Nơi thắp sáng niềm tin và hy vọng
7h30 sáng ngày 05/9 tại Trung tâm tích hợp trường Đại học Công nghệ Đồng Nai chúng tôi bắt đầu làm quen với một số phụ huynh và học sinh vào làm thủ tục nhập học. Đã hơn 30 năm gắn bó với nghề dạy học, đã đón không biết bao nhiêu mùa khai trường nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên tôi mới thực sự chia sẻ với các em cùng phụ huynh những điều thật cảm động. Ngồi mãi ở hàng ghế cuối cùng trong hội trường của Trung tâm tích hợp, bác Nguyễn Trương quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang chăm chú theo dõi đứa cháu nội làm hồ sơ nhập học. Năm nay đã 76 tuổi, thương đứa cháu nội nhà nghèo nhưng chăm học nên hai ông cháu khăn gói cùng nhau vào trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Bác Trương cho biết: hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn lắm, bố mẹ cháu cũng muốn cháu nghỉ học ở nhà đi làm phụ giúp gia đình dù cháu đạt điểm cao hơn mức điểm sàn mà Bộ Giáo dục đào tạo quy định. Thấy bạn bè tiếp tục đi học và cháu khóc nên không nỡ để cháu ở nhà đi làm. Đưa cháu vào Đồng Nai, vừa tiễn cháu đi học nhưng cũng để gửi cháu vào nhà một người bà con đang sinh sống tại phường Tam Hiệp, để cháu được nhờ cậy đôi phần. Tôi thực sự cảm động bởi tình thương yêu của người ông dành cho đứa cháu gái bé nhỏ đồng thời cũng không quên nhớ về những con người của vùng đất nghèo hiếu học, đã để lại cho đời bao danh nhân uyên bác và nghĩa khí. Tôi thầm cầu mong cho em sẽ học tốt ngành Tài chính kế toán mà em đã lựa chọn.
Nguyễn Thị Phương Dung với ước mơ học ngành Tài chính kế toán và ông nội trong ngày nhập học
Tôi cũng gặp một Nguyễn Thị Phương Dung nữa. Dung đang làm thủ tục nhập học bên cạnh người mẹ và đứa em còn nhỏ xíu. Dung là thứ tư trong một gia đình có sáu người con. Chị Bùi Thị Tuyết Linh - mẹ của Phương Dung - kể: quê chị ở Ninh Thuận, nhà thuộc diện hộ nghèo nên con vào được Đại học tuy mừng nhưng lo lắm. Không biết thời gian tới rồi sẽ ra sao đây. Tôi đem những điều tâm sự của người mẹ bày tỏ cùng TS Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng nhà trường thì được Thầy cho biết: không lo. Nhà trường biết điều đó nên đã chỉ đạo phòng Quan hệ doanh nghiệp tìm nhiều cách hỗ trợ. Cụ thể: các em có thể được các doanh nghiệp cho vay vốn và tạo điều kiện việc làm trong suốt cả quá trình học để có thể trả học phí và trang trải cuộc sống. Nếu làm việc tốt, sau thời gian học tập các em còn được doanh nghiệp nhận vào làm việc dễ dàng. Dung có mơ ước học ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường để sau này về quê nhà làm việc. Em tâm sự: quê em nghèo quá, mà thiên nhiên lại khắc nghiệt nữa. Em học ngành này vói mong muốn sau này có thể làm được cái gì đó cho quê đỡ cực. Nhìn người mẹ nhỏ thó đầy vẻ lam lũ ta càng hiểu vì sao các em lại nung nấu khát vọng học tập đến thế. Tôi tin rằng DNTU sẽ là nơi chắp cánh mơ ước cho em, để một ngày nào đó khi về vùng quê Ninh thuận của Phương Dung chúng ta sẽ được chứng kiến những điều kỳ diệu viết lên từ đam mê và lòng tin yêu cuộc sống.
Ngành Công nghệ Kỹ thuật môi trường đam mê của Phương Dung, cô gái đến từ vùng đất khắc nghiệt nhất miền Trung: Ninh Thuận
Ngồi ngay hàng đầu cạnh sân khấu là ba bốn chàng trai đang thảo luận sôi nổi về một nội dung nào đó trong hồ sơ tuyển sinh. Tôi làm quen với một chàng có vẻ “ăn chơi” nhất hội và được em cho biết: em là Ngô xuân Đạt, học sinh trường THPT Lê Hồng Phong, TP Biên Hòa. Em học ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô. Có phần ngạc nhiên, tôi hỏi lại Đạt rằng em không sợ đây là nghề phải đổ mồ hôi nhiều, có khi còn phải lấm lem dầu mỡ nữa. Nhìn tướng em như vậy liệu có theo nổi không. Đạt cười và cho biết em rất thích tìm hiểu về kỹ thuật, nhất là máy móc. Vì thế, em đã chọn ngành này và chắc chắn là sẽ học tốt. Những người bạn của Đạt, có người cùng sở thích với em, có bạn chọn vào ngành Điện - Điện tử. Ai cũng phấn chấn vì sự lựa chọn ngành nghề ngay từ ban đầu đã diễn ra hết sức suôn sẻ, thuận lợi.
Ngô Xuân Đạt cùng những người bạn đang chờ nộp hồ sơ nhập học
Để các em ngay từ lúc bước chân đến trường không khỏi bở ngỡ, thời gian qua, BGH và HĐQT trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã chỉ đạo các bộ phận lên kế hoạch và tập dượt cẩn thận. Tại Hội trường Trung tâm tích hợp, các em được hướng dẫn đến từng bàn theo trình tự, không hề có chuyện ồn ào, chen lấn. nhận ra một phong cách làm việc rất chuyên nghiệp của DNTU: đến giờ phút này, tất cả đều ổn, chưa xảy ra bất cứ sự cố nào. TS Phạm Đình Sắc - Trưởng phòng đào tạo cho biết. Tôi đem thắc mắc về chuyện có thể thay đổi được nguyện vọng không sau khi đã làm thủ tục nhập học, TS Sắc cho biết nhà trường sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các em thỏa mãn nguyện vọng. Sau khi vào học, nếu thấy mình không phù hợp với nghề đã lựa chọn, nhà trường sẽ cho các em chuyển sang học ngành khác mà không có bất cứ yêu cầu gì. Tôi thấy nhẹ cả người khi có ai đó lỡ chọn sai ngành mà không được chọn lại theo ý muốn.
TS Phạm Đình Sắc - Trưởng Phòng đào tạo đang trao đổi cùng tân sinh viên
Rời Trung tâm tích hợp, nơi có hàng trăm con người từ nhiều miền quê của đất nước tụ hội về mang theo biết bao mơ ước và khát vọng, tôi lại chợt nghĩ về quá khứ của mình. Gần 40 năm trước, cũng một sáng mùa thu thế này tôi bước chân vào trường Đại học, đầy khát vọng và hoài bão. Tôi đã được thỏa nguyện ước mơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường THPT. Và tôi hoàn toàn tin tưởng nơi này sẽ thỏa mọi khát khao của các em, sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những con người còn bao vất vả nhọc nhằn mà sáng nay tôi đã gặp
Ngô Thị Tuyết Lan - Phòng Truyền Thông