Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên DNTU khi doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo

Việc tích lũy quá nhiều những kiến thức sách vở “ hàn lâm” mà thiếu kỹ năng lao động, làm việc đã khiến vô số sinh viên ra trường không có khả năng tìm việc làm, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội là một trong những bức xúc lớn của chúng ta lâu nay. Nhằm góp phần giải quyết tận gốc bản chất của vấn đề, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) đã không ngừng tăng cường nhiều giải pháp mới cho chương trình đào tạo. Một trong những bước đột phá ấy là mời các doanh nghiệp tham gia dạy kèm kỹ năng cho sinh viên DNTU.

Một số hình ảnh về các doanh nghiệp trẻ tham gia giảng dạy kỹ năng cho sinh viên DNTU

Một số hình ảnh về các doanh nghiệp trẻ tham gia giảng dạy kỹ năng cho sinh viên DNTU

Một số hình ảnh về các doanh nghiệp trẻ tham gia giảng dạy kỹ năng cho sinh viên DNTU

Trước thềm năm học 2016 – 2017, thống nhất từ chủ trương và chỉ đạo của Ban giám hiệu, phòng Quan hệ doanh nghiệp đã chủ động mời Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai cùng tham gia giảng dạy kỹ năng cho sinh viên nhà trường. Bởi chỉ có những người đang trực tiếp sử dụng lao động, những người hàng ngày tiếp xúc với các em sinh viên cầm hồ sơ đi xin việc làm mới thấy hết tường tận cái họ cần và cái các em đang thiếu là gì. Bằng kinh nghiệm và sự thành công trong công việc, các Anh/chị trong hội doanh nghiệp trẻ tỉnh Đồng Nai đã hết sức nhiệt tình chia sẻ với các em những điều cần thiết để các em rèn luyện ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Với ba chuyên đề lớn: Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng làm hồ sơ xin việc và phỏng vấn, hội Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai đã thực sự mang đến cho các em nhiều nhận thức mới mẻ. Có thể nói nội dung cơ bản của ba chuyên đề nói trên cũng là những điểm thiết yếu nhất mà sinh viên đang cần đồng thời cũng là ba điểm yếu “chết người” của đại đa số HS-SV.

Phần lớn HS (phổ thông) của chúng ta dều rất ngại nói trước đám đông, không biết cách trình bày một vấn đề sao cho rõ ràng, cụ thể. Việc thể hiện quan điểm, chính kiến lại càng khó hơn nữa. Chẳng cần phải tinh ý người sử dụng lao động cũng dễ dàng “đoán” ra khả năng sáng tạo trong công việc của những sinh viên này. kỹ năng giao tiếp và thuyết trình không chỉ mang lại cho các em sự tự tin, tác phong thân thiện, tư duy khoa học mà cao hơn là giúp các em biết thể hiện quan điểm, chính kiến của mình. Kỹ năng làm việc nhóm cũng là điều kiện mà HS-SV chúng ta chưa được giáo dục một cách bài bản. Đã có người nhận xét rằng: làm việc một mình, một lao động Việt Nam có thể cho năng suất bằng hai người nước ngoài nhưng hai lao động VN làm việc chung thì năng suất lại chỉ bằng một người nước ngoài. Điều đó cho thấy hiệu quả kết hợp trong lao động (khả năng làm việc nhóm) của chúng ta là vô cùng thấp. Nhiều bạn trẻ thậm chí chưa biết đến khái niệm làm việc nhóm. Trong môi trường lao động công nghiệp cũng như trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động khác, sự yếu kém trong tổ chức, điều hành dẫn đến hiệu quả lao động thấp của làm việc nhóm là điều chúng ta phải suy nghĩ. Tại sao một lao động người Việt làm việc một mình có thể hiệu quả gấp đôi một người nước ngoài nhưng khi hai người Việt làm chung với nhau thì lại chỉ bằng một người của họ? Tại sao? Phải chăng ý thức tự giác của chúng ta quá thấp? Phải chăng tính ỷ lại, tính tư hữu của chúng ta quá lớn? Tâm lý ai cũng sợ mình bị thiệt thòi, phải làm nhiều hơn người khác hoặc mình không làm có người khác làm, mình không nghĩ có người khác nghĩ đã biến ta ta thành kẻ thụ động, lắm lúc như người thừa. Học kỹ năng làm việc nhóm không chỉ học cách liên kết lao động một cách khoa học và đồng thời tạo nên ý thức mới, kỷ luật mới. Biết lao động tự giác, hiệu quả trong tập thể mà không cần giám sát, nhắc nhở nghĩa là chúng ta đã tạo nên được phẩm chất đẹp cho người lao động. Các em sinh viên của DNTU đang được giáo dục và rèn luyện điều này.

Làm hồ sơ, phỏng vấn xin việc cũng là điều mà các doanh nghiệp trẻ muốn thổ lộ và chia sẻ với các bạn sinh viên. Làm sao để người tuyển dụng lao động có cảm tình ngay từ đầu khi chỉ mới cầm trên tay hồ sơ xin việc của bạn? Làm sao để ngay từ khi bước chân vào phòng phỏng vấn bạn đã để lại một ấn tượng tốt về khả năng làm việc (chứ không phải là sự hấp dẫn, thu hút về ngoại hình)? Bạn chưa nói được hay lại đã nói quá nhiều về điều mà người sử dụng lao động muốn biết? Bạn có chứng minh được năng lực thật sự của mình một cách thuyết phục ?...Tất cả những vấn đề đó đều cần có kỹ năng. Và những doanh nghiệp trẻ đã và đang đồng hành, chia sẻ với sinh viên DNTU. Bằng con đường này, chắc chắn thời gian tới sinh viên DNTU của chúng ta sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm cũng như sự thành công trong cuộc sống.

Ban Nội san Khoa học

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai