Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Hiểu ngôn ngữ - cánh cửa bước vào thế giới tri thức

Có rất nhiều người suy nghĩ rằng, thế giới khoa học, tri thức rất bao la rộng lớn, khó có thể nào nắm hết cho được, hoặc cũng có những người cho rằng thế giới ấy rất khó bước vào, khó có thể tìm thấy điểm xuất phát, khó tìm ra cánh cửa bước vào và chiếm lĩnh tri thức khoa học ấy. Chính vì suy nghĩ như vậy, nên trong quá trình học tập và nghiên cứu của nhiều sinh viên đã bỏ lỡ rất nhiều những cơ hội để nâng cao trình độ bản thân, tuy nhiên, cánh cửa bước vào khoa học, bước vào tri thức lại có thể có được bằng những con đường rất đơn giản, và ai cũng có thể tự làm chủ tri thức khoa học của bản thân. Tất cả điều ấy lại chỉ nằm ở việc bạn  cảm nhận hiểu ngôn ngữ đến đâu?

Nghe có vẻ hơi hoang đường, tại sao hiểu ngôn ngữ lại là cánh cửa bước vào thế giới tri thức? Những ngôn ngữ hàng ngày ta vẫn thường dùng thì sao có thể nền tảng của khoa học được? Điều ấy là có thể, hiểu ngôn ngữ đến đâu thì nhận thức của ta đến đó. trung tâm cần tuyển càng có sự hiểu biết sâu rộng về ngôn từ, bạn có thể nắm bắt được càng nhiều các tri thức khoa học. 
Ngôn ngữ của mỗi dân tộc là khác nhau, nhưng về bản chất ngôn ngữ là cách thức, con đường thể hiện sự tư duy. Ngôn ngữ, đặc biệt là các khái niệm là sự quy ước của con người với thế giới. Ngôn ngữ có bao gồm 2 yếu tố: hình thức ngôn ngữ và nội dung ngôn ngữ. Nội dung là bản chất của sự vật mà ngôn ngữ thể hiện, còn hình thức là những từ ngữ mà con người sử dụng. Cho nên, khi tư duy chúng ta cần làm rõ phải tìm hiểu và nắm bắt được những khía cạnh đó.

Cái hạn chế lớn nhất của nhiều người là: sử dụng không đúng các khái niệm, hiểu không đúng bản chất của khái niệm được sử dụng. Người ta hay bị nhầm lẫn các khái niệm, hoặc lại chỉ ra một khía cạnh nhỏ của khái niệm, cho nên dễ đánh tráo khái niệm. Chính điều này làm cho chúng ta hiểu sai về ngôn từ, hiểu sai về ngôn từ sẽ làm cho quá trình nhận thức sai lệch. 
Trong quá trình học tập của các bạn sinh viên cũng vậy, việc đầu tiên phải tìm hiểu cho bằng được các khái niệm của môn học, của vấn đề tư duy. Phải tìm và giải thích rõ ràng khái niệm nền tảng của khoa học ấy. Điều ấy phải bằng nhiều cách: đọc sách, thông tin trên internet, từ điển, từ giảng viên, từ sự suy luận và trao đổi của bản thân. Phải hiểu cho đúng khái niệm nền tảng đó, rồi mới có thể tiến đến những sự hiểu biết tiếp theo. Hãy nhớ, biết về khái niệm mới là cái “gốc” của khoa học. 

Nhiều bạn sinh viên hay mắc phải lỗi “tưởng như biết khái niệm đấy, nhưng chỉ biết từ ngữ mà không hiểu cho hết được nội dung biểu đạt trong nó”. Dẫn đến tình trạng học mà học cái ngọn, mà không chắc cái gốc của vấn đề. Ngược lại, nếu các bạn biết về cái gốc vấn đề thì mọi quá trình tư duy khác các bạn đều có thể chiếm lĩnh và tự tin được với nó.
Chính vì vậy, việc nắm bắt chính xác các khái niệm là cánh cửa để các bạn sinh viên bước vào mọi lĩnh vực của khoa học. Có cái nền tảng đó, các bạn hoàn toàn tự chủ được việc học, hứng thú với việc tìm hiểu sâu sắc các vấn đề. Mà hiểu sâu sắc các vấn đề, tương lai mới có thể tươi sáng, tự tin vào bản thân, làm nền tảng của mọi sự sáng tạo của bản thân các bạn. 

Vậy, cánh cửa bước vào khoa học không hề khó, mà lại là những yếu tố rất gần với chúng ta. Hãy suy nghĩ, hãy tìm hiểu các khái niệm một cách cẩn thận, các bạn sẽ thấy mọi thứ đều không khó như các bạn nghĩ. Hãy mở rộng tấm lòng, sự hiểu biết, sự kiên trì và sự hứng thú với các khái niệm, các bạn sẽ tìm thấy những điều tuyệt vời nhất trong đó./.

Trịnh Quang Dũng - Giảng viên Khoa Khoa học Cơ bản

 

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai