Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Vai trò của Thư viện trong việc tự học của sinh viên

Đam mê đọc sách không phải ai cũng có. Tuy nhiên nếu bạn là sinh viên thì nhất định bạn phải biết thư viện, biết kỹ năng để sử dụng thư viện và kỹ năng đọc sách hiệu quả vì “thư viện là giảng đường đại học thứ hai” cho bạn, sách chính là người Thầy thứ hai của bạn.

Thư viện DNTU không đầu tư phát triển theo hướng tạo ra các phòng thư giãn, ngủ nghỉ sang chảnh để thu hút sinh viên vào nghỉ và tụ tập trao đổi, không có những phòng tập gym cao cấp cho sinh viên vào để rèn luyện sức khỏe. Những phòng chức năng như vậy rất tốt và rất cần cho sinh viên nhưng nếu đặt trong thư viện nó sẽ phá vỡ đi không gian học thuật nơi đây. Thư viện DNTU phát triển theo hướng đầu tư trang thiết bị hiện đại, phòng đọc rộng rãi, thân thiện dành cho bạn đọc, đầu tư nâng cấp về số lượng và chất lượng nguồn tài nguyên thông tin đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo và nghiên cứu khoa học của Nhà trường.

Sinh viên cần gì để được sử dụng thư viện: thẻ sinh viên tích hợp thẻ bạn đọc

Các dịch vụ thư viện hiện cung cấp cho sinh viên?
1. Đọc tài liệu tại chỗ
2. Mượn tài liệu về nhà
3. Đọc báo - tạp chí
4. Tài liệu điện tử
5. Tìm kiếm và cung cấp thông tin theo yêu cầu
6. Phòng học nhóm - hội thảo
7. Phô tô, in ấn tài liệu
8. Siêu thị sinh viên

Đọc thế nào giúp sinh viên tự học, tự nghiên cứu tài liệu?

Thư viện cung cấp nguồn thông tin phong phú cho bạn nhưng việc đọc thế nào để thu nhận một cách nhanh chóng những thông tin quan trọng, cần thiết phụ thuộc vào phương pháp đọc của bạn. đọc sách là phương pháp phổ biến nhất của việc tự học. Để đọc sách và ghi nhớ được các thông tin trong tài liệu bạn đọc cần phải: Xác định mục đích đọc sách; Tra cứu tìm hiểu địa chỉ, vị trí cuốn sách; Xem mục lục, xem lời giới thiệu, lời tựa, lời nói đầu; Xem lời kết luận và tóm tắt ở cuối sách; Đọc thực sự (hay đọc đi sâu).

         Ta có thể phân các tiêu chí đọc sách trên thành 3 nhóm phương pháp chính:

  • Nhóm thứ nhất, gồm có phương pháp đọc lướt, phương pháp đọc chậm không đọc toàn bộ, phương pháp đọc có nghiền ngẫm, đúc kết nội dung sách.

+ Phương pháp đọc lướt là phương giúp cho bạn đọc nắm lấy những vấn đề quan trọng nhất đối với mình như ý chính, sự kiện chính,... khái quát sơ bộ cuốn sách. Chính vì thế cán bộ nghiên cứu khoa học, cán bộ giảng dạy, cán bộ hướng dẫn đọc sách bá đã áp dụng rất phổ biến phương pháp đọc lướt này.
+ Phương pháp đọc chậm nhưng không đọc toàn bộ, phương pháp này đọc có trọng tâm, trọng điểm không đọc lướt nhanh, nhưng đọc kỹ có bỏ đoạn.
+ Phương pháp đọc có nghiền ngẫm đúc kết nội dung cuốn sách. Đây là phương pháp đọc sách tốt nhất, giúp cho bạn đọc phân tích,  cảm nhận, phê bình, nhận thức tài liệu thực tế và chủ đề tư tưởng của tác giả.

  • Nhóm thứ hai, phương pháp đọc chủ động: Đọc sách có chủ động là phương pháp đọc sách có ý thức, vì sách phản ánh và cung cấp những kiến thức có sẵn, đây là tài liệu giúp bạn đọc nghiên cứu nghiêm túc.

         Đối với lối đọc sách chủ động đòi hỏi bạn đọc phải có ý thức, những sự việc trình bày trong sách là tài liệu khởi động tư duy của bạn đọc.

  • Nhóm thứ ba, phương pháp đọc sâu: Đây là phương pháp đọc sách phải vận dụng nhiều yếu tố tinh thần vào sự động não để liên hệ cái chúng ta đang đọc và cái đã có trong tiềm thức, khi đó đọc càng sâu hơn.

Để giúp bạn đọc tự học đạt kết quả tốt thư viện sẽ giáo dục bạn đọc chọn phương pháp trong một số phương pháp đọc sách phù hợp với khả năng và phù hợp với mục đích của đọc giả.
Ngoài phương pháp đọc sách, bạn đọc cần lựa chọn các phương pháp ghi chép trong công tác tự học, tự nghiên cứu.

Ghi chép để tự học
Ghi chép là phương pháp có tác dụng tổ chức giảm nhẹ trí óc, mặt khác còn có tác dụng động viên sự chú ý của bạn đọc. Ghi chép giúp cho việc ghi nhớ được dễ dàng hơn. Phương pháp ghi chép có tác dụng giúp cho bạn đọc tránh được những trường hợp nhớ không chính xác.
Ghi chép là phương pháp tốt nhất để thu thập và tích luỹ kiến thức cần cho sinh viên trong việc tự học, tự nghiên cứu. Phương pháp ghi chép là phương pháp học tập rất cần thiết đối với tất cả mọi người, học sinh, sinh viên, cán bộ...

Ghi chép bao gồm những hình thức sau đây: Dàn bài, đề cương, sao chép, trích dẫn, trích yếu...

+ Dàn bài: Là ghi tóm tắt những ý chính trình bày trong một chương hoặc cả cuốn sách; dàn bài là việc liệt kê vấn đề, chứ không trình bày tài liệu. Nếu làm dàn bài tốt chứng tỏ đã nắm được kết cấu của toàn cuốn sách và hiểu được nội dung cơ bản của cuốn sách.                                                                         

+ Đề cương: Là dung hoà giữa dàn bài và toát yếu. Dàn bài thì liệt kê theo thứ tự các vấn đề trình bày trong sách, còn đề cương có ghi nội dung cơ bản của cuốn sách.
Để xây dựng đề cương cần phải đi sâu phân tích điều đã đọc, hiểu biết phân tích những điểm chính của tài liệu nghiên cứu. Đề cương là hình thức ghi chép tiện nhất cho việc tự học.
+ Sao chép: Là ghi đúng từng chữ, chép nguyên văn một đoạn nào đó trong sách. Sao chép thuận lợi trong việc cần thu thập tài liệu theo nhiều nguồn khác nhau như các định nghĩa, các câu trích dẫn, …

Xây dựng và phát triển một đội ngũ sinh viên nhiều tài năng và đạo đức là một việc làm không chỉ của riêng nhà trường, của sự quan tâm của xã hội mà cơ bản là ở chính bản thân mỗi sinh viên. Vì vậy, mỗi sinh viên luôn cần đề cao ý thức tự học, tự nghiên cứu để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và thư viện là người bạn đồng hành trong sự nghiệp tự học suốt đời của bạn.

Đồng Thị Thanh Thoan - TT TT Thư viện

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai