Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10): Xây dựng và phát huy văn hóa doanh nhân

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhờ đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Chữ “Đạo” trong kinh doanh 

Văn hóa doanh nhân là một giá trị xã hội cao quý không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của một người nào đó, mà xuất phát từ vai trò xã hội của doanh nhân. Vai trò đó là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng đời sống vật chất, kinh tế cho sự tồn tại và phát triển của một quốc gia dân tộc, một chế độ. trung tâm bình dương Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Giới công - thương phải hoạt động để xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng, thịnh vượng”. Sự nghiệp chấn hưng nền kinh tế của đất nước, doanh nhân phải là đầu tàu, là động lực to lớn “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”. Cha ông ta từng nói: Phi trí bất hưng, phi thương bất phú, phi công bất hoạt. Giàu có và năng động là những giá trị xã hội mà doanh nhân là những người tiêu biểu.

Trong lịch sử Việt Nam, doanh nhân chưa bao giờ được xã hội tôn trọng và đánh giá đúng vai trò của họ đối với sự phát triển đất nước. Điển hình nhất là thời kỳ nền kinh tế dựa trên cơ chế tập trung bao cấp, xã hội định kiến sâu sắc với tầng lớp thương nhân. Họ bị khinh miệt là bọn buôn lậu sâu mọt, “con phe” cần phải cải tạo, giáo dục lại; họ có thể bị bắt giam, hoặc phạt rất nặng. Chính cách cư xử nghiệt ngã của thời kỳ này mà trong xã hội Việt Nam, tầng lớp thương nhân gần như bị triệt tiêu. Song, cuộc sống có quy luật của nó - cái gì đi ngược lại ắt phải trả giá. Toàn bộ nền kinh tế bao cấp, ngăn sông cấm chợ, gây ách tắc lưu thông phân phối đã đẩy xã hội Việt Nam lâm vào cảnh nghèo đói, không phát triển. Điều ấy buộc cả xã hội  phải nhìn nhận lại tất cả.   

DNTU-Ngay-Doanh-Nhan-Viet-Nam

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các doanh nghiệp Sao vàng đất Việt 2015 (Ảnh: TTXVN)

 

Vậy, Doanh nhân là ai? Văn hóa doanh nhân là gì? Đây vẫn là câu hỏi được nhiều người quan tâm. 

Thực ra, nhìn giới doanh nhân dưới góc độ văn hóa, tức là đặt hoạt động kinh doanh vào hệ giá trị xã hội, đó cũng chính là một thái độ trân trọng và tôn vinh. Bởi, văn hóa như nhiều người đã thừa nhận là quá trình khách thể hóa bản thân con người, biểu hiện những năng lực bản chất con người. Những năng lực ấy được bộc lộ trong quá trình phát triển lịch sử lâu dài của loài người. Nó giúp cho nhu cầu về đời sống của con người ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Đó cũng là quá trình con người bước từ “vương quốc tất yếu” sang “vương quốc tự do”. Vì thế, mọi hoạt động của đời sống xã hội của con người đều được xem xét trên góc độ văn hóa. Người ta có thể nói đến văn hóa của từng lĩnh vực cuộc sống như: văn hóa giao tiếp, văn hóa nghệ thuật, văn hóa đạo đức …, hay người ta cũng có thể nói đến văn hóa của từng ngành nghề cụ thể trong xã hội, nhưng có khi không dùng thuật ngữ văn hóa, mà dùng các thuật ngữ khác song cũng chứa đựng khái niệm văn hóa như: phạm trù lương tâm - đạo đức, ví như: lương tâm của người thầy thuốc, đạo đức của người làm thầy… Và “Văn hóa doanh nhân” cũng được hiểu trong nội hàm ấy. “Văn hóa doanh nhân ” là văn hóa của người làm nghề kinh doanh trong xã hội. Đó cũng là một bộ phận của văn hóa xã hội, nó có mặt trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh thương mại, một lĩnh vực không thể thiếu được của đời sống xã hội con người.

Nói đến văn hóa là nói đến các giá trị chân - thiện - mỹ; nói đến văn hóa là nói đến mục tiêu cuối cùng là vì con người - cho con người. Vậy nên, vấn đề đặt ra là kinh doanh như thế nào là có văn hóa, thương nhân thế nào được gọi là doanh nhân văn hóa. Đây là vấn đề hiện đang được cả xã hội quan tâm và được các nhà nghiên cứu tranh cãi rất nhiều.

Do đặc thù của doanh thương có bản chất cực đoan là lấy lợi nhuận làm đầu, vì lợi nhuận tối đa nên doanh thương thường bất chấp thủ đoạn buôn rẻ, bán đắt, đầu cơ, tăng giá, hàng kém chất lượng, trốn thuế… Ở chừng mực nào đấy dưới con mắt của xã hội, doanh thương có tính chất “bất lương”. Vì lý do đó, nói đến văn hóa doanh nhân, người ta bàn đến chữ  “đạo” trong kinh doanh. “Đạo” được hiểu là cái lẽ nhất định ai cũng phải noi đấy mà theo; “Đạo” còn được hiểu với nghĩa là đường lối và nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống. Theo chúng tôi, “Đạo” kinh doanh còn là “đạo đức - tức là văn hóa” của doanh thương. Nói đến “đạo dức”, có nghĩa là chúng ta đang đề cập tới một phạm trù duy nhất đó là “thiện” - “ác”. Đạo đức chỉ là “thiện”, đối lập với “ác”.  Chữ “thiện” trong kinh doanh cũng chính là văn hóa của người kinh doanh. Văn hóa kinh doanh đó là kiếm tiền bằng cách phụng sự những nhu cầu xã hội, và khi giải quyết tốt những vấn đề của nhu cầu xã hội, cũng là lúc kinh doanh thành công nhất. Một doanh nhân đúng nghĩa là người có thể lãnh đạo doanh nghiệp của mình đáp ứng được cả một chuỗi trông cậy ở cộng đồng. Do vậy, thước do sự kính trọng, tôn vinh với một doanh nhân là ở chỗ anh ta mang lại cho xã hội cái gì, cái đó tất yếu phải góp phần làm thay đổi xã hội và làm cho cuộc sống của con người tốt hơn lên hay không; chứ không phải anh ta giàu như thế nào, tài sản của anh ta ra sao.

 Xây dựng văn hóa doanh nhân Việt Nam

 Để phát huy và xây dựng văn hóa doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ các yêu cầu sau:

  1. Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa.
  2. Xây dựng chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hóa kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
  3. Xây dựng hình ảnh doanh nhân có bản sắc Việt Nam; khuyến khích doanh nhân không ngừng hoàn thiện mình để trở thành những người có trách nhiệm, có đóng góp cho xã hội và đất nước. Phát động các phong trào thi đua để nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của doanh nhân Việt Nam. Đồng thời, quản lý hoạt động tôn vinh khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu theo đúng quy định của pháp luật, thực sự có tác dụng biểu dương, nêu gương.
  4. Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và tăng cường sự gắn bó giữa doanh nhân và người lao động trong doanh nghiệp. Doanh nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành, phát triển các tổ chức chính trị và chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, nhất là những quy định liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.

Nói đến văn hóa trong kinh doanh phải nói đến chữ “tâm”. Có thể hiểu, doanh nhân dùng tiền của để tạo lợi nhuận cho chính mình một cách hợp pháp là tạo công ăn, việc làm cho người lao động và tạo ra nhiều phúc lợi xã hội. Đấy chính là cái “tâm”. Song, có lẽ chữ “tâm” lớn nhất đối với một doanh nhân là giữ được đạo tín - nghĩa với con người. Đó là phép hành xử không phải chỉ đúng với pháp luật, mà còn đúng với đạo lý của dân tộc. Và cũng chính là đạo làm người của một doanh nhân. Điều ấy giống như một dòng chảy tâm linh trong lòng các doanh nhân chân chính, giúp họ sống tốt cho mình và đóng góp cho cuộc đời tốt hơn đẹp hơn.

TS. BÙI QUANG XUÂN

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai