Dục Thanh - Nơi Bác dừng chân dạy học
Chuyến xe đồng hành cùng sinh viên ngành Quản trị du lịch đi Phan Thiết - Mũi Né đưa chúng tôi về thăm trường Dục Thanh, nơi đây đã ghi lại một phần đời của vị lãnh tụ lỗi lạc Hồ Chí Minh. Nằm bên con sông Cà Ty xinh đẹp là một ngôi trường nhỏ nhắn, đơn sơ, giản dị với hàng rào bằng gỗ bao quanh trường xen lẫn giữa hàng cây xanh được chăm chút cẩn thận, xung quanh trường cây trái xanh tươi che bóng mát giữa cái nắng chói chang của thành phố biển.
“Dục Thanh Học hiệu” là chữ viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước một thời, cụ Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (hai người con của nhà văn - thơ yêu nước Nguyễn Thông) sáng lập vào năm 1907 với mục tiêu mở mang dân trí, thức dậy ý thức giống nòi, dân tộc để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Dục Thanh là nơi chàng thanh niên trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành xưa kia đã dừng chân dạy học trong quá trình ra đi tìm đường cứu nước.
Bước vào tuổi 20, Nguyễn Tất Thành quyết định thôi học và ý thức ra đi tìm đường cứu nước, ngoài học hỏi để giúp dân cứu nước đã chớm hình thành ở Người. Bác tìm đường vào Nam, năm 1909 trên đường đi, Bác tìm tới nhà yêu nước Trương Gia Mô ở Bình Thuận, người vừa được ra khỏi nhà tù thực dân Pháp. Cụ Trương Gia Mô giới thiệu Nguyễn Tất Thành với Nguyễn Quý Anh, con trai nhà yêu nước nổi tiếng Nguyễn Thông lúc đó đang làm Hiệu trưởng trường tiểu học Dục Thanh. Số phận và con đường cách mạng buổi bình minh của cuộc đời đi tìm đường cứu nước đã đưa Người đến với ngôi trường nhỏ Dục Thanh của thành phố Phan Thiết xinh đẹp này.
Năm 1910 Nguyễn Tất Thành trở thành thầy giáo trẻ nhất, tại nơi này Người đã nhận dạy Quốc Văn, Hán văn, ngoài ra Người còn nhận dạy tiếng Pháp khi giáo viên Pháp văn vắng mặt. Nhưng trên chặng đường dài dừng chân dạy học ở đây Người đã biết kết hợp với việc dạy chữ và việc học làm người thông qua các hình thức như dạy thể dục, đưa học sinh đi tham quan thắng cảnh. Để từ đó đưa thanh thiếu niên thâm nhập cuộc sống của nhân dân hiểu được địa thế cũng như hoàn cảnh đất nước. Lúc bấy giờ trường có khoảng 4 lớp với 100 học sinh đa số nam đông hơn nữ.
Nếu như về thăm quê Bác ta bắt gặp mái nhà gianh đơn sơ mộc mạc nơi xứ Nghệ, hay đến với nhà sàn của Bác giản dị với với vườn cây ao cá nằm giữa thủ đô Hà Nội hoa lệ. Đến với Phan thiết là nét bình dị bên dòng Cà Ty có một trường học Dục Thanh nơi Bác đã dạy ta lại cảm nhận nét gần gũi thân quen rất dân dã của một trường học xưa với tán xoài cổ thụ và kiến trúc khá đơn sơ có diện tích 120 m2 nối liền thảo bạc nhà thờ cụ Nguyễn Thông. Ngôi nhà có mái lợp ngói âm dương không có tường xây chỉ có những song gỗ xếp chéo hình thoi.
Tôi thích ngắm nhìn kiến trúc cổ kính của trường như bức tranh thủy mặc phong cảnh hữu tình. Sân trường rộng rãi có cây cổ thụ to, đối diện lớp học có bể non bộ với những đài sen xinh xắn, có bức bình phong, cổng trường nhìn ra con sông Cà Ty hiền hòa thơ mộng.
Bước qua cổng gỗ vào trường ta sẽ gặp ngay gian nhà lớn phía trước với những bộ bàn ghế gỗ ngăn nắp vốn là nơi diễn ra hoạt động dạy học của thầy trò trường Dục Thanh. Đặc biệt phòng học được chia làm hai lớp không có vách ngăn, một bên dạy chữ và một bên để học vẽ.
Bên phải gian nhà chính là Nhà Ngư được xây dựng năm 1906 và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của học sinh.
Trong khu trường Dục Thanh còn giữ lại được gần như nguyên vẹn những kỷ vật như cách đây gần ngót thế kỷ, nhà Ngư, nơi các thầy giáo và học trò ăn ở nội trú trong đó có thầy Nguyễn Tất Thành, Ngọa Du Sào, nơi Bác Hồ từng đọc nhiều sách quý, báo chí tiến bộ.
Nằm cạnh gian nhà xen giữa khu vườn là giếng nước nhỏ trong vắt mà ngày ngày Bác vẫn dùng để sinh hoạt và tưới nước cho vườn cây trong trường Dục Thanh vào những buổi chiều.
Ở dãy phía sau, Ngọa du sào là ngôi nhà được xây dựng vào năm 1880 của cụ Nguyễn Thông. Vào những năm cuối đời, cụ Nguyễn Thông ở căn nhà này ngâm thơ, bình văn và luận bàn công việc với các sĩ phu yêu nước.
Năm 1911, thầy Thành rời trường Dục Thanh - Phan Thiết vào Sài Gòn vượt đại dương đi tìm con đường giải phóng dân tộc. Một vài năm sau ông Nguyễn Trọng Lội qua đời, ông Nguyễn Quý Anh chuyển vào Sài Gòn, không còn người phụ trách và nhiều lí do khách quan nên trường đóng cửa vào năm 1912.
Ngôi trường xưa Bác dạy vốn đã bị hư hỏng nhiều, nhưng trong số học sinh thầy Thành dạy năm xưa vẫn còn 4 cụ còn sống, đó là bác sĩ Nguyễn Quý Thầu, bác sĩ Nguyễn Kim Chi, cụ Từ Trường Phùng, cụ Nguyễn Đăng Lâu. Sau ngày quê hương được giải phóng, nguyện vọng của nhân dân là muốn phục chế lại ngôi trường Dục Thanh xưa để tỏ lòng biết ơn Bác Hồ kính yêu và giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nhờ những ký ức, kỷ niệm của các cụ, vị trí ngôi trường và những thành phần kiến trúc nội, ngoại thất được hình thành qua các bản vẽ và được dựng lại từ những năm 1978-1980.
Ngày nay nơi đây có một quần thể bao gồm nhà Bảo tàng nằm sát bên sông Cà Ty, di tích trường Dục Thanh tạo thành một khu tham quan học tập rộng 7.000m2. Tại đây hiện có trên 890 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị cuộc đời hoạt động thời trẻ tuổi của Bác và tưởng niệm một con người đã trở thành danh nhân văn hóa thế giới.
Giờ đây Dục Thanh đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng, là niềm tự hào của người dân Phan Thiết, hình ảnh người thầy giáo luôn hết lòng vì đàn em thân yêu, một người dân tộc anh hùng vô cùng gần gũi của nhân dân Việt Nam.Rời trường Dục Thanh xe chúng tôi tiếp tục hành trình về Mũi Né!