Vào đại học bằng 5 ngón tay
Khuôn mặt thanh tú, giọng nói trầm ấm nhưng khi mới chào đời, Lê Trường Giang (Triệu Sơn, Thanh Hóa) đã không may mắn có một cơ thể bình thường như những đứa trẻ khác. Mẹ cậu khóc ngất khi thấy con trai mình với hai bàn tay chỉ có 5 ngón, đôi chân teo tóp. Nhưng 19 tuổi, cậu ấy tạo nên cổ tích giữa đời thường khi thi đỗ vào trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) với 21.5 điểm.Chỉ còn cái đầu là bình thường
Dù không được như những người bình thường nhưng Giang không hề tự ti về mình
Chàng trai 19 tuổi, khuôn mặt khá non và đôi mắt buồn. Mặc dù đang ở tuổi phát triển nhưng bạn ấy cao chưa đầy một mét. Thậm chí, Giang còn thấp hơn cậu em út 10 tuổi một cái đầu. Chiếc quần bò ống rộng không thể che giấu được đôi chân bị tật, Giang bước đi một cách khó nhọc, người nghiêng hẳn sang một bên.
Rót nước mời khách xong, Giang khó nhọc rướn người ngồi lên chiếc ghế nhỏ, bạn cười hiền lành: “Đi được là còn may đấy ạ, khi mới ra đời, chân phải của mình quay 180 độ, tưởng không đi lại được cơ”.
Chân tay Giang đều bị dị tật do mẹ cậu mắc cúm nặng trong thời gian mang thai. Hai lần Giang được đưa đến bệnh viện lớn ở Hà Nội để chữa trị, nhưng các bác sĩ đều không can thiệp được. Vậy mà với nghị lực phi thường, chàng trai nhỏ như chiếc kẹo ấy đã vào được trường đại học danh tiếng - Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Cơ thể dị tật, chỉ còn cái đầu là vẫn phát triển bình thường. Đến tuổi đi học, Giang háo hức được đến trường với bạn bè cùng trang lứa. Thương con, bố mẹ Giang vẫn để cậu đến trường.
Tay trai hai ngón, tay phải ba ngón, cả hai bàn tay Giang gộp lại chỉ có năm ngón, bằng với một bàn tay của người bình thường khác. Nhưng với đôi tay vượt khó, Giang đã tự làm mọi việc, từ cầm phấn, cầm bút đến gõ bàn phím máy tính. Cũng chính đôi tay ấy đã giúp Trường Giang ghi danh vào đại học.
Lúc đầu tập viết bố phải cầm tay cho Giang, cầm viên phấn, chiếc bút trên tay, Giang không thể nào giữ thẳng được, nét chữ xiên xẹo, méo mó. Được người thân, thầy cô kể về thầy Nguyễn Ngọc Ký tập viết bằng chân, Giang lại vững tâm cố gắng, hàng ngày tỉ mẩn với từng con chữ.
Tập viết vất vả như “đánh vật” với cây bút trên tay, nhiều khi chuột rút tê cứng, nhưng Giang không bỏ cuộc. Sau những ngày miệt mài, Giang không những viết chữ đẹp mà còn tự sinh hoạt, rót nước uống, dọn nhà giúp bố mẹ...
Liên tục trong 12 năm học, nhận thấy Trường Giang đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi, được chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi của trường.
Năm 2009, khi đang học lớp 11, Trường Giang đã vinh dự được ra Hà Nội tham dự chương trình “Gặp mặt 50 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt toàn quốc lần thứ II” do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức. Số tiền trợ cấp 300 nghìn đồng/tháng sau chuyến đi này đã giúp đỡ Giang phần nào trong học tập, giúp chàng trai nuôi ước mơ vào đại học.
Thầy Nguyễn Văn Lâm – phó hiệu trưởng trường THPT Triệu Sơn 1, nơi Giang từng học tập chia sẻ: “Trường Giang học rất khá và thực sự là tấm gương sáng về học tập cũng như nghị lực vượt khó cho những học sinh khác noi theo”.
5 ngón tay vào đại học
Giang đã chứng minh cho mọi người thấy khả năng và nghị lực của mình
Nỗi lo lớn nhất của gia đình là sau khi tốt nghiệp cấp 3, Giang sẽ học gì, làm gì để có thể tự lo cho mình có một cuộc sống độc lập?
Phát hiện ra cậu con trai thường ra quán Internet gần nhà mò mẫm tự học tin học. Gia đình đã dành dụm mua cho Giang một bộ máy vi tính cũ để cậu thỏa mãn niềm đam mê tin học.
Khó nhất là tập gõ bàn phím, gõ bàn phím máy tính còn khó hơn cầm bút viết chữ. Ngón tay Giang to gấp đôi ngón tay người bình thường mà phím chữ lại nhỏ, gõ phím này lại bị trật sang phím khác. Chỉ gõ được một chút là tay mỏi rã rời, tê nhức. Thật kiên trì, nhiều đêm cả nhà đi ngủ, cậu vẫn lạch cạch tập gõ với từng phím chữ. Người bình thường nỗ lực một thì bạn ấy phải nỗ lực gấp mười bởi chỉ có năm ngón tay. Giờ đây, Trường Giang gõ bàn phím rất thành thạo, linh hoạt.
Sớm bộc lộ năng khiếu về công nghệ thông tin, Giang tự mình cài đặt các chương trình cho máy tính để sử dụng. Đồng thời, được anh trai đang là sinh viên năm cuối của Đại học Giao thông vận tải hướng dẫn về mạng máy tính, phần mềm tin học, bạn dành trọn niềm đam mê cho chiếc máy tính. Hơi rụt rè khi nói chuyện với người lạ nhưng khi nói về tin học thì Trường Giang hào hứng hẳn lên.
Ước mơ trở thành một lập trình viên máy tính, cuối năm lớp 12, Giang quyết định nộp hồ sơ thi vào Đại học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển với số điểm 21.5, Giang mừng rơi nước mắt vì công sức cố gắng bao lâu nay cuối cùng cũng được đền đáp xứng đáng. Chàng trai tật nguyền đã tạo nên được kỳ tích khiến bà con phố huyện nghèo hết lời khâm phục.
12 năm Giang đi học bằng đôi chân của người thân và bạn bè. Ngày nhỏ được mẹ cõng đến đến trường, lên cấp 3, Giang được người bạn thân tên Hưng đưa đón. Cả hai đã cùng học, cùng chơi và cùng đỗ vào hai trường đại học lớn tại Hà Nội. "Hưng đang học Đại học Xây dựng, còn mình học Công nghệ thông tin. Mình sẽ cố gắng để không phụ công cha mẹ, phụ tình cảm của bạn bè", Giang tâm sự.
Bước vào đại học với vô vàn khó khăn, không có bố mẹ ở bên, sinh hoạt lại không được thuận tiện như những người bình thường khác nhưng chàng trai cao chưa đầy một mét không bao giờ tự ti về mình. Trước đây, bạn bè trêu chọc, cậu tủi thân nhưng chưa bao giờ khóc. Giang tự nhủ, không bằng các bạn nên mình phải cố gắng nhiều hơn. Biết hoàn cảnh khó khăn của cậu, bạn bè trong ký túc xá, trong lớp luôn giúp đỡ hết mình.
Chú Lê Huy Hồng – bố của Giang tâm sự về lần đầu tiên ra thăm con khi Giang mới nhập học được một tháng. Hôm đó, Giang dẫn bố ra ngoài quán ăn, không để ý tới những ánh mắt tò mò của các vị khách đang nhìn mình. Giang tự đến quầy gọi cơm cho hai bố con, rồi tự thanh toán tiền, không để bố phải đứng lên. “Giây phút đó, tôi rất tự hào lẫn khâm phục con trai mình bởi không vì dị tật mà cháu sống thu mình với những người xung quanh” - chú Hồng xúc động nhớ lại.
Chàng sinh viên năm thứ hai Lê Trường Giang vẫn đang nỗ lực học tập để trở thành một chuyên gia Công nghệ thông tin giỏi, tự lập để bố mẹ không còn phải lo lắng, để giúp đỡ gia đình bớt khó khăn. Chàng trai cao chưa đầy 1m đã khiến cho nhiều người phải ngước nhìn khâm phục, trở thành một tấm gương bình dị mà cao quý giữa đời thường.