Giới thiệu về ngành công nghệ Môi trường
1. GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH HỌC CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG
Ngày nay, môi trường không còn là vấn đề của một địa phương hay một quốc gia nào nữa mà đã trở thành mối quan tâm chung của toàn nhân loại. Việc phát triển kinh tế xã hội, đô thị hóa và phát triển công nghiệp mạnh mẽ ở nước ta, cùng với nhận thức chưa đầy đủ thiếu trách nhiệm của con người khiến môi trường đang ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Điều này dẫn đến nguy cơ mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên thiên, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và mục tiêu phát triển bền vững của đấ nước.Nghiên cứu, giữ gìn, bảo vệ môi trường đã trở thành mục tiêu của các nhà khoa học, các kỹ sư làm việc trong ngành môi trường... Các nhà môi trường luôn là những người đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường, góp hết sức mình và giúp mọi người cùng tháo gỡ những thách thức môi trường hiện nay.
Ngành môi trường luôn là sự lựa chọn của rất nhiều thí sinh trong các mùa tuyển sinh gần đây. Thí sinh thi vào ngành này có thể yên tâm với vấn đề việc làm khi ra trường, bởi theo Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT), trong vòng 5 năm tới (giai đoạn 2011-2015), ngành TN-MT cần tới 45.000 nhân lực. Theo đó, số nhân lực này sẽ phục vụ cho 7 lĩnh vực: môi trường, đất đai, quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, địa chất khoáng sản, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo.Theo định hướng phân nguồn đào tạo nhân lực của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015 sẽ nâng quy mô tuyển sinh mới hàng năm của cả mạng lưới lên 600.000 sinh viên. Lĩnh vực môi trường gồm các chuyên ngành: quản lý môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường.
Sứ mệnh của Khoa Môi trường là đào tạo bậc Đại học (bằng Kỹ sư), bậc Cao Đẳng (bằng cử nhân) bên cạnh đó khoa còn đào tạo hệ vừa học vừa làm, hệ liên thông chính quy các chuyên ngành công nghệ kỹ thuật môi trường và quản lý môi trường. Mục tiêu đào tạo là trang bị kiến thức cơ bản, cơ sở về khoa học môi trường, đặc biệt là kiến thức chuyên ngành về quản lý môi trường và kỹ thuật môi trường, đủ cho người học sau khi ra trường có thể làm tốt các công việc nghiên cứu, quản lý, vận hành... trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường, đánh giá tác động môi trường,...Định hướng phát triển, khoa môi trường trường DNTU sẽ là nơi đào tạo kỹ sư môi trường đạt trình độ chuyên môn cao, của tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực miền Nam nói chung.
Chương trình đào tạo Công nghệ kỹ thuật môi trường được thiết kế nhằm chuẩn bị cho sinh viên kiến thức đầy đủ về phương pháp luận và thực hành về môi trường, cụ thể là đạt được sự hiểu biết tốt nhất cũng như những giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề môi trường.
2. CÔNG VIỆC CHÍNH CỦA KỸ SƯ MÔI TRƯỜNG
- Nghiên cứu các công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ chất lượng, môi trường sống của con người.
- Thiết kế các quy trình, máy móc xử lí ô nhiễm.
- Khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, quyết định biện pháp, quy trình xử lí ô nhiễm tại khu vực bị ô nhiễm.
- Trực tiếp tham gia vào các công đoạn của quá trình xử lí ô nhiễm, đảm bảo quy trình vận hành tốt nhất, hiệu quả nhất.
- Tham gia nghiên cứu các chỉ tiêu môi trường (chỉ tiêu về nước thải, khí thải v.v…). Những tiêu chuẩn này chính là cơ sở để các nhà môi trường đánh giá xem một nhà máy, xí nghiệp... có gây ô nhiễm môi trường hay không.
- Theo dõi, giám sát các đối tượng thuộc phạm vi quản lý môi trường của mình về mức độ gây hại cho môi trường, để từ đó có những biện pháp xử lý và xử phạt kịp thời.
3. CHUẨN ĐẦU RA
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo kỹ sư công nghệ kỹ thuật môi trường người học có khả năng:
Về kiến thức chuyên môn:
Nắm vững kiến thức cơ bản về khoa học tự nhiên, xã hội, khoa học công nghệ kỹ thuật môi trường vàứng dụng vào sản xuất và phục vụ đời sống một cách sang tạo
Về kỹ năng, thái độ và đạo đức nghề nghiệp:
- Vận dụng các kiến thức đã học để phân tích và đánh giá hiện trạng môi trường cho các vùng, lãnh thổ, nhà máy..
- Đo đạc, phân tích các thông số môi trường, đề xuất các biện pháp kỹ thuật để xử lý và bảo vệ môi trường
- Có khả năng áp dụng các nguyên lý, công cụ phân tích kinh tế để đánh giá các dự án công nghệ, các biện pháp xử lý và quản lý môi trường.
- Có tính thần lao động say mê, sáng tạo, lòng yêu nghề, ý thức vì cộng đồng và bảo vệ môi trường.
- Có kỷ luật, nghiêm túc trong công việc. Có tác phong khoa học, ham học hỏi công nghệ mới phục vụ tốt công việc.
Về cơ hội làm việc:
Các cơ quan quản lý, nghiên cứu về môi trường
Trước tiên, bạn có thể làm việc trong các cơ quan quản lý về môi trường của Nhà nước. Hiện nước ta có một hệ thống các cơ quan về môi trường từ trung ương đến địa phương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, các sở tài nguyên môi trường tại các tỉnh, thành phố...
Các cơ quan hành chính các cấp trong cả nước cũng đang hoàn thiện những phòng, ban về tài nguyên và môi trường.
Nếu bạn mong muốn trở thành nhà khoa học, nghiên cứu về môi trường, bạn có thể làm việc tại các trung tâm, các viện nghiên cứu về môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các trường đại học, cao đẳng v.v...
Các nhà máy, xí nghiệp, công ty
Trước hết, bạn sẽ trở thành nhà nghiên cứu hoặc kỹ sư môi trường trong các công ty về môi trường. Tại đây, bạn nghiên cứu những công nghệ, thiết bị, máy móc v.v... giúp xử lý các vấn đề môi trường hoặc tư vấn, thiết kế, thi công, lắp đặt những công trình có liên quan đến môi trường v.v...
Ngoài ra, với kiến thức chuyên môn về môi trường, bạn có thể tới làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp khác, tham gia trực tiếp vào việc chuyển giao công nghệ, vận hành và giám sát các quy trình công nghệ cũng như xử lý các vấn đề môi trường phát sinh...
Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng các kiến thức về lĩnh vực môi trường để tham gia vào đội ngũ các công ty tư vấn, xây dựng và thẩm định về các vấn đề môi trường và quản lý môi trường như : hệ thống quản lý môi trường ISO 14000, hệ thống quản lý tích hợp HSE, các dự án ĐTM, CDM, sản xuất sạch hơn…
Các tổ chức trong nước và quốc tế về môi trường
Gìn giữ Hành tinh xanh là nhiệm vụ chung của cả nhân loại. Nó đòi hỏi sự hợp tác trên toàn thế giới. Bởi vậy, hiện nay, trên thế giới có nhiều tổ chức môi trường như các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ v.v... hoạt động rất mạnh. Ngoài ra, không ít tổ chức phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa khác cũng tổ chức các dự án, hoạt động về môi trường.
Các tổ chức như vậy là những nơi làm việc khá lý tưởng của nhà môi trường. Tại đây, bạn sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Bạn cũng sẽ được tham gia vào những chương trình, dự án về môi trường trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế, được đi tới nhiều nơi, mở rộng tầm hiểu biết và cả kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình.
4. HỆ THỐNG PHÒNG THÍ NGHIỆM
Hiện nay nhà trường đã xây dựng một trung tâm thực hành công nghệ với đầy đủ các phòng ốc và trang thiết bị tạo điều kiện cho các em sinh viên học tập được tốt nhất. Hệ thống phòng thực hành ngành thực phẩm được chia theo các chuyên ngành với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.
Hình ảnh hệ thống phòng thí nghiệm
5. CƠ SỞ VẬT CHẤT NHÀ TRƯỜNG
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai được xây dựng trên khu đất với tổng diện tích 82.834 m2. Địa chỉ: đường Bùi Trọng Nghĩa, khu phố 5, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Cơ sở hiện tại đang sử dụng của Trường trên địa bàn phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với diện tích đất: 34.517,8 m2.
Đang sử dụng 81 phòng học lý thuyết với diện tích 7.630m2: 40 phòng thực hành và thí nghiệm có đủ trang thiết bị cho học sinh, sinh viên thực hành, thực tập thí nghiệm các loại ngành nghề như: Điện, Điện tử, Sửa chữa Ôtô, Gò, Hàn, Nguội, Hóa thực phẩm...
Tổng cộng nhà trường có: 560 máy tính trong đó: 420 máy tính phục vụ đào tạo, 60 máy phục vụ trung tâm thông tin-thư viện điện tử và 80 máy tính phục vụ công tác quản lý nhà trường.
Xưởng thực hành cho các chuyên ngành như: Điện, Điện tử, Sửa chữa Ôtô, Gò, Hàn, Nguội với diện tích 1.920 m2 bằng kết cấu thép chịu tải trọng và chịu nhiệt, đảm bảo tính an toàn trong lao động.
Thư viện có tổng diện tích: 3.335m2, trong đó diện tích phòng đọc: 2.260m2; Số chỗ ngồi: 1.200; Số lượng máy tính phục vụ tra cứu: 132; Phần mềm Libol quản lý thư viện. Thư viện điện tử 400m2 có hơn 5.292 đầu sách. Thư viện điện tử được kết nối vời hệ thống internet trong website của trường có gần 80.000 tài liệu được kết nối với thư viện trong và ngoài nước, Thư viện truyền thống có 15.492 đầu sách gồm 83.571 sách tham khảo bao gồm sách tiếng Việt và tiếng Anh các ngành đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo từ trung cấp, cao đẳng, đại học đến cao học, nghiên cứu sinh.
Khu văn phòng làm việc và các phòng chức năng với diện tích 2.880 m2 đủ đảm bảo làm việc cho các phòng khoa, phòng học, phòng cho giảng viên nghiên cứu, phòng họp được trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc.
Trung tâm thể dục thể thao ngoài trời với diện tích 7.546 m2 phục vụ cho 06 môn thi đấu theo tiêu chuẩn.
Ký túc xá có diện tích 4.318m2 với sức chứa 800 sinh viên, là khu ở khép kín hiện đại.
Các công trình phụ, nhà để xe cho cán bộ giảng viên công nhân viên và học sinh - sinh viên, nhà bảo vệ, nhà kỹ thuật, các trạm điện, nước, kho bãi, căn tin....với diện tích 1.115,2 m2
Toàn trường đã được nối mạng và xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý cũng như điều hành trường theo hệ thống mạng nội bộ cũng như hệ điều hành quản lý trên Internet với đường truyền bằng cáp quang tốc độ cao nhằm đảm bảo việc truy cập, truyền các dữ liệu đi hoặc về nhanh chóng tiện lợi cho việc giảng dạy và học tập (toàn khuôn viên trường hiện nay có hệ thống truy cập WIFI miễn phí được mở 24/24)
6. THAM QUAN, THỰC TẬP
Khoa thường xuyên tổ chức các đợt tham quan cũng như thực tập để sinh viên có cơ hội trực tiếp đến các xưởng, nhà máy, công ty…để củng cố kiến thức lý thuyết học ở trường, đồng thời trau dồi kinh nghiệm cho bản thân để phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
7. ĐỒ ÁN, KHÓA LUẬN
Hằng năm khoa tổ chức các buổi báo cáo đồ án và khóa luận để chuẩn bị cho sinh viên ra trường.