Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Đổi mới mạnh mẽ, nắm bắt kịp thời yêu cầu của xã hội và thời đại trong chiến lược đào tạo

Kiến thức tương tác trong một thế giới phẳng không có giới hạn, nhân lực lao động được phép di chuyển không biên giới... đã đặt ra những thách thức vô cùng to lớn cho ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Đại học nói riêng. Nắm bắt được những cơ hội và thách thức từ các vấn đề đó, trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã có nhiều hoạt động tích cực trong đó đổi mới mạnh mẽ cách Dạy và Học là vấn đề then chốt.

Thay đổi tư duy

Vấn đề doanh nghiệp không tìm được nhân lực chất lượng cao như mong muốn hay phải đào tạo lại mới sử dụng được không phải là chuyện mới nhưng sẽ trở nên vô cùng nghiêm trọng trong giai đoạn hiện nay khi nguồn lực lao động nước ngoài sẽ trực tiếp cạnh tranh với lao động trong nước. Mọi việc xuất phát từ đào tạo. Dạy cái gì và Dạy như thế nào? Trong khi tất cả các trường Đại học đều nỗ lực để đào tạo ra những kỹ sư, cử nhân giỏi nhưng chỉ vài ba năm sau là đã lạc hậu bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. có khi những cái trong trường đang dạy lại đã lạc hậu với bên ngoài. Vậy phải làm thế nào? Rõ ràng muốn không để lạc hậu thì phải luôn luôn tìm kiếm, cập nhật những kiến thức mới, phải có khả năng tự tiếp thu kiến thức. Nói cách khác là khả năng tự học. Nhưng đây là vấn đề không đơn giản khi bao nhiêu năm qua nền giáo dục của chúng ta vốn không trang bị cho các em những kỹ năng này. Chính vì vậy, thay đổi tư duy trong dạy và học trở nên vô cùng quan trọng. Sau một thời gian dài chuẩn bị và một tuần dự giờ một số giảng viên, trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã tổ chức tọa đàm đánh giá quá trình đổi mới phương pháp và hoạt động giảng dạy tại DNTU. Trong buổi tọa đàm, những nỗ lực đổi mới thay đổi phương pháp giảng dạy của các đơn vị, giảng viên đã được biểu dương và hoan nghênh nhiệt liệt. Không khí toàn hội trường đã trở nên sôi động sau chia sẻ của hai giảng viên đầu tiên: Cô Huỳnh Thị Yến Nhi và Thầy Trịnh Hoàng Dũng.

Cô Huỳnh Thị Yến Nhi - Giảng viên khoa Ngoại ngữ trao đổi kinh nghiệm về hình thức tổ chức dạy học tại buổi tọa đàm

Cô Huỳnh Thị Yến Nhi - Giảng viên khoa Ngoại ngữ trao đổi kinh nghiệm về hình thức tổ chức dạy học tại buổi tọa đàm

Thầy Trịnh Quang Dũng – khoa Khoa học cơ bản trình bày về hình thức đổi mới trong cách kiểm tra, thi cử

Thầy Trịnh Quang Dũng – khoa Khoa học cơ bản trình bày về hình thức đổi mới trong cách kiểm tra, thi cử

Chia sẻ trong buổi tọa đàm sau khi giảng dạy và thực hiện kiểm tra, đánh giá mới, Thầy/Cô cho biết: sinh viên đã trở nên chủ động, tích cực và hào hứng hơn hẳn. Các em đã làm được những việc mà trước đây mình không thể ngờ. Rõ ràng là trước đây mình đã không hiểu hết hay đã đánh giá chưa đúng về các em. Theo Thầy/ Cô thì để giờ dạy (hay kiểm tra đánh giá thành công) cần phải có yếu tố cạnh tranh trong công việc; biết khen ngợi khi hoàn thành; thân thiện trong suốt quá trình giao tiếp; công bằng trong đánh giá; tôn trọng và tin tưởng vào học sinh, biết lắng nghe, chia sẻ và nhiệt tình trong giảng dạy. Người thầy vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng phải chuyển từ vai trò truyền thụ sang tương tác trao đổi. Học trò từ bị động tiếp nhận trở thành chủ động tìm kiếm. Đó là mục đích mà DNTU hướng tới để tạo thành thói quen cho tất cả giảng viên, sinh viên. Đây là một quá trình vô cùng khó khăn bởi nếp nghĩ và cách nghĩ cũ không phải ngày một ngày hai mà đã thay đổi được “nhưng chúng ta kiên quyết phải thay đổi, thay đổi từ tư duy, tương tác lẫn nhau nhiều hơn, tích cực hòa nhập hơn, không ngồi một chỗ mà thao thao bất tuyệt”. TS Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng nhà trường đã nhấn mạnh như vậy.

TS Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu trong buổi tọa đàm về đổi mới phương pháp và hoạt động dạy học tại phòng họp 3 chiều ngày 06/10/2016

TS Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng nhà trường phát biểu trong buổi tọa đàm về đổi mới phương pháp và hoạt động dạy học tại phòng họp 3 chiều ngày 06/11/2016

Giáo viên vẫn phải là người đóng vai trò tích cực, chủ động trước

Điều dễ nhận thấy là sự tương tác giữa Thầy và Trò càng được đẩy mạnh thì học sinh càng dễ trở nên tích cực, chủ động. Nghĩa là vai trò của người Thầy làm thay đổi cách học và cách suy nghĩ của học sinh. Muốn học sinh gần mình, muốn học sinh chủ động thì Thầy phải chủ động trước qua sự thân thiện, qua quá trình gợi mở kiến thức và biết dẫn dắt một cách khéo léo. Nói như ThS Lưu Hồng Quân - Trưởng khoa Điện - Điện tử - Cơ khí và Xây dựng là “không có một hình mẫu chung, mỗi khoa, mỗi môn có một cách làm. Bản thân mỗi giáo viên phải nghĩ về một kịch bản của giờ dạy. Muốn các em tự học tốt thì phải dạy các em cách tìm tài liệu, lấy kiến thức, dạy cách làm rồi mới giao đề bài. Tránh tình trạng chưa hướng dẫn đã yêu cầu các em tổ chức semina thì các em sao làm được”

ThS Lưu Hồng Quân trao đổi trong buổi tọa đàm

ThS Lưu Hồng Quân trao đổi trong buổi tọa đàm

Cùng chung suy nghĩ như vậy, TS Trần Thanh Đại – Trưởng khoa Thực phẩm- Môi trường và Điều dưỡng bày tỏ: “tài liệu chúng ta đang giảng dạy vẫn như cũ, chương trình cũng như cũ, vậy làm sao để sinh viên ra trường đi làm phù hợp, đáp ứng được với xu thế hiện đại? Vì thế, trong đề cương giảng dạy phải có phần bài tập, yêu cầu phải có tài liệu để giải quyết và cũng không thể cụ thể hóa chung cho tất cả các môn mà mỗi giảng viên phải tích cực tìm hiểu, tự xây dựng và tự đổi mới, trang bị kiến thức mới đồng thời hướng dẫn các em tiếp cận, xử lý”

Tin tưởng vào giảng viên DNTU

Có mặt trong các buổi dự giờ và đặc biệt là sau khi nghe các CB-GV trình bày trong buổi tọa đàm, TS Phan Ngọc Sơn khẳng định: “chúng ta đang tiến rất nhanh. Ta đang chứng minh cho mọi người thấy DNTU đang làm rất tốt, không hề non trẻ. Có những việc trường khác phải mất hàng chục năm chúng ta chỉ làm trong vài năm. Không có gì cản trở được chúng ta. Tôi hoàn toàn yên tâm với đội ngũ giảng viên”. Trong không khí thân mật và tràn đầy lạc quan về đề án đổi mới đang được mọi thành viên ủng hộ tích cực, TS Phan Ngọc Sơn đồng thời cũng nhắc nhở: “phải có quyết tâm ta mới làm được. Đừng sợ học sinh thất nghiệp nếu mình đưa người ta đến đúng đích. Tài năng và trí tuệ đang thay thế sức mạnh của tiền, vốn. Đừng đổ lỗi cho cơ chế mà mỗi người chúng ta phải biết tự thích ứng và thay đổi. Làm sao để sinh viên hỏi nhiều, thầy cô trả lời được nhiều là thành công. Cần có lộ trình và sự hỗ trợ lẫn nhau. Chúng ta đang có một khoảng cách rất xa với thế giới cho nên tôi sẽ đi ra ngoài tìm thêm nhiều người giỏi để DNTU chúng ta tiếp tục phát triển.”

Với tư cách Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo, TS Trần Đức Thuận đã nhiệt liệt biểu dương các đơn vị và cá nhân các giảng viên đã đi đầu trong vấn đề đổi mới. Thầy nhận xét: Thầy cô của chúng ta đã đổi mới rất nhiều. Chúng ta đã có những thay đổi đáng kể, chẳng hạn như trong việc dự giờ và đánh giá giảng dạy. Không còn cứng nhắc và gò bó như trước đây mà hoàn toàn để Thầy/Cô thể hiện trên cơ sở khả năng và lợi thế của mỗi người. Nghĩa là nhà trường dành cho Thầy/ Cô mảnh đất màu mỡ để sáng tạo. Trên cơ sở đó, đồng thời TS Trần Đức Thuận cũng nêu rõ: “giảng viên chuyên ngành cần phải có trình độ chuyên môn thật tốt. Giảng dạy tích hợp là phải có cả lý thuyết và thực hành. Tích cực là tiền đề để tích hợp. Nhà trường và Bộ Giáo dục cho phép nhiều hình thức đánh giá. Nếu có điều gì chưa rõ, cần trao đổi BGH sẵn sàng chia sẻ để tháo gỡ. Làm sao để cả Thầy và Trò mỗi ngày phải một tích cực chủ động hơn”.

TS Trần Đức Thuận – P Hiệu trưởng nhà trường trao đổi ý kiến

TS Trần Đức Thuận – P Hiệu trưởng nhà trường trao đổi ý kiến

Tăng cường Ngoại ngữ và Kỹ năng mềm, đáp ứng chuẩn đào tạo theo quy định mới

Trước yêu cầu đòi hỏi của các doanh nghiệp là cần những con người không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là kỹ năng và thái độ làm việc, đặc biệt là phải thông thạo ngoại ngữ, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã tăng cường thời lượng cho bộ môn tiếng Anh. Theo ThS Lê Tấn Cường thì “khoa ngoại ngữ  với 12 trưởng phân môn đã làm việc hết sức tích cực để hoàn thiện các đề cương chi tiết, khai thác hình thức giảng dạy trực tuyến, tìm môi trường cho sinh viên thực tập và tìm việc làm để kết hợp thực hành là những giải pháp tích cực góp phần làm tăng hiệu quả giảng dạy”. Bên cạnh đó, Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học cũng hoạt động rất tích cực giúp các em hoàn thiện kiến thức, có đủ cơ sở pháp lý, khoa học tự tin bước vào môi trường tuyển dụng. Và cũng trong năm học này, ngay từ năm đầu tiên, sinh viên đã được dạy những kỹ năng cần thiết về giao tiếp, ứng xử cùng nhiều kỹ năng khác để các em tự tin, manh dạn, có kiến thức cơ bản rộng để có thể thích nghi với mọi môi trường làm việc. Những việc mà trước đây các em đến năm cuối mới được tiếp xúc thì bây giờ ngay từ năm nhất các em đã được trang bị đầy đủ. Nhà trường cũng mạnh dạn cắt bỏ những nội dung ít có giá trị trong việc tạo nên giá trị lao động để tăng cường thời lượng thực hành theo hướng hình thành năng lực làm việc. Chú trọng giáo dục học sinh nhận thức thực về khả năng và trình độ thực tế của mình hơn là giá trị của mảnh bằng. Nhà trường đã chuẩn bị sẵn sàng cho chiến lược đào tạo gắn với khung trình độ quốc gia và lượng thời gian rút ngắn (rút ngắn 1 năm) trong bậc đào tạo Đại học- cao đẳng mà Bộ Giáo dục và đào tạo vừa ban hành. Có thể nói: tầm nhìn cùng sự năng động, sáng tạo đã mang đến cho DNTU sự mạnh mẽ, tự tin. Và đó cũng là tiền đề của mọi sự phát triển

Ngô Thị Tuyết Lan - Phòng Truyền thông

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai