Truyền đam mê khởi nghiệp cho sinh viên
Đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình học; thành lập câu lạc bộ và tổ chức cuộc thi khởi nghiệp; mời các doanh nhân thành đạt về truyền dạy kinh nghiệm cho sinh viên; tài trợ toàn bộ hoặc một phần vốn cho các dự án khởi nghiệp của sinh viên; chuyển giao ý tưởng và hồ sơ dự án khả thi đến các doanh nghiệp uy tín để tìm kiếm nhà đầu tư; xem lập dự án kinh doanh của sinh viên là điều kiện xét tốt nghiệp…
Đó là những hình thức khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên mà Trường đại học Công nghệ Đồng Nai đã và đang triển khai.
Khởi nghiệp ngay trên giảng đường
Mới bước sang năm 2, nhưng Lê Quang Tâm, sinh viên lớp 15DQT3, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai đã vạch ra cho mình một “ý tưởng kinh doanh mới về những vấn đề cũ”, đó là dự án cửa hàng cà phê nhanh mang tên IOC COFFEE. Dự án của Tâm ngay sau khi gửi tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp của trường tổ chức đã được ban giám khảo đánh giá cao. Sau đó, Tâm được nhà trường tạo điều kiện thử nghiệm mô hình kinh doanh (bán sản phẩm) tại khuôn viên trường đại học. Kết quả ngoài mong đợi. Thầy cô, các bạn sinh viên đến tham quan, thưởng thức sản phẩm khá đông. Hầu hết đánh giá chất lượng tốt, giá cả phù hợp, phục vụ nhanh chóng và tiện lợi. Chỉ sau vài ngày bán, Tâm đã có lợi nhuận từ IOC COFFEE.
Nhận thấy dự án kinh doanh của Tâm có tính khả thi cao, CLB khởi nghiệp của trường đã mạnh dạn gửi hồ sơ ý tưởng sang Hội đồng thẩm định dự án kinh doanh của sinh viên (do Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ cụm miền Đông Nam bộ thực hiện). Trong số nhiều hồ sơ được gửi đến, IOC COFFEE của Tâm là một trong 2 dự án được Hội đồng thẩm định chọn ra phản biện và xét hỗ trợ kinh phí. Đối với Tâm, đây vừa động lực và là thử thách để em thực hiện ước mơ làm chủ chuỗi cửa hàng thức uống di động.
Sinh viên trường chụp hình với các doanh nhân trẻ nhân một buổi dạy các kỹ năng khởi nghiệp
Theo ý tưởng, IOC COFFEE là một cửa hàng cà phê di động, toàn bộ nguyên vật liệu của cửa hàng được đặt trong xe ô tô nhỏ hoặc xe bán tải. Mỗi cửa hàng chỉ cần 1 tài xế và một nhân viên pha chế. Cửa hàng có tất cả 21 loại sản phẩm khác nhau để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, tuy nhiên, nguyên liệu chính vẫn là cà phê nguyên chất rang xay. Sản phẩm đựng trong ly giấy sử dụng một lần, giá cả được niêm yết sẵn và dao động từ 12.000 - 30.000 đồng/ ly.
Chia sẻ về lý do chọn IOC COFFEE, Tâm cho biết, nhu cầu sử dụng cà phê tại Việt Nam khá lớn, và người tiêu dùng đang có xu hướng chuyển dần từ thói quen uống cà phê tại nhà sang cà phê tiện lợi pha sẵn. Vì vậy những cửa hàng cà phê di động đặt ngay ở các khu vực trường học dành cho sinh viên, khu công nghiệp, khu trung tâm hành chính hay những nơi nhiều người qua lại sẽ là địa điểm lý tưởng bán hàng. Một lý do nữa thôi thúc Tâm kinh doanh đó là em muốn kiếm tiền trang trải học phí thay vì phải xin cha mẹ hằng tháng. “Dự án của em có thể thành công, nhưng cũng có thể thất bại, bởi cà phê quán cóc, nhà hàng hiện nay quá nhiều. Tuy nhiên em không sợ điều đó, bởi em muốn tạo ra một chuỗi cửa hàng di động. Nơi đó, sản phẩm đa dạng và chất lượng, phục vụ tận tình và nhanh nhất có thể, giá cả rất phải chăng. Nếu được sự hỗ trợ kinh phí từ phía nhà trường và Hội Doanh nhân, em sẽ tuyển thêm người chủ yếu là sinh viên làm thêm, đầu tư nguyên vật liệu, trang thiết bị kỹ thuật mở thêm một vài điểm kinh doanh mới nữa thay vì chỉ bó hẹp trong khuôn viên trường. Em cũng tận dụng các trang mạng xã hội để PR cho cửa hàng”, Tâm nói.
Không chỉ gian hàng của Tâm, tại khuôn viên trường đại học này cũng có nhiều gian hàng nước uống, đồ ăn nhanh, đồ dùng học tập do chính các bạn sinh viên đang kinh doanh.Trung tâm tìm với những dự án đang trong quá trình thử nghiệm hoặc phục vụ cho học tập, nhà trường sẽ hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp bằng cách miễn phí tiền thuê địa điểm trong khoảng thời gian nhất định. Đó cũng là hình thức hỗ trợ khuyến khích các bạn sinh viên mạnh dạn khởi nghiệp ngay trong chính môi trường học tập.
Nhiều hình thức hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp
Hưởng ứng năm quốc gia khởi nghiệp 2016, bắt đầu từ năm học này Trường đại học Công nghệ Đồng Nai lồng ghép nội dung khởi nghiệp vào chương trình học của sinh viên khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh. Thông qua các khóa đào tạo khởi sự doanh nghiệp do CLB khởi nghiệp trường phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai tổ chức, nhà trường thường xuyên mời các doanh nhân và chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và giảng dạy các kỹ năng mềm cho sinh viên. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức nền về khởi nghiệp, các khóa đào tạo khởi nghiệp, các buổi nói chuyện còn khơi dậy niềm đam mê, đồng thời tạo sân chơi gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên.
Cũng trong năm học này, ngoài việc hỗ trợ vốn, miễn phí cho sinh viên thử nghiệm kinh doanh ngay trong khuôn viên trường, Khoa Quản trị kinh doanh đã thành lập 2 công ty kinh doanh độc lập trong trường do chính giảng viên và sinh viên phụ trách. Đó là Công ty tổ chức sự kiện và Công ty tư vấn cải tiến năng suất lao động. Hai công ty sẽ tự vạch ra kế hoạch cũng như chiến lược kinh doanh. Trong đó, công ty tư vấn cải tiến năng suất lao động sẽ thông qua Phòng Quan hệ doanh nghiệp, hoặc thông qua nhóm sinh viên thực tập, trực tiếp đến các doanh nghiệp nghiên cứu môi trường làm việc, chỉ ra những yếu tố làm giảm năng suất lao động tại doanh nghiệp và đề ra những biện pháp cải thiện phù hợp. Hiện công ty này bước đầu nhận được sự quan tâm của một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Lê Quang Tâm, lớp 15DQT3, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai (thứ 2 từ trái qua) đang trao đổi dự án khởi nghiệp với giảng viên
Đặc biệt, từ nhiều năm qua, Phòng Quan hệ doanh nghiệp của trường luôn chú trọng khai thác nguồn lực doanh nghiệp đối với các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Cụ thể, doanh nghiệp có thể trở thành nhà đầu tư cho các dự án khả thi của sinh viên hoặc nhà trường sẽ chuyển giao ý tưởng và hồ sơ dự án khả thi cho doanh nghiệp. Tiền thu được từ chuyển giao công nghệ sẽ trả tác giả và dành một phần lớn để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tiếp theo.
Một hình thức nữa khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên, đó là “tập” viết dự án, lập kế hoạch kinh doanh sau mỗi kỳ thực tập. Cụ thể, ngay khi kết thúc đợt thực tập năm 2, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh phải viết báo cáo thực tập và tự xây dựng cho mình kế hoạch kinh doanh liên quan đến bán hàng và marketing; sang năm 3, sinh viên phải viết báo cáo và lập kế hoạch kinh doanh liên quan đến quản lý sản xuất, tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng sản phẩm; kết thúc khóa học sinh viên phải trình bày được một dự án kinh doanh cụ thể trước Hội đồng khoa học của khoa. Đây là bài test cuối cùng để kiểm nghiệm tại toàn bộ kiến thức sinh viên có được trong 4 năm học. Chỉ những sinh viên tự tin trình bày và có kế hoạch kinh doanh tốt mới đủ điều kiện xét tốt nghiệp ra trường.
Thạc sĩ Nguyễn Đình Thuật, Trường phòng Quan hệ doanh nghiệp, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai cho rằng, trường đã và đang có nhiều hình thức hỗ trợ để khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên thực hiện đam mê kinh doanh, bắt tay vào khởi nghiệp ngay khi còn đang ngồi trên ghế giảng đường. “Quá trình khởi nghiệp của sinh viên có thể trải qua nhiều rủi ro mới đi đến thành công, cũng có thể thất bại. Tuy nhiên, những kinh nghiệm trong quản lý thời gian, quản lý tài chính; những kỹ năng tích lũy khi tham gia các cuộc thi khởi nghiệp tại trường sẽ là bài học quý giá giúp bản thân các sinh viên tự tin hơn trong học tập, làm việc cũng như quá trình khởi nghiệp sau này. Đó là điều chúng tôi muốn sinh viên hướng đến”, Thạc sĩ Nguyễn Đình Thuật cho biết.
Hỗ trợ vốn cho sinh viên khởi nghiệp
Đối với các dự án có tính khả thi và áp dụng được trong môi trường giáo dục, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai sẽ đầu tư toàn bộ vốn, hỗ trợ địa điểm cho sinh viên kinh doanh. Lợi nhuận của dự án (nếu có) sẽ được trích lại một phần để đầu tư cho các dự án tiếp theo. Các dự án khác, tùy theo quy mô và tính khả thi, nhà trường sẽ hỗ trợ một phần vốn để sinh viên khởi nghiệp (nguồn vốn này sinh viên không phải hoàn lại cho nhà trường). CLB khởi nghiệp của trường là đầu mối gửi những dự án “tốt” của sinh viên đến Hội Doanh nhân trẻ tỉnh xin hỗ trợ kinh phí để sinh viên có điều kiện khởi nghiệp
Nguồn: http://laodongdongnai.vn/