Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai tham dự hội thảo cấp quốc gia tại Đắk Lắk

Ngày 15/11, tại thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề”.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá khu vực Tây Nguyên có nhiều tiềm năng từ cảnh quan thiên nhiên đến truyền thống văn hóa bản địa để phát triển du lịch văn hóa, văn hóa sinh thái. Tây Nguyên có nguồn tài nguyên to lớn về đất đai, rừng núi, có khí hậu đặc thù ôn đới và hệ thống động, thực vật phong phú đa dạng với các Vườn Quốc gia như Chư Yang Sin (Đắk Lắk), Kon Ka Kinh (Gia Lai), Chư Mom Ray (Kon Tum), Bidoup núi bà (Lâm Đồng). Đặc biệt, đây còn là vùng đất sản sinh và lưu giữ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo như các lễ hội, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… của các dân tộc như Êđê, M’Nông, Ba Na, Xê Đăng, Gia jai, K’ho… Tất cả tạo nên những tiềm năng to lớn cho công tác xây dựng, phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái Tây Nguyên.

Quang cảnh hội thảo

Đứng trước tiềm năng to lớn để phát triển loại hình du lịch văn hóa sinh thái, tuy nhiên, các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa khai thác hiệu quả loại hình du lịch này và tồn tại những hạn chế nhất định như: Thiếu sự liên kết trong phát triển du lịch giữa các tỉnh; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đồng bộ. các tỉnh Tây Nguyên chưa kết hợp được chuỗi giá trị sản phẩm du lịch. Trong quá trình khai thác du lịch, công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và các sản phẩm của rừng chưa được chú trọng dẫn đến nhiều hệ lụy… Qua đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển vùng du lịch văn hóa sinh thái khu vực Tây Nguyên vừa tạo giá trị kinh tế vừa bảo tồn truyền thống văn hóa và cảnh quan vùng Tây Nguyên.

Hội thảo có hơn 200 đại biểu của nhiều trường Đại học, các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia.  BTC nhận được 145 bài viết, có 80 bài đăng trong kỷ yếu của Hội thảo. Ngoài đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức là Viện KHXH vùng TN có 14 bài viết, DNTU là đơn vị có số bài uy tín được lựa chọn đăng nhiều nhất trong Kỷ yếu.

Đoàn cán bộ Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) do Hiệu trưởng TS. Phan Ngọc Sơn dẫn đầu tham dự Hội thảo và có 06 Bài tham luận được đánh giá cao:

  1. "Bàn về những mô hình có khả năng ứng dụng hiệu quả trong xây dựng vùng du lịch văn hóa sinh thái tại Tây Nguyên hiện nay" của  PGS.TS Bùi Trung Hưng.
  2. "Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao góp phần phục vụ du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên" của TS. Đặng Kim Triết
  3. "Phát triển hoạt động du lịch văn hóa theo hướng bền vững tại vùng tây nguyên" của TS. Vũ Thịnh Trường, ThS. Nguyễn Hoài Nhân
  1. "Phát triển du lịch văn hóa sinh thái gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa Tây Nguyên" của ThS. Huỳnh Tấn Nguyên
  2. "Kinh nghiệm phát triển du lịch sinh thái tại một số quốc gia và bài học cho vùng Tây Nguyên" của ThS. Huỳnh Tấn Nguyên, ThS Ngô Thị Tuyết Lan
  3. "Quan điểm, giải pháp thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển vùng du lịch sinh thái Tây Nguyên" của ThS. Nguyễn Thị Thơm

 Đặt biệt, bài viết của PGS.TS Bùi Trung Hưng được chọn trình bày đầu tiên trong Hội thảo, được các thành viên tham dự đặt biệt quan tâm.

TS. Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cùng thành viên của Đoàn tham dự hội thảo

Kết thúc hội thảo, Bà H’Yim Kđoh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, hội thảo lần này đối với các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng hết sức quan trọng và cần thiết, góp phần gìn giữ bảo tồn thiên nhiên, văn hóa tại các địa phương, những sự chia sẻ, cùng kinh nghiệm, hiến kế hay và tâm huyết của các đại biểu tại hội thảo sẽ là cơ sở để  UBND tỉnh Đắk Lắk thêm nhiều thông tin, kinh nghiệm, giải pháp hay trong việc xây dựng du lịch văn hoá sinh thái trên địa bàn. 

Tin: Trương Tấn Trung - Viện IRATS

Bài viết: Lê Trần Tâm Thi - Phòng Truyền thông

Nguồn tham khảo: baotintuc.vn

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai