Khoa Thực Phẩm - Môi Trường - Điều Dưỡng tổ chức Hội thảo: Áp dụng chương trình 5S trong phòng thí nghiệm
Sáng ngày 20/5/2017, tại hội trường Trung tâm tích hợp nhà G, khoa Thực Phẩm- Môi Trường - Điều Dưỡng đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Áp dụng chương trình 5S trong phòng thí nghiệm”.
Đây là hội thảo thường niên của Khoa nhằm không chỉ giúp giảng viên, sinh viên có nền tảng cơ bản để thực hiện các hệ thống quản lý chất lượng, mà còn đề cao quan điểm, hướng mọi người tới nhận thức: nếu làm việc trong một môi trường gọn gàng, khoa học, lành mạnh, sạch đẹp, thoáng đãng, tiện lợi,… thì tinh thần sẽ thoải mái hơn, năng suất và hiệu quả của việc giảng dạy cũng như học tập nghiên cứu sẽ đạt kết quả cao hơn. mục tiêu của Khoa trong những năm qua, đó là ngoài việc trang bị cho sinh viên có kiến thức chuyên ngành tốt, còn chú trọng đến công tác giáo dục ý thức bảo vệ môi trường nơi học tập và nghiên cứu.
Trưởng khoa TS. Trần Thanh Đại phát biểu tại hội thảo
Giảng viên và sinh viên Khoa Thực phẩm - Môi trường - Điều dưỡng cùng tham dự hội thảo
Buổi hội thảo xoay quanh các nội dung: Tổng quan về 5S, tổ chức thực hiện 5S và các thực hành 5S, do chuyên gia ThS.Trần Cẩm Thúy - GV trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chủ trì. ThS.Thúy cho biết: cô là người triển khai chương trình 5S tại trường Đại học Công nghiệp TP.HCM và tại nhiều công ty, đơn vị, doanh nghiệp khác và hiệu quả của việc áp dụng 5S này rất khả quan.
5S là chữ cái đầu của các từ tiếng Nhật “SEIRI”, “SEITON”, “SEISO”, SEIKETSU” và “SHITSUKE”, tạm dịch sang tiếng Việt là “SÀNG LỌC”, “SẮP XẾP”, “SẠCH SẼ”, “SĂN SÓC”, “SẴN SÀNG”. Từ ý nghĩa đó, các nguyên tắc chung của thực hành 5S được hiểu như sau:
- SEIRI (Sàng lọc): là sàng lọc những vật dụng không cần thiết tại nơi làm việc và loại bỏ chúng.
- SEITON (Sắp xếp): Sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, theo một trật tự nhất định, tiện lợi khi sử dụng.
- SEISO (Sạch sẽ): là vệ sinh tại nơi làm việc sao cho không còn rác hay bụi bẩn (kể cả trên nền nhà, máy móc và thiết bị).
- SEIKETSU (Săn sóc): là luôn săn sóc, giữ gìn nơi làm việc luôn sạch sẽ, thuận tiện và có năng suất bằng cách liên tục thực hiện Seiri, Seiton, Seiso.
- SHITSUKE (Sẵn sàng): Tạo thành một nề nếp, thói quen tự giác làm việc tốt, duy trì môi trường làm việc thuận
Chuyên gia ThS. Trần Cẩm Thúy phân tích cách tổ chức thực hiện 5S tại hội thảo
ThS.Trần Cẩm Thúy cũng nhấn mạnh: Từ văn phòng, nhà kho cho đến công trường xây dựng, trường học, xưởng thực hành, phòng thí nghiệm hay nhà xưởng công nghiệp hoặc nông nghiệp… nơi nào có hoạt động, thì nơi đó cần sắp xếp, cần phân loại, cần sạch sẽ. Không có hoạt động 5S thì không thể bàn đến việc quản lý và cải tiến. 5S ngăn chặn sự xuống cấp của nhà xưởng, tạo sự thông thoáng cho nơi làm việc, đỡ mất thời gian cho việc tìm kiếm vật tư, hồ sơ, cũng như tránh sự nhầm lẫn. Người làm việc cảm thấy thoải mái, làm việc có năng suất cao và tránh được sai sót. Các thiết bị sản xuất hoạt động trong môi trường phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng an toàn. 5S là quá trình liên tục, lâu dài nên không thể nói là “thực hiện xong”, nhưng qua quá trình thực hiện sẽ thu được một số kết quả như sau:
- Tạo được vệ sinh, ngăn nắp tại nơi làm việc, tiết kiệm thời gian trước kia phải tìm kiếm, chất lượng công việc tăng.
- Tâm lý người làm việc, cũng như học tập và nghiên cứu thoải mái trong môi trường làm việc thuận lợi, sạch sẽ.
- Những vật dụng thừa được loại bỏ.
- Mặt bằng nơi làm việc, phòng học, phòng thí nghiệm được hợp lý hoá, giải quyết được nhu cầu xuất nhập.
- Người dạy, người học có ý thức hơn khi thực hiện công việc.
ThS.Trần Cẩm Thúy cũng dành nhiều thời gian của buổi hội thảo để giải đáp các câu hỏi của giảng viên, sinh viên của trường. Nhiều vấn đề cũng đã mọi người nêu ra và phân tích, “mổ xẻ” để tìm ra những giải pháp phù hợp.
Giảng viên Phan Thị Phương Thảo đặt câu hỏi thảo luận
Trần Thị Hà - Giảng viên Khoa Môi irường, Thực phẩm, Điều dưỡng