Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Lần đầu đổi mới hình thức đánh giá kết thúc học phần tư tưởng Hồ Chí Minh tại trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Đổi mới trong cách kiểm tra, thi cử, đánh giá học sinh là một trong những vấn đề mà BGH trường Đại học Công nghệ Đồng Nai hết sức quan tâm trong tổng thể Đề án đổi mới của nhà trường.Đối với những bộ môn thuộc phần kiến thức Đại cương của khoa Khoa học cơ bản,TS Trần Đức Thuận- P. Hiệu trưởng phụ trách đào tạo của nhà trường cho chúng tôi biết: với những môn học như Triết học Marx-Lenin hay Tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng tôi đã làm việc và động viên các giảng viên nên tìm những hình thức thi cử, kiểm tra mới theo hướng sáng tạo. Việc cho các em thành lập nhóm, tổ chức thảo luận, thuyết trình là rất tốt. Các em sẽ phát huy được các kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết trình, tư duy sáng tạo và khả năng hùng biện.Chúng tôi muốn thầy/cô đi theo hướng đó để phát huy tính tích cực, chủ động của người học,đồng thời cũng là cách để thầy/ cô kiểm chứng những kiến thức đã truyền thụ của mình.

Nằm trong đề án đổi mới của nhà trường, vào sáng thứ 2 ngày 10 tháng 10 năm 2016, Thạc sĩ Trịnh Quang Dũng- giảng viên bộ môn Lý luận Chính trị - đã tiến hành thi cuối kỳ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh theo hình thức mới – làm dự án và thuyết trình tiểu luận.

Đổi mới hình thức đánh giá cuối kỳ bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh

Đổi mới hình thức đánh giá cuối kỳ bộ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh

Trong suy nghĩ của nhiều người, những môn chính trị nói chung và môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng là những môn lý luận, khó hiểu, khô khan, luôn là những môn gây ra sự nhàm chán cho sinh viên. Và khi thi, luôn là hình thức trắc nghiệm với 500 – 600 câu hỏi ôn tập khiến cho nhiều sinh viên lo lắng. Họ cố gắng cho qua môn, học xong rồi cũng quên ngay những kiến thức mà các thầy, cô giảng dạy trên lớp. Để tạo sự thay đổi trong suy nghĩ và tạo ra không khí học tập sôi nổi cho các bạn sinh viên trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, nhiều hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy đã được các thầy cô trong Tổ bộ môn Lý luận Chính trị vận dụng sáng tạo, trong đó có sự đổi mới hình thức cuối kỳ môn Tư tưởng Hồ Chí Minh của thầy Trịnh Quang Dũng.

Thầy đã lên kế hoạch trước khi kết thúc môn hơn 2 tháng, ý tưởng đổi mới hình thức thi cuối kỳ nhanh chóng được Ban chủ nhiệm Khoa, Ban giám hiệu nhà trường đồng ý thi hành. Trong quá trình dạy học lớp 14DMT1, thầy nhận thấy đây là lớp khá năng động và có ý thức tham gia các buổi thảo luận, từ đó thầy chọn lớp này là lớp thí điểm thay đổi hình thức thi cuối kỳ - không thi trắc nghiệm như cũ mà chuyển sang hình thức mới, làm dự án, viết tiểu luận và thuyết trình. Nhanh chóng các bạn sinh viên ủng hộ và nhiệt tình tham gia.

Các bạn sinh viên họp nhóm xác định đề tài và công việc của nhóm

Các bạn sinh viên họp nhóm xác định đề tài và công việc của nhóm

Để kịp được tiến độ, thầy đã lên kế hoạch cụ thể và cho từng nhóm lựa chọn những mức điểm phù hợp với khả năng của mình. Có 3 mức thầy đưa ra: 5 điểm; 7 điểm và 10 điểm. Thầy cũng khuyến khích sinh viên nên chọn những mức điểm phù hợp với khả năng và không làm mất nhiều thời gian của mình. Tuy nhiên, thật bất ngờ, tất cả các nhóm tham gia lần này đều lựa chọn nhóm câu hỏi 10 điểm. Hỏi ra mới biết, sinh viên muốn thử nghiệm và muốn xem khả năng của bản thân mình đến đâu. Riêng nhóm câu hỏi 10 điểm đòi hỏi các bạn phải lập bảng hỏi, đi phát phiếu cho sinh viên trong DNTU, sau đó trên cơ sở này các bạn viết bài và thuyết trình.

Cái khó nhất cho các bạn sinh viên là lần đầu tiên tiếp cận đến hình thức làm bảng hỏi và phát phiếu. Các nhóm đã xác định quyết tâm phát từ 400 phiếu trở lên, thậm chí có nhóm phát đến 700 phiếu, tương đương với việc tiếp cận đến 700 bạn sinh viên đang tham gia các lớp học của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai. Trong quá trình phát phiếu, nhận thấy nhiều sinh viên cũng chưa thực sự hợp tác tốt, nên việc phát và nhận phiếu của các nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Thầy và các nhóm sinh viên đã trao đổi, chia sẻ và động viên để các bạn làm tốt nhiệm vụ của mình. Kết quả là chỉ trong một tuần, các bảng hỏi đã được phát và thu thập đúng tiến độ và đạt yêu cầu. Nhóm số 1 trong lớp đã thu được 600 phiếu, các nhóm khác thu được từ 400 –> 500 phiếu. Đây là một sự nỗ lực rất lớn của các bạn sinh viên. Thậm chí, nhiều ý tưởng mới được xuất hiện: có nhóm viết song ngữ bảng hỏi; có nhóm quay clip hỏi trực tiếp… nhiều ý tưởng đã ra đời làm cho nhiệm vụ của các ban diễn ra đúng theo kế hoạch và đạt yêu cầu. Chính thầy Trịnh Quang Dũng và các thầy/ cô khác đều ghi nhận công lớn này của các em.

 

Sau khi phát phiếu, nhiệm vụ quan trọng là tổng hợp số liệu. Vì có nhiều bảng hỏi và mỗi bảng hỏi có nhiều số liệu nên việc tổng hợp mất rất nhiều thời gian và kỳ công. Các nhóm lại tích cực cùng nhau thực hiện, với mỗi khó khăn các nhóm lại xuất hiện cách làm hay. Từng cặp, từng nhóm làm việc với nhau tạo nên không khí khẩn trương nhưng cũng rất cẩn thận, để lấy được những số liệu quý báu chuẩn bị cho bài viết của mình.

Lần đầu tiên viết tiểu luận theo hướng nghiên cứu khoa học, các bạn còn bỡ ngỡ về cách đặt vấn đề, mở đầu, viết như thế nào, kết thúc như thế nào, sử dụng những số liệu như thế cho phù hợp… nhiều câu hỏi được nêu lên, cả thầy và các nhóm lại cùng nhau chia sẻ thực hiện, viết rồi sửa, sửa rồi lại viết. Kết quả là, chỉ một thời gian ngắn, các bài đã được hoàn chỉnh.

Càng về thời gian cuối kỳ, tinh thần khẩn trương của các bạn càng được phát huy hơn, các nhóm lại tập trung làm power point và chuẩn bị cho buổi thuyết trình. Các bạn làm việc nhiều hơn, một tinh thần khẩn trương nhưng cũng lo lắng bao trùm toàn các nhóm và cả thầy bộ môn.

Sáng thứ 2, ngày 10.10.2016 trên giảng đường 1, tất cả đã bắt đầu cho buổi thuyết trình.

Đến dự buổi đánh giá, lớp còn may mắn được đón rất nhiều các thầy, cô trong Khoa và Trường, đặc biệt có thầy Thạc sĩ Lê Nguyễn Trung Thiện, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục; thầy Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trưởng Khoa Khoa học cơ bản làm cho buổi thuyết trình thêm trang trọng.

Đầu buổi đánh giá, thầy Trịnh Quang Dũng cho ổn định lớp, nêu lên ý nghĩa của hình thức đánh giá mới này và đưa ra những kinh nghiệm kỹ năng mà các bạn sinh viên có thể đạt được sau bộ môn của thầy. Thầy cũng chia sẻ những cảm xúc đặc biệt trong thầy với lớp, vì là lớp đầu tiên thực hiện hình thức đổi mới này nên thầy cũng đặc biệt quan tâm, theo sát và có những tình cảm thật chân thành, xúc động với các nhóm. Đây sẽ là những kỷ niệm khó quên, chỉ có hình thức mới này mới tạo cơ hội để đem lại những kỷ niệm đó giữa thầy và sinh viên của lớp.

ThS Trịnh Quang Dũng giới thiệu về hình thức đổi mới đánh giá kết thúc học phần và các kỹ năng sinh viên sẽ đạt được

ThS Trịnh Quang Dũng giới thiệu về hình thức đổi mới đánh giá kết thúc học phần và các kỹ năng sinh viên sẽ đạt được

Buổi đánh giá, nhanh chóng được diễn ra. Tuy nhiên, do trục trặc về máy móc, nên gây ra những khó khăn cho cả thầy và trò. Mặc dầu vậy, những khó khăn nhanh chóng được khắc phục, các nhóm lại tích cực thực hiện bài thuyết trình của mình.

Vì là lần đầu thuyết trình các nhóm sinh viên còn bỡ ngỡ, còn thiếu chút tự tin, song các bạn đã thể hiện sự cố gắng hết sức, sự nhiệt tình làm cho các thầy/ cô ngồi tham dự cũng thấy được sự thu hút từ các nhóm.

Mỗi một nhóm là một đề tài khác nhau nên tạo được sức hút khác nhau cho các thầy cô và các bạn trong lớp, nhiều đề tài đã tạo được ấn tượng mạnh. Nhiều cách cách trình bày sáng tạo đã làm cho bài thuyết trình trở nên hấp dẫn hơn. Đặc biệt, bạn Phạm Thị Trinh, đại diện cho nhóm 5 thuyết trình đề tài “Nhận thức về đạo đức nghề nghiệp của sinh viên Đại học Công nghệ Đồng Nai” đã để lại nhiều cảm xúc cho thầy/ cô và các bạn trong lớp. Bạn có liên hệ đến câu chuyện về lương tâm của một người sinh viên sau khi ra trường đi xin việc, về sự hi sinh của cha mẹ cho sự nghiệp của bản thân. Qua câu chuyện đã làm cho các thầy/cô và các bạn xúc động, và cũng làm cho mỗi người tự ngẫm nghĩ lại về những gì mình đã và đang làm vì gia đình, vì cha mẹ, đấng sinh thành của mỗi người.

Bạn Phan Thị Tuyết Trinh thuyết trình đề tài nhóm

Bạn Phan Thị Tuyết Trinh thuyết trình đề tài nhóm

Lần lượt 5 nhóm còn lại thuyết trình các đề tài của mình “Văn hóa ứng xử của sinh viên Đại học Công nghệ Đồng Nai”; “Hình thành nhận thức chấp hành pháp luật cho sinh viên Đại học Công nghệ Đồng Nai”; “Xây dựng lý tưởng sống cho sinh viên Đại học Công nghệ Đồng Nai”… đã tạo ra sự thu hút cho các bạn trong lớp và các thầy/ cô tham dự.

Bạn Nguyễn Công Huấn thực hiện nhiệm vụ của mình

Bạn Nguyễn Công Huấn thực hiện nhiệm vụ của mình

Trong buổi bảo vệ, cả thầy và sinh viên của lớp còn được sự chú ý, khích lệ, động viên rất kịp thời của Thạc sĩ Lê Nguyễn Trung Thiện – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng. Thầy đã khuyến khích tinh thần của sinh viên, chia sẻ với những khó khăn và vướng mắc của lớp. Những lời động viên của thầy Lê Nguyễn Trung Thiện thực sự đã tạo động lực rất lớn cho cả thầy bộ môn và cả sinh viên, tạo nên khí thế phấn khởi tràn ngập trong căn phòng giảng đường 1.
Kết thúc buổi thảo luận, thầy Vũ Anh Tuấn - Trưởng khoa Khoa học cơ bản chia sẻ với lớp những câu chuyện liên quan đến các đề tài thầy tâm đắc. Thầy Dũng tổng kết buổi đánh giá. Mặc dù đã đến 12 giờ 30 phút trưa nhưng trên khuôn mặt của cả thầy và trò đều toát lên sự vui mừng, hạnh phúc và tràn đầy tự hào về những gì thầy, trò đã làm được.  
Sau buổi kết thúc, dư âm trong lòng cả thầy và trò lớp 14DMT1 đều có những ấn tượng rất tốt đẹp, chứng tỏ hình thức thi mới của khoa Khoa học cơ bản đã được sinh viên ủng hộ nhiệt tình, và mở ra những cơ hội cho sự đổi mới của bộ môn nói riêng và nhà trường nói chung. Dù còn có những hạn chế, song đây chắc chắn là những kỷ niệm rất đáng có của thầy và các nhóm khi rời khỏi ghế giảng đường Đại học. Hy vọng trong thời gian tới, sẽ có nhiều hình thức hoạt động đổi mới này để cho sinh viên có thể có được nhiều kỹ năng hơn nữa, đặc biệt, tạo nên một môi trường học tập chuyên nghiệp và cũng đầy năng lượng đổi mới .

Trịnh Quang Dũng

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai