Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo Đại học

Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đại học là một yêu cầu bức xúc của xã hội trong giai đoạn hiện nay ở nước ta. Việc Nhà nước quy định các trường đại học phải thực hiện sự kiểm định chất lượng thông qua biện pháp tự đánh giá và đánh giá ngoài để xác định vị trí và khả năng đào tạo của mình trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, càng khẳng định quyết tâm của Nhà nước ta trong việc không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng một thực trạng đang tồn tại trong rất nhiều năm qua ở các trường đại học nước ta là công tác quản lý sinh viên còn rất nhiều lúng túng, bất cập đưa đến kết quả là quá trình đào tạo chất lượng đạt được còn chưa cao. Vì thế, cần phải có những giải pháp khả thi để khắc phục một cách hiệu quả thực trạng nói trên nhằm đáp ứng một đỏi hỏi hết sức bức thiết đó là nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên hệ vừa làm, vừa học.
Để có thể khắc phục được thực trạng này, theo tôi  cần phải có một sự đánh giá thật nghiêm túc, một cái nhìn toàn diện, một sự điều chỉnh đồng bộ ở tất cả các khâu trong quá trình tổ chức và giảng dạy của nhà trường.
Ở góc độ chuyên môn giảng dạy, chúng tôi  thẳng thắn đối diện với một sự thật đặt ra là sinh viên thường xuyên tìm cách vắng mặt, hoặc nếu có đến lớp thì thường có thái độ học đối phó, thi cử chưa nghiêm túc, không cầu thị kiến thức, chất lượng nhận thức yếu v.v… trách nhiệm này không phải chỉ  ở khâu quản lý sinh viên - thuộc các đơn vị làm công tác quản lý học viên mà còn có một nguyên nhân trực tiếp rất sâu xa tác động rất lớn vào quá trình quản lý sinh viên đó là nội dung chương trình học, phương pháp giảng dạy, năng lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình yêu thích, say mê học tập của sinh viên.

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai hướng đến chất lượng dạy và học

Từ sự nhận thức đó, để góp phần quản lý tốt sinh viên  chúng tôi có một vài ý suy nghĩ nhỏ về nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng chung hiện nay về việc quản lý sinh viên như  sau:

Thứ nhất: Chúng ta phải làm sao để kích thích được tính tự giác của sinh viên trong quá trình học tập; làm sao việc được nghe giảng trên lớp phải thực sự trở thành nhu cầu bức thiết của người học chứ không phải vì sợ điểm danh hay sợ bị cấm thi mới có mặt trên lớp. Muốn làm được như vậy trước hết nội dung giảng dạy phải phù hợp với tính đặc thù của đối tượng giảng dạy. Vì vậy, cần rà soát lại một cách hệ thống toàn bộ nội dung giảng dạy của từng môn học. Bởi đối với sinh viên là những người trực tiếp làm việc ở cơ sở, lăn lộn trong công tác nên có hiểu biết kinh nghiệm thực tiễn. Họ mong muốn đi học là để nâng cao nhận thức giữa lý luận và thực tiễn nhằm giải quyết tốt những vấn đề của thực tiễn đặt ra. Thế nhưng trong nội dung giảng dạy ở trường ta còn nhiều những môn học, những bài giảng chỉ mang tính lý luận chung chung chưa thực sự gắn với thực tiễn, giải quyết những vấn đề của thực tiễn. Vì thế khi nghe giảng người học cảm thấy có nhiều vấn đề không thiết thực làm hình thành tâm lý học cũng vậy mà không học cũng vậy, học để thi chứ không có ích gì cho công việc, do đó dẫn đến ý thức học không tích cực hoặc học chỉ để đối phó kỳ thi và những quy chế nhà trường đặt ra. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc quản lý chất lượng sinh viên chưa được như mong muốn. Để khắc phục được điều này đòi hỏi bản thân người giảng viên phải có kiến thức chuyên môn vững vàng, vừa sâu, vừa rộng, có phương pháp giảng dạy tốt và  nhất thiết người giảng viên phải am hiểu sâu sắc thực tiễn thì mới có thể gắn lý luận với thực tiễn, như thế bài giảng của mình mới thuyết phục được người học, gợi niềm say mê hứng thú cho người học - người học mới thật sự cảm thấy việc học tập, nghiên cứu lý luận ở trường là thật sự bổ ích vì những kiến thức học được ở trường có thể ứng dụng được vào quá trình công tác của mình.  Làm như vậy sẽ khích thích được ý thức cầu thị kiến thức, lòng say mê học hỏi nắm bắt cái mới ở người học -  dẫn đến tính tự giác trong học tập.   

Thứ hai: Cần đổi mới phương pháp giảng dạy. Phương pháp giảng dạy từ lâu nay chúng ta vẫn dùng, cho dù có phương tiện máy móc hỗ trợ thì thực chất trong giờ học, người học vẫn ở thế bị động trong nhận thức và tiếp nhận thông tin. Đặc biệt đối với việc phát huy được tính chủ động trong giờ học là một việc hết sức cần thiết. Bởi , như chúng tôi đã trình bày ở trên, hơn bất cứ đối tượng giảng dạy nào sinh viên là những người đã trưởng thành, đã qua kinh nghiệm cuộc sống rất sâu sắc vì thế, kết cấu nội dung bài giảng phải thật sinh động gắn kiến thức lý luận với  kiến thức thực tiễn, trên lớp học người giảng viên phải làm sao kích thích được tính chủ động của người học, biến giờ học trên lớp thành môi trường thuận lợi cho người học để họ có điều kiện tham gia ý kiến, trình bày tham luận, thuyết trình những vấn đề nhận thức mà mình được nghiên cứu cộng với vấn đề thực tiễn mình đang đối mặt, điều ấy sẽ gợi lên niềm say mê hứng thú đối với người học, làm cho người học tự nguyện, tự giác đến với lớp học. Để đạt được hiệu quả giảng dạy như vừa nói trên quả là một việc làm  không đơn giản. Nó không  chỉ dừng lại ở khâu đòi hỏi năng lực của người giảng viên mà cần phải có một sự hỗ trợ đồng tình ủng hộ của lãnh đạo, cần có sự thay đổi một cách đồng bộ và có hệ thống từ khâu tổ chức lớp học, khâu phân bố thời lượng cho từng môn học phải thật hợp lý; đến khâu cung cấp tài liệu nghiên cứu cho sinh viên. 
Trước hết, đòi hỏi mỗi giảng viên phải có lòng say mê tìm tòi, tận tâm trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy. Cảm nhận được vấn đề nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng dạy học là nghĩa vụ và trách nhiệm của giảng viên, đây là một yếu tố chủ quan giữ vai trò quyết định đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy Bởi vì, chỉ có thông qua nghiên cứu khoa học giảng viên mới có tri thức và nhận thức đúng đắn yêu cầu của công tác dạy học, những khó khăn và đòi hỏi của việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Mỗi giảng viên phải tự mình nghiên cứu và tích cực trong học tập nâng cao trình độ, nhất là trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mình có liên quan đến lĩnh vực giảng dạy nhằm nâng cao khả năng tư duy lý luận và tư duy thực tiễn của mình. Chỉ khi ý thức trách nhiệm và vai trò của giảng viên được đề cao sẽ giúp cho giảng viên ý thức sáng tạo, chủ động, tự tin trong giảng dạy. Ngoài ra, việc tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp và những đơn vị thực tiễn có liên quan là đòi hỏi cấp bách để thu thập kiến thức, tài liệu thực tế phục vụ dạy học. 
Với ý nghĩa đó chúng tôi đề xuất nhà trường phải tạo điều kiện cho giảng viên được tập huấn phương pháp giảng dạy mới  để giảng viên  có điều kiện tốt hơn nữa cho việc vận dụng một cách khoa học phương pháp giảng dạy mới vào trong quá trình giảng dạy.

          Thứ ba: Đổi mới cách đánh giá chất lượng đối với sinh viên cũng là một biện pháp để quản lý tốt sinh viên. Việc tổ chức bài kiểm tra điều kiện, thi hết môn, thi tốt nghiệp là căn cứ để đánh giá chất lượng giảng dạy và học tập. Theo chúng tôi đề thi cho đối tượng này cần thiết phải là loại đề có tính chất yêu cầu người học phải hiểu bài và đòi hỏi liên hệ thực tiễn thật cụ thể và sâu sắc; hoặc tổ chức cho sinh viên được viết tiểu luận môn học, làm luận văn tốt nghiệp cuối khóa. Điều ấy giúp sinh viên có điều kiện thể hiện được chiều sâu và chiều rộng của quá trình nhận thức và  làm như thế buộc sinh viên phải tự giác đến lớp nghe giảng không dám tùy tiện bỏ học. Đây chính là cơ sở giúp giảng viên đánh giá đúng năng lực, trình độ của sinh viên và nhà trường đánh giá đúng chất lượng của quá trình dạy và học.

Thứ tư: Đổi mới phương pháp giảng dạy không đòi hỏi chúng ta phải tìm ra một phương pháp nào hoàn toàn mới mẻ, đặc thù mà chính là việc chúng ta nghiên cứu các phương pháp sẵn có, trên nền tảng phương châm giáo dục lấy người học làm trung tâm để lựa chọn cách thức giảng dạy phù hợp nhất. Theo chúng tôi, cần làm tốt những vấn đề sau đây: 
         - Giảng viên các khoa, bộ môn cần phối hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau trong dạy học như diễn giảng, kết hợp với nêu vấn đề, sử dụng tình huống và các phương tiện khoa học kỹ thuật hỗ trợ. Không tuyệt đối hoá phương pháp nào để tránh giảng dạy đơn điệu một phương pháp, nhất là chỉ sử dụng phương pháp diễn dịch, giải thích hoặc lạm dụng phương tiện khoa học, kỹ thuật một cách thái quá dẫn đến sự nhàm chán. Việc sử dụng phương tiện khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin là cần thiết trong đổi mới phương pháp giảng dạy, tuy nhiên cần phải hiểu rằng không phải cứ sử dụng phương tiện khoa học, kỹ thuật và công nghệ thông tin trong dạy học là đổi mới phương pháp giảng dạy.  Cần khai thác triệt để các phương tiện khoa học kỹ thuật phục vụ giảng dạy như sử dụng máy tính để mô hình hóa giáo án, xây dựng biểu đồ, sơ đồ; minh họa bằng hình ảnh; làm video clip các tình huống nghiệp vụ, tình huống có vấn đề, cũng như sưu tầm, biên tập phim minh họa cho bài giảng... điều cơ bản là làm tăng khả năng tư duy, sáng tạo của sinh viên mới là mục tiêu của đổi mới phương pháp giảng dạy 
       - Tăng cường giảng dạy theo những tình huống có vấn đề, buộc sinh viên phải động não tìm ra phương án để giải quyết các tình huống đó. Quan tâm hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tự học và chú ý kiểm tra sự chuẩn bị của sinh viên. Giảng viên thực sự chỉ là người hướng dẫn để sinh viên tư duy, học tập 
     - Tăng cường hoạt động đối thoại, hỏi đáp giữa giảng viên và sinh viên trong giảng dạy nhằm khơi dậy tư duy nghiên cứu, tìm tòi và khả năng tự học của sinh viên. Hiện nay nhà trường đã tổ chức nối mạng nội bộ đến từng phòng học, phòng ở của sinh viên. Cho nên, mỗi giảng viên và các khoa, bộ môn cần khai thác triệt để mạng nội bộ để tăng cường trao đổi, đối thoại, giải đáp chuyên môn giữa thầy và trò. Cần xây dựng các hộp thư của Tổ bộ môn, của từng giảng viên để thầy trò trao đổi thông tin, giải đáp thắc mắc và đối thoại với sinh viên về chuyên môn. Hàng ngày, trực ban đơn vị và các tổ của khoa, bộ môn phải thường xuyên mở hộp thư để báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền nghiên cứu, giải đáp và đáp ứng yêu cầu của sinh viên. Bảo đảm mạng nội bộ thực sự là phương tiện, cầu nối giữa giảng viên và sinh viên. 
Những vấn đề chúng tôi vừa trình bày ở góc độ chuyên môn chúng tôi xem đây là những giải pháp tối ưu bảo đảm cho việc nâng cao hiệu quả quản lý sinh viên, đó cũng chính là cơ sở cho việc bảo đảm nâng cao chất lượng của quá trình dạy và học ở trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU)

 TS. Bùi Quang Xuân

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai