Nỗ lực để đi tới thành công
Nỗ lực để đi tới thành công
Nhân dịp 10 năm kỷ niệm trường ĐHCN Đồng Nai, BBT đặc san “ Tự hào trường Đại học Công nghệ Đồng Nai” đã có một cuộc trao đổi hết sức thú vị với Thầy Phan Ngọc Sơn - Tiến sỹ - Hiệu trưởng nhà trường. Sau đây là toàn văn nội dung cuộc trao đổi ấy. Xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.
Phỏng vấn Thầy Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng trường ĐHCN Đồng Nai
BBT: Nguyên nhân nào đã khiến Thầy “rẽ hướng” sang lĩnh vực Giáo dục vì chúng tôi được biết lúc bấy giờ (1996-1997-BBT), Thầy đang làm việc và có cơ hội tốt ở một doanh nghiệp nhà nước?
TS Phan Ngọc Sơn: Nguyên nhân ư? Có gì đâu. Hồi đó mình đi xin cho con vào THPT, thấy khó khăn quá. (Cười). Lúc đó nhà nước cũng đã có chủ trương cho mở trường tư thục, mình bỗng nảy ra ý nghĩ: đi xin học hành khó khăn như thế này tại sao mình lại không mở trường cho con học nhỉ? Nghĩ là làm luôn. Vậy thôi. Tính tôi vốn rất quyết đoán mà. Chuyển sang làm trường đúng là tôi đã “rẽ ngang”. Lúc bấy giờ tôi đang làm chủ nhiệm một dự án cải tạo lưới điện của Tổng công ty Điện lực Miền Nam sử dụng vốn ngân hàng thế giới. Công việc và thu nhập đang ổn định, ngon lành. Nhưng mình đã “rẽ” là đi luôn, không tiếc, không quay lại. Và đến tận bây giờ, mình vẫn cảm thấy không ân hận vì cái quyết định rẽ hướng của gần 20 năm trước. Ngược lại, mình còn biết ơn cơ may đã cho mình quyết định đi đến với nghề này.
BBT: Lúc bấy giờ, trường THPT Nguyễn Khuyến của Thầy đang rất nổi tiếng, sao Thầy lại nghĩ đến mở hệ Cao đẳng rồi sau này là Đại học? Sao Thầy lại chọn mô hình trường Kỹ thuật- Công nghệ mà không chọn Tài chính- Ngân hàng chẳng hạn?
TS Phan Ngọc Sơn: Cái tên THPT Nguyễn Khuyến quả thực đã rất nổi tiếng một thời. Nổi tiếng vì đào tạo chất lượng cao , kỷ luật nghiêm, luôn có mặt trong các trường tốp đầu trong các kỳ thi HS giỏi, tốt nghiệp THPT hay tỷ lệ vào các trường CĐ và ĐH. nhà trường đã có rất nhiều danh hiệu khen thưởng từ địa phương đến Trung ương tặng cho nhà trường. Mình cũng rất tự hào, nhưng chưa đầy 1000m2 diện tích mà có năm phải chứa đến 1500HS thì rõ ràng là quá tải. Mà mở rộng hơn nữa ở vị trí đó thì không thể được. Nằm trong khu vực quy hoạch mới, không thể nâng cấp hay mở rộng ( đó cũng là lý do chính khiến Nguyễn Khuyến sau này không được như các trường ra đời sau có lợi thế hơn hẳn về vị trí và diện tích). Mình lặn lội vào Trảng Dài để mở thêm cơ sở mới. Đó là vào khoảng năm 2000. Ý tưởng về một trường CĐ nghề thì mình đã có từ trước vì mình nghĩ: sao lại không tiêp tục đào tạo sau THPT cho học sinh của mình? Cũng như khi đi xin học cho con, mình đã nhìn thấy nhu cầu. Đồng Nai là một tỉnh thuộc địa bàn trọng điểm của Công nghiệp, có hàng ngàn nhà máy, hàng chục vạn công nhân. Vậy tất yếu phải có nhu cầu về thợ. Thầy thì ta có nhiều quá rồi. Bây giờ mới càng thấy đúng. Mục tiêu của mình là hướng đến cái xã hội cần chứ không phải cái xã hội đang tung hô. Nếu lại chọn mở trường như các anh chị nói thì ngay từ đầu tôi đã không chọn ngành giáo dục.
BBT: Để có được những thành công như hôm nay, mười năm qua, Thầy đã trải qua rất nhiều thử thách. Xin Thầy chia sẻ đôi điều về những thuận lợi và khó khăn của Thầy, của DNTU trong thời gian đó.
TS Phan Ngọc Sơn: ( trầm ngâm một lúc) Thuận lợi và khó khăn ư? Nói ra thì dài lắm. Mà tôi nói ra hết liệu các anh chị ngồi đây còn ai dám về mở trường không? Thuận lợi cũng có nhưng gian nan, khổ cực mới thật đáng kể. Ngày tôi vào đây, vùng đất Trảng Dài còn hoang sơ lắm nên vấn đề đất đai không quá khó khăn như bây giờ. Tôi cũng được nhiều người giúp đỡ. Thầy Đỗ Hữu Tài, Nguyễn Văn Vưu, ông Huỳnh Văn Bình, anh Tư Hoàng, anh Huỳnh Văn Tới, Huỳnh Chiến Thắng và các anh trong UBND tỉnh bây giờ đều chia sẻ, động viên. Tôi cũng có nhiều người Thầy, người bạn giỏi, tâm huyết, hỗ trợ, có sự thành công bước đầu rất lớn của trường THPT Nguyễn Khuyến làm nhân tố thúc đẩy. Tôi có “ nội tướng” khéo léo, tháo vát, quản lý tốt và rành rẽ về tài chính. Và quan trọng nhất là chúng tôi không phải phụ thuộc ai cả, tự mình quyết và tự chịu trách nhiệm nên vấn đề gì cũng giải quyết rất nhanh. Khó khăn ư? Truân chuyên lắm. Năm năm trời theo đuổi ý tưởng thành lập trường lắm lúc tôi như muốn phát điên. Cô Dung ( GV dạy Địa lý của trường THPT Nguyễn Khuyến-BBT) gặp tôi ngồi chờ chực ở sân Bộ Giáo dục trong một buổi chiều lạnh đã phát khóc bảo tôi: “Thầy ơi! Thầy về đi. Làm sao mà Thầy phải khổ cực thế này. Ở trong kia Thầy đang được bao nhiêu người kính trọng’’…Nghe vậy tôi cũng xúc động nhưng lại càng quyết tâm hơn.(Cười) Những ngày tháng cuối năm 2005, đã có lúc tôi nghĩ tiêu cực. Tôi đã tự hỏi: Sơn! Chẳng lẽ mày lại đi kết thúc cuộc đời ở đây sao? Thất vọng như thế cho nên chiều ngày 03/10/2005- lúc đó khoảng 6h- nghe người bạn điện thoại báo Bộ trưởng đã ký quyết định cho thành lập trường, tôi bổ nhào từ khách sạn sang văn phòng Bộ. Được nửa đường phải quay lại vì phát hiện chân mình chưa mang giày…(Cười một hồi) Và các anh chị biết không? Tôi đặt làm luôn con dấu (mộc) ở Hà Nội. Ngày hôm đó, tôi ra Bờ Hồ gọi một tô phở, ngồi ngắm Tháp Rùa. Ăn xong, tôi lấy con dấu ra đóng vào tay, đóng luôn một cái vào trán mình như là sự tuyên thệ trước trời đất, chấm dứt một chuỗi ngày ăn chực nằm chờ ( cười vui)
Nhưng chưa hết đâu. Những năm đầu sau khi thành lập, sinh viên chưa có. Mình lại chưa có kinh nghiệm trong tuyển sinh, đào tạo nên lại càng thiếu sinh viên. Tôi nợ nần ngập đầu ngập cổ. Ngân hàng đến đòi tiền, đòi phát mãi tài sản. Có người đặt vấn đề... mua trường!Tôi lại như người điên. Lặn lội. Xoay xở. Cầm cố. Trường này, tôi như người mẹ đẻ ra nó. Các anh chị thấy có ai bán con của mình chưa? Nếu không có cô Hoa ( vợ Thầy Sơn-BBT) hỗ trợ, chăm sóc trong những ngày này thì chắc tôi đã “tiêu” rồi.( Cười). Nhưng tôi nói rõ với các anh chị, dù đau đớn, khủng hoảng như thế nhưng tôi không nghĩ mình sẽ gục ngã, không từ bỏ mục tiêu. Có bán gì thì bán, không bán trường. ( Cười thoải mái).
BBT: Vâng! Quả thật là gian truân. Giờ qua 10 năm rồi, Thầy có hài lòng với “sản phẩm” của mình không?Theo Thầy, vấn đề cần quan tâm nhất của DNTU hiện nay là gì?
TS Phan Ngọc Sơn: Tôi là người năng động, thích phấn đấu và hay đòi hỏi cao nên chưa thể nói là đã hài lòng với sản phẩm của mình. Với các thế hệ sinh viên đã ra trường tôi rất muốn các em thông cảm cho những gì chưa hoàn thiện trong thời kỳ đầu đầy khó khăn của DNTU. Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng tôi biết chúng tôi đã chưa cung cấp đủ cho các em những kiến thức, kỹ năng mà XH và doanh nghiệp đòi hỏi. Các em chưa thực sự tự tin khi làm việc là lỗi của đào tạo trong đó có tôi. Giá như bây giờ, các em sẽ được bổ túc đầy đủ hơn.
Các anh chị hỏi tôi vấn đề cần quan tâm nhất của DNTU hiện nay là gì ư? Con người. Phải có con người, nếu không sẽ không có tương lai của DNTU. Hiện tại đang rất khó. Thiếu đào tạo để có sự chuẩn bị. Thiếu nhiều người thực sự có năng lực, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu để áp dụng cho XH. Bài học từ Trung quốc và các nước: Thầy phải giỏi mới có học trò giỏi. Và lại phải có thêm phương tiện thiệt bị hiện đại. Nhiều thứ của chúng ta đã quá lỗi thời. Thầy thì còn nhiều người thiếu kiến thức thực tế. Có hiện tượng: người ra trường không xin được việc làm, vậy là đi học tiếp. Có bằng cấp rồi …đi làm thầy. Như vậy là thiếu kiến thức thực tế, chỉ có kiến thức hàn lâm, khó hòa nhập. Kinh nghiệm từ bản thân tôi: muốn thành công phải biết hòa nhập, phải làm được và sẵn sàng làm mọi việc. Và còn phải kiên trì, phải nhẫn nhịn. Con người ở DNTU hiện nay đa phần còn trẻ. Họ khỏe mạnh, nhạy bén, năng động song còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức thực tế, còn nhiều người chưa tâm huyết với nghề.Xây dựng trường học là một quá trình dài, cần có thời gian, phải biết chịu đựng, biết hy sinh, dám lăn xả vào công việc. Và phải cùng đoàn kết, đồng thuận từ trong quản lý, từ cao xuống thấp. Nếu không, có tiền tỷ, tiền núi cũng chả giải quyết được gì.
BBT: Xin hỏi Thầy một câu cuối: Trước yêu cầu ngày càng cao của XH và doanh nghiệp về nguồn nhân lực, Thầy có thể cho biết dự định của Thầy và hướng đi sắp tới của DNTU?
Thầy Phan Ngọc Sơn: Với tư cách là một nhà đào tạo, tôi luôn có một trăn trở: làm sao đào tạo được con người có thể tự nuôi được chính họ. Nghĩa là sinh viên sau khi ra trường thì phải có việc làm mà là việc làm tốt để nuôi bản thân và gia đình. Còn những người làm việc tại DNTU sau 5 năm nữa sẽ phải chia làm 2 phần: những người lao động làm công ăn lương và đội ngũ những người nghiên cứu khoa học.Trong những năm qua, DNTU đã đào tạo được một số người, đã đi đúng hướng song trong những năm tới phải chú ý toàn diện hơn. Phải đào tạo đa ngành đa nghề, chú trọng cả quản lý, kinh tế, không chỉ riêng công nghệ. Phải đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại để thay thế cho những thứ đã lỗi thời. Các anh/ chị đừng chủ quan cho rằng trường cứ như thế này rồi là ổn, cứ từ từ mà tiến. Không đâu. Điều tôi lo lắng là chặng đường phía trước. Có trường dễ hơn phát triển nhà trường. Tôi không muốn nó (DNTU) dặt dẹo. Dặt dẹo là chết bởi không thể cạnh tranh nổi với các trường mạnh trong nước, chưa nói đến các trường trong khu vực và thế giới. Phải có thêm đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, phải có nhiều thầy giỏi và tâm huyết, đủ tầm, hiểu và nắm bắt được những cái mới nhất của khoa học kỹ thật tiên tiến, hiện đại. Phải có một đội ngũ cán bộ năng động, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nắm bắt được những yêu cầu và đòi hỏi từ phía những người sử dụng lao động để đào tạo. Kiên quyết không đi vào vết xe cũ: học một đường, làm một nẻo. Phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn. Sản phẩm khoa học phải ứng dụng được, mang lại lợi ích cụ thể cho doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng. Việc này không phải chỉ riêng trong đội ngũ giáo sư mà phải ở tất cả các giảng viên, cả các em sinh viên. Nhà trường làm sao tạo được điều kiện hay còn gọi là sân chơi để các em phát huy mọi ý tưởng sáng tạo bên cạnh giỏi tay nghề, thuần thục các kỹ năng. Tôi không mơ ước trường phải có thật nhiều sinh viên mà mơ ước trường có nhiều sinh viên giỏi. Ít sinh viên nhưng phải thật giỏi, thật chất lượng, nghĩa là phải đào tạo thật sự chất lượng cao, theo kịp nhu cầu xã hội. Chuẩn bị đủ mọi điều kiện để làm sao trong 5 năm tới đào tạo bậc Tiến sỹ, được phong học hàm, học vị. Tôi tha thiết mong muốn có những người nổi tiếng gắn bó với trường. Mong muốn trường có tư thế vươn cao, làm chủ, vươn tới ngang tầm với những trường đại học có tên tuổi trong nước và khu vực. Tất cả những bước đang đi của DNTU là để chuẩn bị cho điều đó.
BBT: Xin cám ơn Thầy về cuộc trao đổi cởi mở và thú vị này. Xin kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe, kiên trì mục tiêu đã theo đuổi để DNTU ngày một phát triển. Một lần nữa, xin cám ơn Thầy.