Điểm sáng khởi đầu của đề án đổi mới
Phải bắt đầu từ việc thay đổi phương pháp học tập – giảng dạy.
Đó là thông điệp đã được khẳng định mạnh mẽ bằng sự khởi đầu từ việc mời TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu – bộ môn Tâm lý giảng dạy tại trường Đại học Sư phạm TP HCM – về trường trình bày chủ đề “Dạy học truyền cảm hứng”. Buổi học đã thực sự mang lại cho toàn thể Cán bộ - Giảng viên sự hưng phấn mạnh mẽ cùng những chiêm nghiệm sâu sắc về nghề dạy học.
Đông đảo Cán bộ - Giảng viên tham gia lớp học
Mở đầu buổi học, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã khéo léo nêu lên một vấn đề mà người giảng viên nào cũng gặp phải. Đó là: khi dạy học, điều gì ở sinh viên khiến thầy cô chán nhất. Hầu như 100% giảng viên đều nhất trí chỉ ra rằng: sự thụ động, thiếu hợp tác, lười biếng… của sinh viên. Nhưng đâu là nguyên nhân của vấn đề? trung tâm biên hòa có một nguyên nhân mà trong thẳm sâu ai cũng nhìn thấy nhưng ít người dám thừa nhận: khả năng và tâm huyết của chính mình; là phương pháp truyền thụ kiến thức một chiều mà xưa nay người thầy vẫn giữ vị trí độc tôn, chủ đạo, tự coi mình như một vị giáo chủ mà người học là những tín đồ. Bằng những so sánh ẩn dụ khéo léo, TS Hiếu đã chỉ ra con đường để thoát khỏi sự nhàm chán trong dạy học. Đó là người thầy phải mạnh dạn từ bỏ vai trò của người TRUYỀN THỤ mà thay vào đó là vai trò của người TỔ CHỨC. Từ bỏ ngôi vị thống soái độc tôn trong thánh đường kiến thức để cùng nhường chỗ cho tất cả sinh viên được biểu lộ kiến thức và quan điểm. Mạnh dạn từ bỏ quan niệm thầy luôn hơn trò để cho phần tri thức của thầy được thăng hoa trong đó có cái trò giỏi hơn thầy. Ba yếu tố để thầy chủ đạo, trò chủ động (kiến thức – kỹ năng – thái độ) đã được TS phân tích một cách khoa học, dẫn chứng chính xác khiến tất cả cử tọa đều “tâm phục khẩu phục” và thầm cám ơn Ban Giám hiệu nhà trường cùng vai trò của người tổ chức. Bởi những vấn đề mà diễn giả trình bày không phải là mới nhưng rất thu hút nên để lại bài học sâu sắc về vai trò của người truyền cảm hứng.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đang trình bày bài giảng
Nếu không muốn mình là cục than đá.
Đều là carbon nhưng tại sao lại là kim cương và có khi chỉ là than đá? Vì được hình thành trong môi trường nhiệt và áp lực khác nhau. “Chẳng ai thích bị đè nặng nhưng kim cương được hình thành dưới sự áp lực. Nếu nhẹ nhàng, lỏng lẻo ta chỉ có than đá mà thôi”. Từ hình ảnh nhìn thấy được mỗi giảng viên đều thấy thật thấm thía về sự cần thiết phải vận động, phải rèn luyện mình như thế nào nếu không muốn mình… là cục than đá. Áp lực giúp ta trở thành kim cương. Đó không chỉ là lời dạy cho trò mà là bài học cho thầy. Biết là rất nặng nề nhưng trong chúng ta hẳn chẳng ai muốn mình… là than đá.
Cán bộ Giảng viên trao đổi thảo luận nhóm trong buổi học
Cùng thực nghiệm mô hình học tập tích cực chủ động
Đồng bộ nhiều yếu tố mới thành công.
Bài giảng của TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã ngay lập tức truyền lửa đến tất cả mỗi người. Trong cùng một lúc ai cũng thấy mình cần thiết phải đổi mới, phải tích cực chủ động. Tuy nhiên – như một người lính ra trận - họ cần có vũ khí và đồng đội. Chúng tôi chia sẻ với TS Hiếu về việc tại sao một mô hình trường học mới như VNEN (mô hình trường học yêu cầu phát huy cao độ khả năng tự chủ sáng tạo của học sinh – NV) sau một thời gian khá dài triển khai thí điểm trên tất cả 63 tỉnh, thành của cả nước nhưng đến thời điểm kết thúc (31/05/2016) để triển khai đại trà thì nhiều địa phương, tỉnh thành đã quyết định… dừng vì tính khả thi thấp. Phải chăng lỗi ở chương trình? Không phải. Nhiều cán bộ quản lý giáo dục cứ nhất nhất lúc nào cũng học sinh tự học, giáo viên chỉ là người tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ. Điều này không sai nhưng thực tế thì lại khác. Nói như TS Hiếu là ngoài yếu tố giảng viên chủ đạo, sinh viên tích cực còn là chủ trương chiến lược và quyết định của nhà quản lý cộng với điều kiện cơ sở vật chất phải đầy đủ, phù hợp. Nếu nhà quản lý không hiểu rõ bản chất của việc dạy học tích cực để đề ra những yêu cầu hợp lý hay cơ sở vật chất còn nghèo nàn, tài liệu giảng dạy còn nhiều nhược điểm thì thầy và trò có cố gắng mấy cũng… chào thua.
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đang đồng bộ nhiều yếu tố để phát triển
Thể hiện ý thức học tập nghiêm túc qua việc thực hành làm bài kiểm tra
Phòng Truyền Thông