Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) và Đại học Duy Tân Đà Nẵng (DTU) hợp tác để cùng phát triển
Được xem như người anh cả trong khối Đại học ngoài công lập (thành lập ngày 11/11/1994) Đại học Duy Tân Đà Nẵng hiện là một trong những trường uy tín thuộc TOP đầu cả nước trong hệ thống giáo dục bậc Đại học. Thành công nhiều mặt của Đại học Duy Tân (đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu Khoa học) đã khiến Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng DNTU- cùng một số cán bộ chủ chốt lặn lội ra miền Trung để tìm hiểu, học tập. Sau chuyến thăm và làm việc tại Đại học Duy Tân, ngày 26/5/2016 vừa qua Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn đã có buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị để thông báo kết quả chuyến đi và khả năng hợp tác với Đại học Duy Tân trong tương lai.
Một số hình ảnh trường Đại học Duy Tân
Thông báo ngắn gọn về kết quả chuyến đi, Tiến sỹ Phan Ngọc Sơn nêu rõ:
“Chúng ta không ngại học hỏi, không dấu yếu, dấu dốt. Chúng ta có những thế mạnh của mình nhưng những điểm họ mạnh hơn, tốt hơn thì chúng ta phải nhanh chóng học tập. Phải lấy quan điểm tất cả cùng mạnh, cùng phát triển “Win- Win” làm mục tiêu chứ không phải là kẻ mạnh người chết. Vì mục tiêu đó nên chúng ta mạnh dạn đề xuất hợp tác với Đại học Duy Tân trên một số lĩnh vực. Điểm mạnh của mỗi trường phải được phát huy tối đa nhằm mang lại lợi ích cho cả hai bên mà quan trọng nhất là tăng chất lượng đào tạo để đáp ứng tốt nhất nhu cầu nhân lực và phát triển xã hội. DNTU có sức trẻ, khát vọng phát triển và lợi thế về vị trí địa lý, nhu cầu về nhân lực lao động... DTU có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu Khoa học và yếu tố con người miền Trung chăm chỉ, hiếu học... Kết hợp với nhau chúng ta sẽ tạo ra lợi thế lớn”.
Trong cuộc họp Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn đã dành nhiều thời gian để nói về trường Đại học Duy Tân, đặc biệt nhấn mạnh yếu tố con người. Mảnh đất Miền Trung khô cằn, nắng gió đã khiến con người thêm can đảm, nghị lực và luôn mang khát vọng thay đổi lớn lao. Ngay tên trường (Duy Tân) cũng đã nói lên khá đầy đủ mục tiêu và khát vọng của con người nơi đây và những người sáng lập ra nó. “Tôi khâm phục và rất quý thầy Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội động Quản trị - Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân, một người không xuất thân từ giáo dục nhưng hết sức tâm huyết với giáo dục, có chiến lược lâu dài, bài bản trong đầu tư xây dựng cũng như đào tạo, nghiên cứu khoa học. Hiện thầy đã ngoài 70 nhưng vẫn rất năng động, xông xáo. Tôi cũng có ấn tượng với Thầy Lê Nguyên Bảo – Phó hiệu trưởng nhà trường. Rất trẻ, vui vẻ- giản dị nhưng bản lĩnh và hiểu biết sâu rộng nhiều vấn đề. Đó là những yếu tố chúng ta cần học hỏi”
Thầy Lê Công Cơ - Nhà giáo ưu tú - Anh hùng Lao động – Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân
Nhấn mạnh vào yếu tố con người của Đại học Duy Tân, Tiến sĩ Phan Ngọc Sơn muốn nhắc nhở tất cả CB-GV và SV của DNTU. Bất cứ môi trường nào, ở đâu, con người luôn là yếu tố hàng đầu. muốn thành công chúng ta phải có những con người nhiệt huyết luôn mang khát vọng và mơ ước. DTU có khát vọng xây dựng một trường Đại học mơ ước trên nền tảng nhân văn, hiện đại mà nòng cốt là đại học điện tử - Anh ngữ hóa chương trình giảng dạy, chuyên nghiệp hóa đội ngũ giảng viên. Đó là những định hướng lớn của Đại học Duy Tân mà chúng ta cùng chia sẻ đồng thời lựa chọn là hướng đi của mình. Điều này chúng ta đã thực hiện một phần và đang cụ thể hóa vào trong đề án đổi mới của trường sẽ thực hiện từ tháng 7/2016 nhưng sắp tới cần phải mạnh mẽ hơn nữa – quyết liệt hơn nữa. TS.Phan Ngọc Sơn cũng nhấn mạnh đến thành công của Đại học Duy Tân trong công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), thành công của sinh viên Duy Tân trong các cuộc thi Quốc gia và Quốc tế. TS. Phan Ngọc Sơn nêu dẫn chứng của Đại học DuyTân: xếp hạng 1 về năng suất NCKH và đứng thứ 6 trong TOP 15 trường Đại học của Việt Nam về công bố ISI giai đoạn 2011-2015 để thúc đẩy công tác NCKH của DNTU. Học tập lý thuyết “Tổ ong” của Đại học Duy Tân trong NCKH, chúng ta (DNTU) sẽ xem lại chủ trương đầu tư nguồn lực và thời gian trong NCKH của mình. Rõ cùng không thể áp dụng hình thức cào bằng về NCKH đối với tất cả CB-GV. Việc đầu tư cho những công trình nghiên cứu lớn chúng ta chưa đủ sức, chưa đủ điều kiện nhưng với nhiệt huyết, sức trẻ, đam mê sáng tạo lại ở giữa vùng công nghiệp trọng điểm, có sự kết nối bền vững với hàng trăm doanh nghiệp, chúng ta có rất nhiều điều kiện và lợi thế để đẩy mạnh khoa học ứng dụng. Không chỉ trong lĩnh vực công nghệ mà còn ở nhiều lĩnh vực khác bởi Đồng Nai ngoài việc là vùng công nghiệp trọng điểm đồng thời cũng là tỉnh có thế mạnh trong cả nước về chăn nuôi, công nghiệp, vận tải, dịch vụ... Nói tóm lại là nhiều thế mạnh để chúng ta phát huy sáng kiến, sáng tạo. Lợi thế của người đi sau là không phải mày mò tìm đường đồng thời tránh được sai lầm của người đi trước mắc phải. Với thế mạnh về công nghệ, năng động và nền tảng là sự kết nối bài bản, bền vững với các doanh nghiệp, DNTU đang từng bước chứng tỏ lợi thế lớn của mình. Liên tục nhiều năm vừa qua, SV DNTU được thị trường lao động đón nhận bởi không chỉ kiến thức lý thuyết mà còn là kỹ năng lao động, sáng tạo. Dẫn chứng về thành tích của sinh viên Đại học Duy Tân: giải nhất CDIO cúp vàng luân lưu CDIO 2013 tại Đại học Harvard và Học viện kỹ thuật Masachusetts (MIT) Hoa Kỳ và gần đây nhất là vô địc Quốc gia cuộc thi Go Green in the City 2016 – Giải pháp xanh cho thành phố- trong lĩnh vực kỹ thuật và quản trịkinh doanh. Có thể nói để đứng đầu trong 7 đội tuyển mạnh nhất của tất cả các trường Đại học trong nước nhất là những trường Đại học công lập lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học quốc gia TP.HCM, Đại học Y Dược TP.HCM...là điều không dễ dàng chút nào. Thành công của SVĐH Duy Tân đồng thời cũng chỉ ra khả năng và chất lượng đào tạo của các trường Đại học ngoài công lập. Để chúng ta tin vào năng lực và triển vọng sáng tạo của mình. Bằng chứng là kết quả Hội thi Khoa học sáng tạo năm 2015. Dù lần đầu tiên tham gia nhưng sinh viên Khoa Điện – Điện tử cơ khí và Xây dựng của DNTU đã đạt giải khuyến khích – được xếp vào TOP 6 đội mạnh của các trường Đại học trên cả nước. Chỉ mới là bước đi ban đầu nên chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng vào khả năng học tập và đào tạo nhất là khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên.
Nói về triển vọng hợp tác giữa DNTU và DTU, Tiến sỹ Phan Ngọc Sơn cho biết: có tiềm năng rất lớn. Hai trường sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau trên rất nhiều phương diện như đào tạo, nghiên cứu Khoa học, trao đổi nhân lực, chia sẽ nhu cầu về tuyển dụng lao động.... DNTU đang giữ trọng trách là đào tạo nguồn nhân lực cho sân bay quốc tế Long thành trong đó có một số lĩnh vực, ngành nghề mà kết hợp được thế mạnh của hai trường chúng ta sẽ có lợi thế rất lớn. Đây cũng là cánh cửa mở ra cơ hội việc làm tốt cho sinh viên cả hai trường trong tương lai.
Để thúc đẩy khả năng hợp tác giữa hai bên theo phương châm tất cả cùng tiến, người viết xin dẫn ra đây một số tâm sự của Thầy Lê Công Cơ – Chủ tịch HĐQT- của trường ĐH Duy Tân. “Duy Tân đang có một mơ ước lớn là xây dựng ĐH Duy Tân thành Đại học của mơ ước. Có mơ ước, có đam mê chúng ta mới quyết tâm cống hiến, bứt phá để có thể thực hiện hoài bão lớn lao trong sự nghiệp trồng người” và “ Tất cả chúng ta đều có một mẫu số chung là tình yêu con người. Biết yêu thương chia sẻ với nhau những khó khăn sẽ làm cho tâm chúng ta thanh tịnh hơn” (Website– Đại học Duy Tân)
Có điểm nào tương đồng với suy nghĩ của thầy Phan Ngọc Sơn đã bày tỏ với CB-GV-NV DNTU? “ Cần phải có khát vọng lớn mới ra được biển lớn, nếu không chúng ta sẽ chỉ mãi quanh quẩn ở cái ao làng. Tôi mong muốn mọi người trong DNTU cùng chia sẻ khát vọng với tôi, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Có thể có thất bại nhưng đó là con đường để phát triển”
Có thể ví sự hợp tác sắp tới giữa DNTU và DTU là sự kết hợp hài hòa giữa kinh nghiệm, trí tuệ và bản lĩnh của người già với sức trẻ năng động và xông xáo của tuổi trẻ để tạo nên những giá trị mới cho cả hai trường trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Chúng ta hy vọng và tin tưởng vào điều đó.
Ban Nội san Khoa học