Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Khoa Điện - Điện tử - Cơ khí & Xây dựng nỗ lực đổi mới phương pháp đào tạo

Với mong muốn tạo ra không khí sôi nổi hơn trong học tập, đáp ứng yêu cầu “Đưa trí lực đến với những công trình bền vững” của trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, sáng ngày 30/3/2017, Khoa Điện - Điện tử - Cơ khí & Xây dựng đã triển khai tuần học thực tế về môn “Công nhân xây dựng” do TS. Lưu Hồng Quân – Trưởng khoa - phụ trách.

Khoa Điện - Điện tử - Cơ khí & Xây dựng là một trong những Khoa được ra đời ngay từ những ngày đầu, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai được nâng cấp lên bậc đào tạo đại học (năm 2011). Trải qua chặng đường xây dựng và phát triển, Khoa Điện - Điện tử - Cơ khí & Xây dựng với quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, liên tục phấn đấu vươn lên, đạt được những kết quả rất đáng khích lệ trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khoa đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý, xây dựng đội ngũ và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của xã hội. “Tìm tòi nghiên cứu, tích cực học hỏi, không ngừng sáng tạo, lấy chất lượng đào tạo làm tiêu chí hàng đầu”, luôn là phương châm của Khoa Điện - Điện tử - Cơ khí & Xây dựng nói riêng và nhà trường nói chung. Hiện Khoa là một trong những đơn vị phát triển nhanh chóng về quy mô và đạt chất lượng cao trong giảng dạy và học tập của Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai.

Để thực hiện mục tiêu đào tạo, một trong những quan tâm hàng đầu của Khoa qua các thời kỳ là chương trình đào tạo, coi đây là một yếu tố quyết định đến chất lượng đầu ra. Chương trình đào tạo của Khoa được thiết kế theo học chế tín chỉ và được hiệu chỉnh hàng năm để đảm bảo bám sát với tiến độ thực tế xây dựng. Điểm nổi bật của chương trình đào tạo là các môn học thực hành bám sát thực tế sản xuất và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyên môn được tăng cường tối đa. xuyên suốt chương trình đào tạo, sinh viên được tham gia lao động thực tế tại công trường. Các bạn có cơ hội được làm việc ở nhiều vị trí, từ một công nhân, tiến dần để trở thành cán bộ kỹ thuật. Nhờ vậy, họ có thể đáp ứng với công việc thực tế ngay khi ra trường. 

Theo kế hoạch dự kiến, môn học thực tế này sẽ học trong 8 tuần. Đây là tuần đầu tiên mà các bạn sinh viên lớp 13DXD1 và 15DXD1 tỏ ra vô cùng hào hứng. Tin rằng, những tiết học thực hành thế này không chỉ tạo hứng khởi cho các bạn sinh viên, mà còn giúp họ có thể tìm tòi, học hỏi, hoàn thiện kiến thức môn học dưới sự hướng dẫn của các giảng viên. Đây chính là điểm mạnh của phương pháp dạy học theo hướng tích cực CDIO của trường.

Ngô Tuyết Lan (Phòng Truyền thông)

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai