Hội thảo “Ứng dụng công nghệ vision và collaborative robots vào dây chuyền sản xuất”.
Hiện nay, tất cả các công ty sản xuất đều đang thay đổi để ứng dụng tự động hóa dây chuyền, công đoạn sản xuất nhằm nâng cao sản lượng và doanh thu. Một trong những xu hướng công nghệ đang được rất nhiều công ty lớn đến đó là việc sử dụng mô hình “rô bốt cộng tác”, đây là một trong những công nghệ dự kiến sẽ được sử dụng rộng rãi tại thời kỳ cách mạng công nghiệp 5.0. Đón đầu xu hướng công nghệ đó, ngày 07/4 vừa qua, Khoa Điện, Điện tử, cơ khí & Xây dựng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) đã tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ vision và collaborative robots vào dây chuyền sản xuất” dưới sự hỗ trợ của công ty CP Tự động hóa Tân Phát.
Đại diện công ty CP Tự động hóa Tân Phát cùng giảng viên và sinh viên Khoa Điện, Điện tử, Cơ khí & Xây dựng có mặt tại buổi hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS.Phan Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Nhà trường đã chỉ rõ cho sinh viên thấy tầm quan trọng của việc học, đặc biệt trong thời đại rô bốt đang dần lấy đi những vị trí lao động, thì con người lại phải càng học để củng cố vai trò, vị trí của mình trong các công ty xí nghiệp. TS. Phan Ngọc Sơn phân tích: với ưu điểm có thể làm việc 24/24, không nghỉ lễ, không chế độ... rô bốt đang là một trong những lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp. Vì thế sinh viên phải liên tục cập nhật các công nghệ mới và trao đổi kỹ năng, để đáp ứng công việc ngay sau khi rời ghế nhà trường.
TS. Phan Ngọc Sơn chia sẻ về vai trò của rô bốt trong tương lai
Tiếp tục chương trình, đại diện công ty CP Tự động hóa Tân Phát đã chia sẻ ứng dụng công nghệ VISION và COBOTS trong nghiên cứ và đào tạo. Tại buổi hội thảo công ty CP Tự động hóa Tân Phát đã mang đến 02 mẫu sản phẩm UNIVERSAL ROBOTS với mẫu UR 3 và UR5. Với tính năng ưu việt các mẫu rô bốt UR tỏ ra cực kỳ linh hoạt từ việc cài đặt, lắp ráp, lập trình cho đến đáp ứng hơn 15 tiêu chuẩn an toàn quốc tế khi làm việc cộng tác với con người.
Các mẫu UR 3 và UR 5 được giới thiệu tại hội thảo
Với mong muốn "Tự động hóa tất cả mọi quy trình" các thế hệ rô bốt cộng tác đang chiếm dần vị trí so với các rô rốt công nghiệp. Tuy giá thành có đắt hơn 20% chi phí ban đầu, nhưng nhà đầu tư lại thu được rất nhiều lợi nhuận về lâu dài như: chi phí điện năng, chi phí bảo trì, không gian và hành lang an toàn... sự hợp tác giữa rô bốt và con người đã làm tăng 85% năng suất lao động so với làm việc riêng biệt.
Chuyên gia của công ty Tự động Hóa Tân Phát giới thiệu về lập trình cho UR
Sinh viên Khoa Điện, Điện tử, Cơ khí & Xây dựng rất hào hứng khi được tìm hiểu và học tập về công nghệ của rô bốt UR
Phần cuối của buổi hội thảo, giảng viên và sinh viên đã tận tay lập trình và điều khiển các rô bốt UR dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Đây là một trong những trải nghiệm ấn tượng khi được thực hành trên những rô bốt hàng chục ngàn USD.
Sinh viên và giảng viên cùng trải nghiệm thực tế lập trình và sử dụng Rô bốt UR
Kết thúc buổi hội thảo TS. Lưu Hồng Quân - Trưởng Khoa Điện, Điện tử, Cơ khí & Xây dựng đã cảm ơn công ty Tân Phát đã hỗ trợ buổi hội thảo, chắc chắn rằng trong thời gian tới Nhà trường và đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động để cung cấp những công nghệ mới nhất đến sinh viên Nhà trường.
TS.Lưu Hồng Quân phát biểu tại hội thảo
Tuấn Anh - Phòng Truyền thông