(Dân trí) - “Năm nay Bộ GD-ĐT giao các trường tự chủ trong việc xét tuyển. Do vậy, không có xét tuyển nguyện vọng 2, 3 nữa. Việc xét tuyển kéo dài đến khi nào đủ chỉ tiêu thì thôi chứ không giới hạn về thời gian, không quy định điểm nguyện vọng sau cao hơn trước”
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) cho biết như trên khi trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ diễn ra tại Hà Nội sáng nay 14/2.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Tuyển sinh năm 2012, về cơ bản vẫn giữ như những năm trước theo hình thức “3 chung” nhưng có một số đổi mới để phù hợp với đặc thù các ngành nghề… Đặc biệt năm nay, Bộ giao các trường tự chủ trong việc xét tuyển. Theo đó, không có đợt xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 nữa. Thời gian xét tuyển kéo dài đến khi nào đủ chỉ tiêu thì thôi chứ không giới hạn về thời gian, không quy định điểm nguyện vọng sau cao hơn trước. Đổi mới này nhằm hạn chế tình trạng xảy ra trong những năm trước thí sịnh điểm cao không tìm được chỗ học trong khi nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu”.
Tuyển sinh năm nay bổ sung thêm khối thi A1 (Toán, Lý, Tiếng Anh). Vậy thời gian thi khối A1 như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Bộ yêu cầu các trường vẫn tuyển sinh theo các khối thi của từng ngành đào tạo như những năm trước và có thể bổ sung khối A1 nếu thấy cần thiết và phù hợp đối với từng ngành đào tạo.
Khối A1 thi đợt 1, nghĩa là hôm thí sinh khối A thi môn Hóa thì thí sinh chọn khối A1 sẽ thi môn tiếng Anh. Thí sinh cần theo dõi kế hoạch tuyển sinh của các trường, trường nào xét tuyển nguyện vọng A1 để đăng ký thi tuyển.
Cuốn "Những điều cần biết" không cần thiết!
Thưa Thứ trưởng, vì sao năm nay không phát hành cuốn “Những điều cần biết”?
Hàng năm, Bộ vẫn phát hành cuốn sách này nhưng thấy có một số bất cập vì nhiều em chỉ quan tâm đến trường khu vực mình thi mà cuốn sách lại cung cấp tất cả thông tin của hơn 400 trường trong cả nước, do vậy in cuốn đó không cần thiết. những thông tin cơ bản về tuyển sinh Bộ sẽ đưa lên trên mạng trang web của Bộ, các em vào đó có thể tra cứu rất nhanh gọn. Ví dụ, các em muốn học ngành Cơ khí chỉ cần bấm vào Cơ khí sẽ hiện ra những trường nào đào tạo ngành này và trang web cũng quy định từng khu vực cụ thể như Hà Nội, TP.HCM... Bên cạnh đó, trang web sẽ hiện ngay các thông tin liên quan tới tuyển sinh ĐH, CĐ mà các em không phải đọc hết cả quyển như trước, rất thuận lợi trong việc xác định nhu cầu của mình.
Một số đại biểu cho rằng học sinh vùng sâu vùng xa không có điều kiện vào Internet như vậy sẽ rất thiệt thòi cho các em, Thứ trưởng có nghĩ đến điều đó?
Bộ cũng đã tính đến vấn đề này. Bộ đã làm việc với công ty Viettel, họ đảm bảo tất cả các trường THPT ở các vùng trên cả nước nếu cần truy cập Internet thì Viettel đều có thể cung cấp phương tiện kéo mạng vào để các em có thể truy cập thông tin tuyển sinh. Nếu như có trường khó khăn trong việc truy cập thì các trường cần điện cho Cục trưởng Cục CNTT - Bộ GD-ĐT, ngay lập tức Viettel sẽ tạo điều kiện để các em truy cập. Như vậy việc truy cập Intenet để tiếp cận thông tin tuyển sinh ở các vùng trên cả nước không gặp bất cứ khó khăn gì, và việc ban hành, xuất bản quyển những điều cần biết không cần thiết.
Thí sinh dự thi đại học năm 2011 tại TPHCM. (Ảnh: Hoài Nam)
Các trường được xét tuyển nhiều lần!
Chủ trương kéo dài thời gian xét tuyển, nhiều đại biểu lo ngại thời gian quá dài gây lộn xộn và lượng thí sinh ảo lớn?
Thực tế, các trường tuyển đến 70% nguyện vọng 1, chỉ có 30% là nguyện vọng khác, nên việc kéo dài thời gian xét tuyển không làm lộn xộn đến việc xét tuyển của các trường.
Việc xét tuyển thêm nguyện vọng chủ yếu với trường tốp dưới. Kéo dài thời gian xét tuyển tạo điều kiện cho các trường top dưới có thời gian tuyển thí sinh. Các trường không nên sợ thí sinh ảo vì không chỉ tuyển 1 lần mà được tuyển nhiều lần cho đủ chỉ tiêu. Bên cạnh đó, những trường đào tạo tín chỉ thì có thể bắt đầu việc học bất cứ thời gian nào.
Năm 2011, có nhiều trường ĐH, CĐ tuyển sinh quá chỉ tiêu và không đảm bảo chất lượng đào tạo. Vậy năm nay Bộ có giải pháp nào ngăn chặn tình trạng này?
Trong năm 2012, Bộ đã ban hành Thông tư 57, để các trường tự xác định chỉ tiêu dựa trên 2 tiêu chí: số lượng sinh viên/giảng viên cơ hữu và diện tích mặt bằng/sinh viên. Sắp tới Bộ sẽ phối hợp với địa phương để kiểm tra, theo đúng việc phân cấp quản lý kiểm tra tất cả các trường. Nếu trường nào vi phạm sẽ xử phạt rất nặng, không chỉ xử phạt ngay sau khi tuyển sinh mà bất cứ lúc nào trong quá trình kiểm tra, 1 năm, 2 năm sau nếu phát hiện sai phạm đều bị xử lý.
Theo lộ trình dự kiến tuyển sinh của Bộ, từ năm 2016 trở đi chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn công cụ bắt buộc là Toán, Ngữ Văn và môn thi tự chọn. Lúc đó, chỉ một số trường đại học tốp đầu thực hiện hay triển khai đồng loạt?
Theo lộ trình, từ nay đến 2015 thì không có gì thay đổi nhiều, nhưng từ 2016 trở đi sẽ không có khối thi nữa mà chỉ thi 2 môn cơ bản Toán - Ngữ Văn, để sau đó, các môn Lý, Hóa, Sử, Địa… thành các tổ hợp các môn thi do các trường tự xét. Còn sau 2020, khi đó sẽ có Luật Giáo dục, thì việc thi tuyển sinh chỉ còn với các trường tốp trên lựa chọn tinh hoa còn các trường đại trà thì xét tuyển theo kết quả THPT. Khi đó, việc tuyển sinh rất nhẹ nhàng. Như vậy, có sự phân tầng rất rõ rệt giữa các trường ĐH, CĐ chứ không phải như hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Hồng Hạnh