Theo Báo Đồng Nai: Coi giáo dục là động lực cho sự phát triển bền vững
(ĐN) - Sáng 18-4, tại tỉnh Bình Dương, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị phát triển giáo dục đào tạo (GD-ĐT) vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ngọc Thành
Đến dự hội nghị có Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo Bộ GD-ĐT, đại diện các ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tây Ninh. Về phía tỉnh Đồng Nai có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Ban giám đốc Sở GD-ĐT, lãnh đạo các phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh.
Tham luận tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã giới thiệu những thành tựu trong phát triển GD-ĐT của Đồng Nai.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng phát biểu tham luận tại hội nghị
Cụ thể, tỉnh đã không ngừng đầu tư cho giáo dục/tổng chi của tỉnh từ 8,36% năm 2010 lên 37% năm 2020. Quy mô trường lớp, đội ngũ giáo viên và học sinh không ngừng tăng qua các năm, tỷ lệ trường học cao tầng đạt cao.
Đồng Nai cũng là tỉnh thực hiện tốt chính sách thu hút xã hội hóa giáo dục ở các bậc học với tỷ lệ cao hơn nhiều lần mức bình quân chung cả nước. Tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, xây dựng môi trường học tập lành mạnh và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng (ngoài cùng bên phải) và Vụ trưởng, Trưởng cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM Đặng Mạnh Trung trao đổi với lãnh đạo 3 trường đại học lớn của tỉnh Đồng Nai tham dự hội nghị phát triển giáo dục Đông Nam bộ tại Bình Dương
Trong quá trình phát triển giáo dục, Đồng Nai cũng đối mặt với không ít khó khăn, đó là sự gia tăng dân số ở các đô thị, khu dân cư gần các khu công nghiệp, dẫn đến quá tải trường lớp; tình trạng giáo viên nghỉ việc và phải thực hiện tinh giản biên chế, trong khi số học sinh hàng năm đều tăng.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá rất cao vai trò đầu tàu của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, trong đó GD-ĐT đã có đóng góp rất lớn.
Phó thủ tướng cũng đồng tình với những tham luận được trình bày tại hội nghị, thể hiện cách làm bài bản của mỗi địa phương. Đây là động lực quan trọng giúp các tỉnh Đông Nam bộ sẽ đạt được mục tiêu đề ra thời gian tới.
Phó thủ tướng đề nghị, 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ phải tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho GD-ĐT và trọng dụng nhân tài, coi giáo dục là động lực cho phát triển bền vững thay vì chỉ dựa vào tài nguyên thiên nhiên.
Công Nghĩa