Giới thiệu ngành Công nghệ thực phẩm tại trường Đại học Công nghệ Đồng Nai
Ngành công nghệ thực phẩm đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ đại học có kiến thức và kỹ năng về bảo quản chế biến thực phẩm; có thái độ lao động nghiêm túc và có đạo đức nghề nghiệp, có sức khỏe; có khả năng hợp tác và quản lý nguồn lực; khả năng thích ứng với công việc đa dạng ở các cơ quan khoa học, quản lý sản xuất, doanh nghiệp hoặc tự tạo lập công việc sản xuất và dịch vụ bảo quản chế biến thực phẩm. hiện nay ngành công nghệ thực phẩm của trường đào tạo rất đa dạng từ trung cấp, cao đẳng, đại học, cao đẳng liên thông và đại học liên thông, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội. Hàng trăm sinh viên ra trường đã tìm được việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Đội ngũ giảng viên
Với đội ngũ giảng viên đầy tâm huyết với nghề, có kinh nghiệm giảng dạy và không ngừng học hỏi nâng cao trình độ.
Đội ngũ giảng viên ngành Công nghệ Thực phẩm
Các môn học:
Hóa học thực phẩm: Bao gồm các kiến thức: Nước, hoạt độ của nước, vai trò của nước đối với cấu trúc, chất lượng thực phẩm; Thành phần hóa học cơ bản: protein, glucid, lipid, vitamin, khoáng, hợp chất phenol thực vật, hợp chất tạo màu, tạo vị và cấu trúc cho sản phẩm thực phẩm; Các phản ứng hóa học xảy ra trong thực phẩm: thủy phân, phân hủy, tổng hợp, oxy hóa khử, trùng hợp, ... liên quan đến chất lượng thực phẩm trong quá trình chế biến và bảo quản.
Hóa sinh học thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Enzym và vai trò trong trao đổi chất, đồng hóa và dị hóa. Những biến đổi của các hợp chất chính có trong thực phẩm (protein, glucid, lipid, axit nucleic…) trong quá trình cơ thể sống và trong bảo quản chế biến thực phẩm ứng dụng của các quá trình biến đổi này để sản xuất sản phẩm thực phẩm theo hướng có lợi.
Vi sinh vật học thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Phân loại và đánh giá các hệ vi sinh vật thường gặp trong nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm; ứng dụng các hệ vi sinh vật có lợi và hạn chế các vi sinh vật có hại trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm.
Dinh dưỡng: Bao gồm các kiến thức về: Cơ sở hóa sinh học dinh dưỡng và nhu cầu các chất dinh dưỡng; các hệ thống đánh giá giá trị dinh dưỡng của thức ăn, nhu cầu dinh dưỡng cộng đồng.
An toàn thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Các loại độc tố thường gặp trong quá trình thu nhận, sơ chế, bảo quản, chế biến thực phẩm; các biện pháp hạn chế và xử lý độc tố trong thực phẩm; xử lý các tình trạng ngộ độc thực phẩm.
Vật lý thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Các tính chất về cơ học, lưu biến, quang học, nhiệt, điện, điện từ, thủy khí, động lực học của vật liệu thực phẩm; các phương pháp đo các tính chất này.
Phân tích thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Phương pháp lấy mẫu và xử lý mẫu; các phương pháp phân tích về công cụ: định tính, định lượng cơ bản về thành phần hóa học, tính chất hóa lý của các loại thực phẩm.
Đánh giá cảm quan thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Cơ sở tâm lý và tâm sinh lý của các phép thử cảm quan và thị hiếu người tiêu dùng; xử lý số liệu thống kê; phương pháp điều tra và đánh giá thị hiếu và cảm quan.
Kỹ thuật thực phẩm 1: Bao gồm các kiến thức về :Các quá trình và thiết bị trong thực phẩm có có liên quan mật thiết đến quá trình vật lý; khái quát về các nguyên lý cơ bản của kỹ thuật cũng như hệ đơn vị, thứ nguyên sử dụng trong các quá trình kỹ thuật thực phẩm; cân bằng vật chất và năng luợng trong tính toán các quá trình chế biến thực phẩm; cơ học lưu chất: các quá trình cơ học và cơ học lưu chất xảy ra và sự biến đổi tính chất của lưu chất; các máy móc, thiết bị, phương tiện thực hiện các quá trình cơ học lưu chất: lắng, lọc, ly tâm, các hệ thống bơm, quạt, .....; cơ học vật liệu rời: tính chất vật lý, quá trình và thiết bị vận chuyển, nghiền nhỏ, phân cỡ vật liệu rời; truyền nhiệt: các nguyên lý và phương thức truyền nhiệt trong quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm, các thiết bị truyền nhiệt cơ bản.
Kỹ thuật thực phẩm 2: Bao gồm các kiến thức về: Các quá trình và thiết bị trong thực phẩm có liên quan mật thiết đến các quá trình hóa lý – hóa học; các quá trình truyền chất, biến đổi pha, tách chiết, thủy phân, phân hủy, tổng hợp, oxy hóa khử.
Kỹ thuật thực phẩm 3: Bao gồm các kiến thức về: Các quá trình và thiết bị sinh học; kỹ thuật lên men: Truyền thống, hiện đại; sinh tổng hợp enzyme; kỹ thuật sử dụng các chế phẩm enzyme.
Quản lý chất lượng: Bao gồm các kiến thức về: Khái niệm chung về chất lượng, đánh giá, kiểm tra, định lượng và quản lý chất lượng thực phẩm; các hoạt động quản lý chất lượng thực phẩm; hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và quốc tế; các phương pháp đảm bảo chất lượng thực phẩm.
Quản trị sản xuất: Bao gồm các kiến thức về: Những khái niệm cơ bản về quản lý doanh nghiệp thực phẩm: quản trị doanh nghiệp thực phẩm bao gồm: tổ chức, nhân sự, lập kế hoạch sản xuất, tồn trữ, tiếp thị, lưu thông phân phối và thu hồi các sản phẩm công nghiệp thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế.
Quản lý môi trường: Bao gồm các kiến thức về: Nguyên lý đảm bảo môi trường sạch và an tàn trong và ngoài xí nghiệp thực phẩm; sản xuất sạch và sạch hơn.
Phát triển sản phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Chiến lược kinh doanh liên quan đến việc phát triển sản phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm mới.
Công nghệ sau thu hoạch: Bao gồm các kiến thức về: Các dạng hư hỏng của nguyên liệu thực phẩm trong quá trình xử lý và bảo quản sau thu hoạch; các phương pháp xử lý và bảo quản nguyên liệu tươi; Các công nghệ chế biến sau thu hoạch.
Công nghệ chế biến thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Các công nghệ thường gặp trong bảo quản và chế biến thực phẩm: công nghệ tồn trữ và đóng hộp thực phẩm, công nghệ sấy và làm khô, công nghệ làm lạnh và lạnh đông, công nghệ xử lý bằng hóa học (màu, mùi,…), các công nghệ cao: nanô, chân không, chiếu xạ, thăng hoa, …
Công nghệ sinh học thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Khái niệm về công nghệ sinh học áp dụng trong thực phẩm; kiến thức cơ sở về công nghệ sinh học; áp dụng công nghệ sinh học vào thực phẩm; công nghệ sản xuất rượu bia và các loại đồ uống lên men; công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học, công nghệ tế bào, công nghệ gen.
Thí nghiệm Hóa học & hóa sinh thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Phương pháp xác định các thành phần trong thực phẩm: glucid, lipid, protein, chất khoáng, hoạt tính enzyme, các chuyển hóa sinh hóa quan trọng trong chế biến và bảo quản nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm.
Thí nghiệm vi sinh & an toàn thực phẩm: Bao gồm các kiến thức về: Xác định các chủng vi sinh vật thường gặp trong thực phẩm; nuôi cấy và sưu tập các chủng vi sinh vật (ngân hàng giống VSV); phát hiện các độc tố do vi sinh vật gây ra.
Thí nghiệm đánh giá chất lượng: Bao gồm các kiến thức về: Lấy và xử lý mẫu; xây dựng các chỉ tiêu và phương pháp đánh giá; tổ chức phân tích và đánh giá; phân tích các kết quả đánh giá và các kết luật; thiết lập tiêu chuẩn sản phẩm (tiêu chuẩn nội bộ)
Thực tập công nghệ chế biến: Thực hành chế biến một số sản phẩm thực phẩm: đồ hộp, đồ uống, thực phẩm ăn liền, ...
Đồ án công nghệ chế biến: Hướng dẫn cho sinh viên tập thiết kế một số công đoạn trong một quy trình công nghệ chế biến thực phẩm, cụ thể như: thiết kế công nghệ, máy và thiết bị, nhà xưởng, điện, hơi, nước, ...
Thực tập kỹ thuật thực phẩm: Thực tập về nguyên lý, cấp tạo, cách vận hành, bảo trì thiết bị và hệ thống thiết bị chế biến thực phẩm đối với các quá trình cơ bản về vật lý, hóa lý, hóa học và sinh học.
Thực tập sản xuất và tốt nghiệp: Giúp sinh viên làm quen với điều kiện làm việc của các nhà máy, công ty, xưởng sản xuất thực phẩm, tìm hiểu các thiết bị trong các phân xưởng, tập làm quen với vị trí người kỹ sư tương lai.
Ngoài ra, trong chương trình đào tạo còn có môn học “đồ án chuyên ngành”. Môn học này yêu cầu sinh viên tổng hợp các kiến thức đã học để thực hiện một khảo sát, một quy trình hoặc xử lý một công đoạn trong chế biến thực phẩm. Giúp sinh viên hình thành khả năng tự nghiên cứu độc lập trong chuyên ngành. Lên bản vẽ và dự toán thiết kế, lắp đặt các thiết bị sử dụng trong công nghiệp thực phẩm. Thực hiện các đề tài nghiên cứu trong công nghệ thực phẩm và những ngành có liên quan.
Nhằm cũng cố kiến thức giữa lý thuyết và thực tiễn giúp sinh viên làm quen với mô hình sản xuất tại nhà máy, tính kỷ luật trong lao động, tác phong làm việc của cán bộ, công nhân . . . , đồng thời giúp cho sinh viên hiểu rõ hơn chuyên ngành đã được học. Hằng năm khoa trường tổ chức cho sinh viên đi tham quan thực tế sản xuất ngay năm đầu của khóa học, thực tập kỹ thuật vào năm 2, thực tập tốt nghiệp vào năm học cuối. Thời gian thực tập từ 02 đến 04 tháng tại các trung tâm, viện, công ty, xí nghiệp, phân xưởng để làm báo cáo tốt nghiệp ra trường.
Cơ sở vật chất - trang thiết bị
Hiện nay nhà trường đã xây dựng một trung tâm thực hành công nghệ với đầy đủ các phòng ốc và trang thiết bị tạo điều kiện cho các em sinh viên học tập được tốt nhất. Hệ thống phòng thực hành ngành thực phẩm được chia theo các chuyên ngành với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.
Hình ảnh hệ thống phòng thí nghiệm
Các hoạt động của ngành:
Hiện nay lấy nhu cầu của công ty làm trọng tâm, ngành thực phẩm chủ trương đào tạo sinh viên theo yêu cầu của công ty, tạo điều kiện để sinh viên được kiến tập, thực tập và tổ chức các buổi hội thảo với sự tham gia của các công ty như Yakult, VeDan, Ajonomoto, Phạm Asset, Donafood, Công ty cổ phần bia Sài Gòn – Đồng Nai, Công ty sữa GANNON, Công ty bia Sài Gòn, Công ty bột ngọt VEDAN, Công ty bột ngọt AJINOMOTO, Công ty Vina cà phê Biên Hòa, Công ty đường và bánh kẹo Biên Hòa, Công ty men thực phẩm Mauri La Ngà, Công ty cổ phần thực phẩm đóng hộp Kiên Giang, Công ty đường La Ngà, Công ty Thực Phẩm Chay Tinh Khiết ÂU LẠC, Công ty thực phẩm và nước giải khát Dona Newtower, Công ty xuất nhập khẩu nông sản Cà Mau, Công ty TNHH ngôi nhà Thực phẩm, Công ty TNHH thực phẩm và nước giải khát Dutch Lady Việt Nam, Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, Công ty cổ phần thực phẩm nông sản xuất khẩu Sài Gòn, Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An, Công ty Sơn Đồng Nai, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Bao bì Sài Gòn, Công ty Mỹ Phẩm Lan Hảo, Công ty DACCO, Công ty Bột giặt Net, Công ty Thuốc bảo vệ Thực vật, Xí nghiệp sản xuất Ván ép La Ngà, Công ty Bột giặt Lix, Trung tâm Quan Trắc Môi Trường Đồng Nai, Nhà máy Nước Biên Hoà, Nhà máy Hóa chất Biên Hòa, Nhà máy Hóa chất Tân Bình, Công ty Phạm ASSET, Công ty dinh dưỡng miền nam, Công ty công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai, Công ty cổ phần XNK thủy sản Đông Dương. Công ty TNHH MK Sugar VN, Công ty CP chăn nuôi CP VN, Công ty Bánh kẹo Tân Tân, Công ty Nestle, Nhà máy Đường An Khế-GiaLai, Nhà máy TP Đồng Nai D&F.. để sinh viên được cọ xát với thực tế, được tham quan và được thực tập ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường từ đó các em không còn bỡ ngỡ, khó khăn khi ra trường.
Tham quan công ty Yakult