Hội thảo “Xây dựng video bài giảng tại trường quay DNTU”
Chiều ngày 13/03 tại Hội trường Trung tâm Tích hợp, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã tổ chức buổi hội thảo với chủ đề “Xây dựng video bài giảng phục vụ giảng dạy E-learning” cho toàn bộ Giáo viên TH-THCS Nguyễn Khuyến và Giảng viên DNTU. Đây là buổi hội thảo “đặc biệt” nhất vì BGH, giảng viên Nhà trường đều đeo khẩu trang và lựa chọn chỗ ngồi cách xa nhau để đảm bảo an toàn sức khỏe trong thời gian này.
Người tham dự hội thảo phải thực hiện quy trình sát khuẩn trước khi vào Hội trường.
Các Giảng viên, Giáo viên đều đeo khẩu trang khi tham dự hội thảo để đảm bảo an toàn sức khỏe
Tham gia buổi hội thảo có sự tham dự của TS. Phan Ngọc Sơn – Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, TS. Đoàn Mạnh Quỳnh – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai, TS. Phạm Đình Sắc - Phó Hiệu trưởng, TS. Trần Đức Thuận – Phó Hiệu trưởng, cô Lê Thị Lan – Hiệu trưởng trường TH - THCS Nguyễn Khuyến, Thầy Vũ Bình Phương Châu – Phó Hiệu trưởng trường TH – THCS Nguyễn Khuyến cùng toàn thể Giảng viên trường Đại học Công nghệ Đồng Nai và Giáo viên TH-THCS Nguyễn Khuyến.
TS. Đoàn Mạnh Quỳnh – Hiệu trưởng DNTU phát biểu mở đầu tại Hội thảo.
Mở đầu cho buổi hội thảo, TS. Đoàn Mạnh Quỳnh – Hiệu trưởng DNTU phát biểu trước toàn thể Giảng viên và Giáo viên: “Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid -19 hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có công văn chính thức gửi về cho các Sở về việc xem xét, nghiên cứu và triển khai đào tạo E-learning, vận dụng Internet và thậm chí là cả đài truyền hình để triển khai hoạt động đào tạo tại địa phương sao cho phù hợp với tình hình thực tế và cụ thể với từng địa phương. Trong đó, các kiến thức được đào tạo trong E-learning có thể sẽ được xem xét để kế thừa, để công nhận khối lượng kiến thức có chất lượng đó trong hoạt động sau này của bậc THPT, THCS và kể cả Tiểu học thông qua đánh giá kiểm định chất lượng. Nói như thế có nghĩa là , đào tạo ứng dụng E-learning, đào tạo online là xu hướng tất yếu của giáo dục hiện đại ngày nay. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã triển khai hình thức này cách đây hai năm chứ không phải thời gian này". với mục đích của buổi hội thảo là chia sẻ kinh nghiệm cho Giáo viên THCS Nguyễn Khuyến học tập và triển khai mô hình giảng dạy mới này để ngoài kỹ năng soạn giảng thông thường ra người giáo viên cần có kỹ năng xây dựng bài giảng điện tử và khai thác những dịch vụ truyền thông để ứng dụng vào công việc giảng dạy.
Một số Giảng viên tiêu biểu tại DNTU đã có buổi trò chuyện cùng tất cả mọi người tại Hội trường. Chia sẻ kinh nghiệm về việc ghi hình bài giảng, Cô Phạm Thị Lĩnh – Giảng viên Khoa Kế toán – Tài chính trình bày bài tham luận “Làm thế nào để xây dựng được video bài giảng đơn giản nhưng hiệu quả?” một cách sinh động và cụ thể bằng cách minh họa những đoạn clip ngắn về bài giảng của cô. Đồng thời cô cũng chia sẻ với quý thầy cô quay bài giảng cần chuẩn bị một slide bài giảng chu đáo, một kịch bản cụ thể giúp cho quá trình quay được thuận lợi, hạn chế sự lúng túng, bối rối vì quên mất nội dung đã chuẩn bị. Trang điểm cũng là một yếu tố không thể bỏ qua vì sự chỉn chu về gương mặt, ngoại hình, ánh mắt, nụ cười và cử chỉ tay khi quay một bài giảng là rất quan trọng. Sau khi ghi hình xong, Giảng viên có thể xem lại bài giảng của mình và tự rút ra cho mình những sai sót để có thể làm tốt hơn. Cô Phạm Thị Lĩnh là một trong những giảng viên tích cực tham gia quay rất nhiều các video bài giảng. Tính đến nay cô đã có 10 video, trong đó 7 video đã được công bố và đưa vào giảng dạy chính thức.
Cô Phạm Thị Lĩnh – Giảng viên Khoa Kế toán - Tài chính
Khác với cô Phạm Thị Lĩnh, Thầy Lê Phan Quang Huy có một cách chia sẻ chi tiết cùng các đồng nghiệp của mình. Thầy khuyến khích mọi người nên luyện tập giảng thử tại nhà, hiệu chỉnh bài giảng và nên lựa chọn các học phần thế mạnh để bản thân cảm thấy tự tin hơn trước khi đến quay tại DNTU Studio. Thầy có cách chia sẻ rất chi tiết, khiến cả hội trường đều phải bật cười với câu nói: “Có 2 lần thầy phải đứng ghi hình đó là quay hình cưới và đây là lần thứ hai trong đời”. Tuy nhiên sau đó thầy đã ổn định được tâm lý vì có sự hỗ trợ nhiệt tình đến từ các chuyên viên kĩ thuật phòng Truyền thông. Vì vậy cần giữ được tâm trạng tốt và biết điều chỉnh cảm xúc, nếu căng thẳng có thể dừng lại để hít thở sâu và quay lại tiếp sau đó.
Thầy Lê Phan Quang Huy thu hút người nghe bằng sự hài hước của mình.
Cô Huỳnh Như Yến Nhi – Phó trưởng khoa Ngoại ngữ lại chia sẻ: để chuẩn bị một bài giảng hay hãy dùng những điểm mạnh của mỗi người để tạo nên một bài giảng tâm đắc và chất lượng nhất để bài giảng không nhàm chán, khiến sinh viên yêu thích và cảm thấy hào hứng khi học. Trong quá trình giảng bài, hãy đặt câu hỏi cho sinh viên giúp kích thích sự suy nghĩ, vận động não bộ và thông qua bài giảng hãy lồng ghép việc giao bài tập để tránh việc sinh viên bỏ qua bài giảng vì sợ khô khan, buồn ngủ.
Cô Huỳnh Như Yến Nhi lại có cách chia sẻ vô cùng đơn giản, dễ hiểu.
Cô Lê Thị Lan – Hiệu trưởng Trường TH – THCS Nguyễn Khuyến gửi lời cảm ơn đến những chia sẻ của Quý thầy cô DNTU
Mỗi Giảng viên DNTU có mỗi cách truyền đạt, chia sẻ trải nghiệm thực tế đến những người đồng nghiệp của mình theo một cách đặc biết khác nhau. Song, tất cả tạo ra những kinh nghiệm quý báu được chọn lọc một cách cô đọng và chất lượng nhất. Như TS. Phan Ngọc Sơn nói: “một người quay bài giảng E-learning chính là người hội tủ 5 yếu tố đặc biệt của một nhà biên kịch, một đạo diễn, một MC, một ca sĩ và một diễn viên”. Hy vọng thông qua buổi hội thảo, Giáo viên hệ thống Trường TH-THCS Nguyễn Khuyến có thể triển khai hiệu quả và thành công tốt đẹp mô hình giảng dạy E-learning này.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
CTV Truyền thông – Ngọc Bích