Toạ đàm "xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc"
TS. Huỳnh Văn Tới – Uỷ viên Thường vụ – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao các trường Đại học trong tỉnh và nhất là trường Đại học Công nghệ Đồng Nai luôn là mũi nhọn trọng tâm trong việc “xây dựng nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc ”
TS. Huỳnh Văn Tới – Uỷ viên Thường vụ – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao đổi về xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc với cán bộ lãnh đạo quản lý DNTU
Ngày nay, Khoa học công nghệ phát triển đa dạng, phong phú và nhanh chóng đi vào cuộc sống đã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Trong nền kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế ngày càng phát triển thì vấn đề văn hoá, tộc người và quốc gia dân tộc… đang đặt ra nhiều vấn đề cần được nhận thức đúng đắn.
Bởi lẽ, kế thừa là một quy luật hoạt động của văn hoá xuất phát từ quy luật biện chứng của triết học. Văn hóa muốn phát triển đòi hỏi phải tiếp nhận những tinh hoa của dân tộc và nhân loại. Văn hoá bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và giá trị tinh thần mà con người sáng tạo ra nhằm mục tiêu phục vụ con người. Bản sắc dân tộc của văn hoá là các giá trị đặc trưng tiêu biểu phản ánh diện mạo, cốt cách, phẩm chất và bản lĩnh của mỗi nền văn hoá, là dấu hiệu cơ bản để phân biệt nền văn hoá dân tộc này với văn hoá dân tộc khác. bản sắc dân tộc của văn hoá được thể hiện tập trung trong truyền thống văn hoá dân tộc. Đối với Việt Nam "đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lự, tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc. Lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…".
Bản sắc dân tộc của văn hoá Việt Nam là cơ sở để liên kết xã hội và liên kết các thế hệ tạo nên sức mạnh tinh thần dân tộc. Bản sắc văn hoá dân tộc vừa được coi là bộ "Căn cước" vừa được coi là "bộ gien" di truyền của văn hoá dân tộc. Bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc của văn hoá là yêu cầu khách quan, là mục tiêu của việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam. "Làm cho văn hoá thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hoá đồi truỵ, độc hại. Xây dựng, bảo vệ nền văn hoá tiên tiến, đậm đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc là vấn đề cần được khảo sát kỹ, tính kỹ, phải xuất phát từ thực tiễn, từ yêu cầu cuộc sống của quảng đại quần chúng để trân trọng ghi nhận, chọn lọc, tận dụng, để gìn giữ kế thừa và phát triển những yếu tố phù hợp và loại thải dần những yếu tố không còn phù hợp với thực tại cuộc sống. Hãy làm tất cả cho sự kế thừa, phát triển những nhân tố tích cực mang giá trị nhân văn truyền thống của gia đình, dòng họ, làng xã, đất nước đơm hoa, kết trái để góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cần đưa vào chương trình và có chế độ bắt buộc trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ kể từ những bài hát, điệu múa … để họ tự tôn dân tộc và luôn nhớ những giá trị truyền thống của dân tộc. Đánh thức quá khứ để khơi dậy ý chí, lòng tự trọng, tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước phục vụ vào việc xây dựng tương lai. Lưu giữ những cái cũ, những yếu tố tiêu cực hoặc hoài cổ những gì vốn có không còn phù hợp với cộng đồng sẽ dẫn đến bảo thủ, là cơ sở để kẻ xấu lợi dụng, dẫn đến đẩy lùi sự phát triển.
Buổi trao đổi cũng ghi nhận nhiều ý kiến của trường. Đặc biệt là mối quan tâm về vấn đề nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa, đặc biệt là việc quản lý các luồng văn hóa nước ngoài không phù hợp với thuần phong mỹ tục của nước ta nhưng đang ảnh hưởng trực tiếp đến thế hệ trẻ, nhất là học sinh - sinh viên.
TS. Huỳnh Văn Tới đánh giá văn hoá trong thời kỳ hội nhập giữ vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hôi . Sinh viên hiện nay đang tiếp thu các luồng văn hoá ngoại nhập, như vậy văn hoá truyền thống có còn tác động đến sinh viên hiện nay hay không là vấn đề xã hội hiện nay quan tâm. Với giá trị đã được chính minh qua chiều dài lịch sử Văn hoá đã chứng minh luôn là một phần quan trọng trong quá trình phát triển. Do đó chúng ta cần phải duy trì và phát huy Văn hoá toả sáng trong lòng dân tộc
Giao lưu văn hoá là một quy luật góp phần hiểu biết giữa các dân tộc, các nền văn hoá, góp phần làm đẹp thêm các dòng chảy văn hoá dân tộc. Lịch sử loài người từ cổ chí kim đều cho thấy các lực lượng tiến bộ vẫn luôn theo đuổi cái đích là làm sao hướng được con người vào chân, thiện, mỹ. Kế thừa cái cũ, học cái mới có chọn lọc là để làm chủ tri thức, làm chủ khoa học công nghệ phục vụ cho quá trình sáng tạo trong lao động và cuộc sống ngày càng tốt hơn ở mỗi người và vì hạnh phúc của đồng bào, đất nước. Đây là những vấn đề cần được trao đổi, thảo luận kỹ trong các bài giảng có liên quan để tạo sự thống nhất trong tư tưởng hành động trong quá trình quản lý điều hành từ cơ sở.
Với lẽ đó, xây dựng “nền Văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế cần phải nghiên cứu kỹ để khám phá sự vận động và phát triển của văn hoá, từ đó có nhận thức đúng đắn và cảnh tỉnh trước những vấn đề mới đang đặt ra và những vấn đề mà các thế lực thù địch đang tận dụng, mong muốn đạt tới "Chủ nghĩa đa nguyên văn hoá". Chúng ta cần giáo dục, củng cố, xây dựng niềm tin bằng hệ giá trị chân, thiện, mỹ và những truyền thống quý báu của dân tộc và chế độ. Biết tôn trọng, lắng nghe để làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về những ý kiến khác nhau với tinh thần xây dựng để tiếp thu, để bồi đắp thêm trí tuệ và tinh thần. Gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc phải trên cơ sở kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với tổ chức hành động, quản lý để thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết tự hào dân tộc để có ý chí phấn đấu hoàn thành tốt sự nghiệp mà thế hệ cha anh đã phấn đấu hi sinh bảo vệ, xây dựng. Phải gắn được những tri thức từ sách vở với thực tiễn cuộc sống mà thế hệ đã qua cũng như thế hệ hôm nay và mai sau cần phải vươn tới, giúp thế hệ trẻ thấy rõ chiến lược của Đảng, Nhà nước là luôn đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển.
Tất cả đều hướng tới ý chí, hoài bão, dẫy lên phong trào đầu tư sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, tôn vinh gương người tốt, việc tốt, tôn vinh quê hương, đất nước vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Đó là cơ sở tốt nhất để chúng ta bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng trong sự nghiệp phát triển, chấn hưng đất nước. Với tinh thần làm giàu từ tri thức nhân loại được đúc kết, bằng bản lĩnh và cốt cách con người Việt Nam, từ bản sắc văn hoá của con dân Đất Việt để vóc dáng Việt Nam của thế kỷ 21 được tô thắm thêm trong trang sử 4000 năm Văn hiến vẻ vang.
TS. Huỳnh Văn Tới – Uỷ viên Thường vụ – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thăm quan cơ sở DNTU
TS. Huỳnh Văn Tới – Uỷ viên Thường vụ – Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao các trường Đại học trong tỉnh và nhất là Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai luôn là mũi nhọn trọng tâm trong việc “xây Dựng nền Văn Hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ”. TS. Huỳnh Văn Tới dành lời khen tặng cho nhà trường DNTU vì có sự quan tâm, chăm lo đời sống tinh thần đến các thế hệ sinh viên của nhà trường.
Khi đến phòng thư viện TS. Huỳnh Văn Tới đánh giá cao nhà trường đã xây dựng một ngân hàng giáo trình tài liệu, đa dang về chủng loại và phong phú về nội dung. Một điều TS. Huỳnh Văn Tới góp ý thêm cho nhà trường là cần có thêm một danh mục chuyên đề về tỉnh Đồng Nai để các quý thầy cô, các sinh viên khi cần có thể tìm đến. Điều này về phía tỉnh uỷ Đồng Nai sẵn sàng chia sẽ và cung cấp những tài liệu quý báu cho nhà trường.
Cán bộ, giảng viên và sinh viên DNTU chúng ta hãy làm tất cả cho sự kế thừa, phát triển những nhân tố tích cực mang giá trị nhân văn truyền thống của gia đình, dòng họ, làng xã, đất nước đơm hoa, kết trái để góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững