Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Giờ hoàng đạo của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Giờ hoàng đạo của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Giờ hoàng đạo là giờ tốt theo phong tục. Vào giờ hoàng đạo, người ta có thể làm được nhiều việc trọng đại như: khai trương, khai trường, nhập học; giao dịch, ký kết hợp đồng xây cất nhà nửa; cưới hỏi, tậu trâu v.v. Theo dân gian, mỗi ngày chỉ có 6 giờ hoàng đạo. Giờ hoàng đạo của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) là 9 giờ ngày 9 tháng 10 năm 2011. Vào giờ này, tôi vô cùng xúc động tràn đầy hạnh phúc được nói: “Thưa quý vị, giờ đây, giờ Hoàng đạo của Đất Trời, của Tổ tiên và của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã điểm; và đã đến lúc, tôi nhân danh Hiệu trưởng cuối cùng của trường Cao đẳng Công nghệ Đồng Nai và nhân danh Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai tuyên bố: KHAI TRƯỜNG VÀ KHAI GIẢNG NĂM HỌC ĐẦU TIÊN của TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ ĐỒNG NAI”

Khi tôi nói đến đây, tất cả đại biểu, khách mời, giảng viên và sinh viên có mặt trên sân trường tất thẩy đều đứng lên vỗ tay hoan nghênh. Tràng pháo tay kéo dài. Tôi ngất ngây và đứng lặng giây lát, nghe trong gió có ai bảo tôi: “Đàn ơi, Ngươi đã làm xong những việc cần phải làm ở miền Đông Nam Bộ này rồi”. Tôi tỉnh lại và “trân trọng kính thỉnh PGS.TS Lê Văn Học - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Giáo dục Thanh thiếu niên của Quốc hội lên đánh trống khai giảng năm học 2011-2012 của trường.”

10 giờ đêm trước ngày khai trường, nhà tôi nhắc: “Sao anh chưa chuẩn bị diễn văn khai trường và khai giảng?” 11h15’ cô Phan Kim Hồng – Phó Hiệu trưởng, đến nhà tôi và hỏi “Các em nó chuẩn bị diễn văn cho Thầy chưa? “Sao lại các em?” Tôi hỏi lại. Tôi đưa bản thảo cho cô Hồng và nói “ Cô yên tâm đi. Mai khi tôi kết thúc và tuyên bố khai trường mọi người không những sẽ nhiệt liệt hoan nghênh mà còn đứng dậy vỗ tay biểu thị sự hân hoan”. Cô Hồng nhìn tôi ái ngại và nghi ngờ. Lúc cô Hồng đi rồi, nhà tôi lại hỏi “ Sao anh lại nói mai anh đọc diễn văn xong mọi người sẽ đứng dậy. Nếu họ không đứng dậy thì sao?”. Tôi không ngần ngại: “Tất cả sẽ đứng dậy” và tôi tin như vậy.

Đêm hôm đó, tôi cũng khắc khoải. Thỉnh thoảng chợp mắt lại thấy hình bóng của mẹ tôi. Mẹ tôi cười và mẹ tôi hát quan họ Bắc Ninh. Bà “Bèo dạt mây trôi”. Sáng ra, tôi dậy sớm, uống trà. Nhớ đến mẹ và bài hát của bà. Tôi phân vân tự hỏi mấy năm trước không hiểu cơn gió nào đưa tôi vào Đồng Nai. Tôi định tâm và nhớ lại. Tôi nhớ trước đây  TS Phan Ngọc Sơn, Chủ tịch HĐQT  mời tôi vào; tôi nhớ mẹ tôi thúc tôi đi; tôi nhớ vợ tôi sẵn sàng “Chàng đi thiếp cũng theo cùng” và tôi nhớ cô Thanh Hoa, Phó Chủ tịch HĐQT Kế toán trưởng của Trường hân hoan chào đón tôi vào. Trong 3 năm liên tục, 4 người chúng tôi: Sơn-Hoa-Đàn-Thu cùng nhiều người khác đã đồng tâm hiệp lực,nếm đủ các thứ thăng trầm, cay đắng của việc theo đuổi, mưu cầu xây dựng một trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Vào giờ khai trường, công việc mười phần đã vẹn cả. Mẹ tôi thương tôi “bèo dạt mây trôi” và nhắc tôi sớm về lại Bắc Ninh.  Sáng sớm tôi ra cổng trường. Không khí ngày hội đã tràn đầy. Mọi thứ đều như thay mầu đổi sắc: quốc kỳ, trường kỳ tươi rói, phần phật lung linh trong nắng sớm. Những cây bàng In-đô trong sân trường dường nhu tươi hơn, xanh hơn rung rinh trong gió sớm. Tôi mỉm cười thanh thản chờ giờ Hoàng Đạo của trường.

Không hiểu tại sao lúc đó tôi lại nhớ như in những gì trong bản thảo diễn văn khai trường. Tôi có thể đọc thuộc lòng, vì vậy khi lên khán đài tôi đã không đọc mà nói. Tôi nghẹn ngào, khi nhớ và nhắc đến những “Khai quốc công thần” của trường:

“Nhân dịp này tôi xin gửi lời tri ân chân thành nhất tới quý vị, những người có mặt ở đây và những người vì nhiều lý do, không có mặt ở đây, nhưng đã đi với chúng tôi suốt chặng đường dài gập ghềnh gian khó từ buổi bình minh của ý tưởng xây dựng trường Đại học Công nghệ Đồng Nai.”

Tôi cũng gửi thông điệp chân thực nhất đến những ai có mặt trong lễ khai trường và quan trọng hơn, tôi muốn gửi đến những thế hệ mai sau của Trường khi tôi nói:

 “Chúng tôi NGUYỆN đoàn kết nhất trí theo nghĩa bảo ban, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau để xây dựng trường Đại học Công nghệ Đồng Nai thành một trường Đại học ĐỘC ĐÁO với phương châm: LÀM ĐÚNG và LÀM KHÁC mà nói cụ thể theo cách của TS. Phan Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường là: DẠY THẬT - HỌC THẬT và LÀM THẬT, làm một cách năng động sáng tạo, đảm bảo phát triển bền vững của trường”. Vì chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng: “Quyết định thành lập trường Đại học Công nghệ Đồng Nai của Thủ tướng chính phủ đối với chúng tôi vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm nặng nề, là thử thách, là cơ hội trong sự nghiệp trồng người của đất nước là trách nhiệm thiêng liêng đối với Đảng, với nhân dân nói chung, và đối với phụ huynh và các thế hệ sinh viên của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai nói riêng, từ năm học đầu tiên năm học 2011-2012.”

Từ giờ Hoàng Đạo năm ấy, trường DNTU đã và đang phát triển theo những gì chúng tôi mong muốn và khi nào nghĩ đến miền Đông Nam Bộ, lòng chúng tôi lại trào lên nỗi nhớ những người đã đồng hành với chúng tôi đi mở đường để mở trường, duy trì và phát triển Trường cho hôm nay và tôi tin  cho cả mãi mãi  mai sau.

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai