong giới trẻ ở VN mà chúng tôi đang đùa.) Còn Nao Hachiya khi được hỏi có bí quyết nào để chia sẻ với SV DNTU về việc học tốt thì em cho biết: là học và hành nhiều. Trung bình mỗi ngày từ 14 tiếng và có thể hơn nữa. Mới hay cường độ và tinh thần làm việc của con người Nhật Bản như thế nào. Nếu chúng ta cũng miệt mài và say mê như họ thì sao nhỉ hỡi các bạn SV DNTU?

TS Trần Đức Thuận tặng hoa và trao quà lưu niệm cho đại diện viện Y học Nihon

TS Trần Đức Thuận (người bên trái) tặng hoa và trao quà lưu niệm cho đại diện viện Y học Nihon

Kết thúc buổi sáng làm việc, hai bên đã chụp hình và trao quà lưu niệm. Buổi chiều đoàn bắt đầu đi thăm một số Bệnh viện và cơ sở khám chữa bệnh mà SV DNTU thường xuyên kiến tập, thực tập. Hy vọng trong thời gian tới nhiều sinh viên DNTU sẽ tới xứ sở hoa anh đào - và ngược lại - để hiệu quả đào tạo và mối tình giữa hai trường, hai dân tộc ngày càng bền chặt

Ngô Thị Tuyết Lan - Phòng Truyền thông

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai