Tầm nhìn thực tế về đào tạo Sau Đại học - Quản trị thay đổi trong kỷ nguyên số
Trong bối cảnh thị trường lao động biến động mạnh mẽ, yêu cầu khắt khe về chất lượng nguồn nhân lực đã đặt ra áp lực đổi mới lên các chương trình đào tạo sau đại học. Các trường đại học hiện đang triển khai đào tạo theo hai hướng: nghiên cứu và ứng dụng, trong đó định hướng ứng dụng đòi hỏi sự gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Thúy Lan Chi, Phó Hiệu trưởng, nhấn mạnh: “Đào tạo Sau đại học không chỉ hướng tới cá nhân, mà còn tập trung phục vụ nhu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi chương trình đào tạo phải đồng hành cùng doanh nghiệp, tích hợp nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và mạng lưới chuyên gia để tạo giá trị kết nối bền vững.” Sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp đã định hình mô hình đào tạo thực tiễn, đáp ứng chính xác yêu cầu thị trường lao động. Đây chính là chìa khóa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với kỷ nguyên số.
TS. Nguyễn Minh Tân, Trưởng phòng Sau Đại học, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, nhận định: “Nhiệm vụ của chúng tôi là chuyển hóa nhu cầu thực tiễn đa dạng từ doanh nghiệp vào chương trình đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra gắn liền với thực hành. Chúng tôi cũng tích hợp các xu hướng toàn cầu như công nghệ số và AI để trang bị kiến thức phù hợp nhất cho người học.” Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và thúc đẩy tính quốc tế hóa, nhà trường đã chủ động xây dựng một lộ trình giảng dạy đổi mới, trong đó việc tăng cường giảng dạy bằng tiếng Anh được xem là giải pháp chiến lược.
Dưới sự phối hợp chặt chẽ với Phòng Sau đại học của TS. Huỳnh Tấn Nguyên, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Quản trị, người chịu trách nhiệm chuyên môn Tiến sĩ Quản lý kinh tế và các ngành thạc sĩ Quản lý Kinh tế, Quản trị Kinh doanh, đã không ngừng nỗ lực kết nối với các chuyên gia quốc tế và phát triển những chương trình học tiên tiến, đã mời giảng viên quốc tế tham gia giảng dạy trực tiếp các chuyên ngành trọng điểm. Điều này không chỉ giúp sinh viên tiếp cận với kiến thức hiện đại mà còn tạo ra môi trường học tập đa văn hóa, nơi các học viên có thể trao đổi ý kiến, tiếp thu kinh nghiệm thực tế từ những chuyên gia hàng đầu thế giới.
Cụ thể, trong tháng 11 và 12 vừa qua, trường đã tổ chức thành công hai học phần cốt lõi là "Phân tích Định lượng trong Kinh tế" và "Kinh tế Quốc tế" với sự giảng dạy của GS TS.Caroline đến từ Malaysia; GS. Wen-Kai K. Hsu Đài Loan và Indonesia. Các buổi học không chỉ mang đến kiến thức chuyên sâu mà còn mở ra diễn đàn thảo luận sôi nổi, giúp học viên kết nối lý thuyết với các tình huống thực tiễn trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.
Các lớp học do giảng viên quốc tế giảng dạy đã khuyến khích học viên tư duy phản biện và rèn luyện kỹ năng phân tích dữ liệu. Học viên không chỉ được tiếp xúc với các phương pháp tiên tiến từ các nền giáo dục phát triển mà còn có cơ hội học hỏi cách thức giải quyết vấn đề từ góc nhìn toàn cầu. Bên cạnh đó, các lớp học ngắn hạn với sự dẫn dắt của chuyên gia nước ngoài cũng được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện để học viên nâng cao năng lực cá nhân, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng quốc tế.
Sự tham gia của các giảng viên quốc tế, kết hợp với đội ngũ giảng viên cơ hữu của nhà trường, đã mang đến giá trị vượt trội trong công tác đào tạo Sau đại học. Tinh thần hợp tác quốc tế này không chỉ mang lại môi trường học tập giàu trải nghiệm mà còn khẳng định vị thế của nhà trường trong việc hội nhập giáo dục toàn cầu. Nhà trường sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình này, tìm kiếm những phương pháp giáo dục tốt nhất để học viên có thể nhận thấy rõ sự khác biệt về chất lượng giảng dạy, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế.
Phòng Sau Đại học
BAN TRUYỀN THÔNG (Đưa tin)