Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Hạnh phúc của “cho” và “nhận”

Có rất nhiều định nghĩa về “hạnh phúc” nhưng với những người làm công tác thiện nguyện thì hạnh phúc đơn giản là mang lại niềm vui cho người khác.

Hạnh phúc cho “chim cánh cụt”

Hãy mạnh dạn cho đi các bạn sẽ được nhận lại. Nếu bạn thực sự không muốn cho ai bất cứ cái gì thì cũng chẳng bao giờ bạn mong được nhận lại một cái gì thật ý nghĩa, đáng giá.

Trong những lần tâm sự cùng CB-GV và nhân viên DNTU, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn thường hay nhắc lại điều đó. Dĩ nhiên với cả hàm nghĩa rộng. Từ “cho” mà ông nhắc đến là tận hiến, là nỗ lực hết mình cho công việc, chớ vội suy bì hơn thiệt. Có như vậy mỗi người mới cảm nhận hết giá trị của chính bản thân đồng thời mới mang lại ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

Cho đi đang là một nét đẹp văn hóa của DNTU

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, Hồ Hữu Hạnh đã không được may mắn như bao đứa trẻ bình thường khác. Ba mẹ lặn lội từ vùng đất Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào Định Quán (Đồng Nai) lập nghiệp với nghề làm nương rẫy. Vậy mà lúc sinh ra Hạnh đã không có cả hai tay. “Nhà em cứ dấu, mãi hơn một tháng sau khi sinh mới cho em biết”. Người mẹ của Hạnh đã kể với chúng tôi những giây phút đau buồn khi chứng kiến sự thật về đứa con yêu của mình. Hạnh là con thứ hai trong bốn anh chị em. Nhà nghèo nên cũng chẳng có điều kiện chăm sóc tốt hơn nên bố mẹ cứ để cậu bé tự vật lộn với mình. Điều kỳ diệu là tự Hạnh đã làm được tất cả. Không chỉ tự chăm sóc được bản thân, Hạnh cũng đến trường như những đứa trẻ cùng trang lứa. Để góp phần giúp Hạnh thỏa nguyện mơ ước là trở thành một kỹ tin học, TS Phan Ngọc Sơn đã dành tặng em một món quà đặc biệt. Đó là một bộ máy vi tính với cấu hình và bàn phím lớn để Hạnh có thể thao tác dễ dàng bằng đôi chân của mình. Hạnh cho biết: em cũng có một chiếc máy tính nhưng nó nhỏ và hư mất rồi. Món quà này của Thầy đối với em thật sự có ý nghĩa. Nó không chỉ giúp em có phương tiện học tập tốt mà còn để em giao lưu chia sẻ với bên ngoài bởi em không có điều kiện đi lại dễ dàng, bình thường như các bạn khác. Em cảm thấy rất sung sướng và vô cùng biết ơn Thầy Phan Ngọc Sơn và các anh chị trong nhà trường. Còn người mẹ của Hạnh, không chỉ tự hào về đứa con mình mà chị cảm thấy Hạnh còn hạnh phúc và may mắn hơn bao đứa trẻ khác bởi được mọi người quan tâm, chia sẻ.

Để tặng Hạnh chiếc máy tính, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã đồng thời tổ chức cho Hạnh và bố mẹ một chuyến đi Biên Hòa và tham quan trường. TS.Phan Ngọc Sơn đã dành thời gian để đón Hạnh và bố mẹ em bằng cả trái tim yêu thương chân thành. Họ đi bên nhau với nụ cười hạnh phúc giữa cho đi và nhận lại.

TS.Phan Ngọc Sơn cùng em Hồ Hữu Hạnh tại sân trường DNTU

TS.Phan Ngọc Sơn cùng em Hồ Hữu Hạnh tại sân trường DNTU

Trong những giây phút trò chuyện, TS Phan Ngọc Sơn và các anh chị sinh viên DNTU đã mang đến cho Hạnh cảm giác thật thoải mái, về bao điều tốt đẹp của cuộc sống đang diễn ra xung quanh ta. Có thể Hạnh chưa biết nhưng hầu hết mọi người trong DNTU đều biết và khâm phục bởi bản thân TS. Phan Ngọc Sơn cũng là người nêu một tấm gương sáng về nghị lực. Chắc chắn rồi đây Hạnh sẽ biết: để có một DNTU bề thế và vững chãi như hôm nay, hoàn toàn bằng sức mạnh nội lực người đứng đầu của con thuyền ấy đã phải quyết tâm và dũng cảm đến thế nào. Qua Hạnh, qua hình ảnh Thầy Hiệu trưởng, chúng ta lại có thêm một bài học sâu sắc về tinh thần vượt khó, về sức mạnh nghị lực, vượt qua những mặc cảm và tự ti để đứng thẳng làm người kiêu hãnh. Trên chiếc máy tính mới, đôi bàn chân của Hạnh đã nhanh chóng thực hiện thao tác mở trang Web của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai và viết một từ thân thương: Mẹ.

Hạnh và chiếc máy tính mới tại phòng học tại Trung tâm tích hợp của DNTU

Hạnh và chiếc máy tính mới tại phòng học tại Trung tâm tích hợp của DNTU

Hạnh và chiếc máy tính mới tại phòng học tại Trung tâm tích hợp của DNTU

Và niềm vui cho những em thơ

18h30 tối cùng ngày, đoàn chúng tôi mới đến được Trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ em mồ côi tại Phường Tân Hiệp. Đây là nơi tập trung những em nhỏ đủ mọi lứa tuổi bị bỏ rơi do những hoàn cảnh đặc biệt. Mặc dù trời tối nhưng khi đi đoàn đến, tất cả các em đã ùa ra quấn quýt. Những em bé nhất – nhất là những bé gái – cứ giơ bàn tay nhỏ xíu đòi được ôm ấp, bế bồng. Và cũng rất tự nhiên, nhận thấy trong phút chốc trên tay mỗi sinh viên đã có một em nhỏ. Những em lớn hơn – rất trật tự - đã cùng nhau đi lấy ghế xếp thành một hình vòng cung giữa sân để chuẩn bị cho những tiết mục vui và phá cỗ Trung thu. Những chiếc lồng đèn xinh xắn, những ngọn nến lung linh được các anh chị sinh viên DNTU nhanh chóng thắp lên trước hàng cục cặp mắt long lanh. Tất cả chúng tôi – tất cả các em sinh viên DNTU cùng ngồi xuống bên các em, ôm các em trong vòng tay như những người trong một gia đình ruột thịt và ấm áp.

Sinh viên DNTU và các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi phường Tân Hiệp

Sinh viên DNTU và các em nhỏ tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi phường Tân Hiệp

Chúng ta may mắn hơn các em là có một gia đình nhỏ. Có thể chưa thật đầy đủ, sung túc nhưng những vui buồn, sướng khổ mà chúng ta cùng nhau chia sớt trong cái tổ bé nhỏ cũng là một thứ hạnh phúc của đời thường. Một thứ hạnh phúc rất đỗi bình dị nhưng các em nhỏ ở nơi đây không thể nào có được. Các em ngơ ngác khi không thể gọi ai đang bế ẵm mình là ba, là mẹ, hay ông, bà cô, bác...Nhìn những chiếc giường đơn được kê ngay hàng thẳng lối trong một căn phòng rộng thênh thang khiến ta nao lòng, trào nước mắt. Từ chiếc nôi nhỏ xinh, đu đưa lúc mới lọt lòng đến chiếc giường cá nhân trong căn phòng này suốt cả tuổi thơ của mình các em không có vòng tay và hơi ấm của ba mẹ. Không có những bước đi lẫm chẫm bên những người ruột thịt trên những con đường, dãy phố hay cánh diều bay trên cánh đồng tuổi thơ. Cuộc sống và thế giới của các em là ở đây, dẫu các cô chú, anh chị có yêu thương đến bao nhiêu cũng chẳng thể nào bù đắp nỗi. Món quà hôm nay cùng những lời ca tiếng hát mà các Thầy/Cô và các anh chị sinh viên trường Đại học Công nghệ Đồng Nai mang đến cho các em sẽ làm dịu đi phần nào nỗi buồn trong lòng những đứa trẻ thơ. Qua ánh mắt của các em, ta càng hiểu thế nào là giá trị của cuộc sống, là ý nghĩa của cuộc đời, là hạnh phúc của “cho”“nhận”.

DNTU đang làm đẹp cho cuộc đời bằng nét văn hóa ấy.

Mời tất cả Thầy/Cô và các bạn xem lại những nội dung bài viết này bằng hình ảnh trên kênh truyền hình VTV6 phát sóng vào lúc 18h30 và 22h30 ngày 15/9. Phát lại ngày hôm sau (16/9) vào lúc 13h30

Ngô Thị Tuyết Lan - Phòng Truyền Thông

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai