Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Đồng hành cùng doanh nghiệp vì mục tiêu việc làm cho người ra trường – DNTU hân hoan chào đón quyền tuyển sinh tự chủ

Trước thông tin năm học mới 2017, bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ bỏ điểm sàn chuẩn đầu vào và không hạn chế số lượng nguyện vọng để trao quyền cho các trường Đại học tự quyết định tuyển sinh, đào tạo, rất nhiều trường vô cùng lo lắng vì đã đến lúc bước vào trận chiến thực sự. Thí sinh sẽ chọn trường nào để học? Đã đến lúc người học sẽ không bỏ thời gian và tiền bạc để ôm những tấm bằng mà doanh nghiệp quay lưng, không có việc làm. Với lợi thế của một trường công nghệ nằm giữa trung tâm công nghiệp sát bên cạnh TP Hồ Chí Minh nhưng chi phí sinh hoạt và đào tạo thấp, đặc biệt là luôn có sự đồng hành của doanh nghiệp từ hỗ trợ việc làm khi còn đang học đến kết hợp giảng dạy, đảm bảo công việc lâu dài, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) luôn tự hào vì trên 90% sinh viên ra trường có việc làm. Và đó là cơ sở của sự phát triển bền vững, càng thêm cơ hội phát triển khi được quyền tuyển sinh tự chủ.

Tiếp tục tinh thần đổi mới: đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp, vào lúc 8h ngày 20/12/2016 tại phòng họp 1 đã diễn ra buổi tọa đàm đánh giá cải tiến chương trình đào tạo ngành công nghệ kỹ thuật ô tô trình độ đại học do khoa Điện - Điện tử - Cơ khí và Xây dựng cùng phòng Quan hệ doanh nghiệp và Đào tạo kỹ năng tổ chức. TS Trần Đức Thuận – Phó Hiệu trưởng chủ trì buổi tọa đàm.

Dự buổi tọa đàm về phía nhà trường có TS Trần Đức Thuận – Phó hiệu trưởng; ThS Lưu Hồng Quân – Trưởng khoa khoa Điện - Điện tử Cơ khí và Xây dựng; ThS Nguyễn Đình Thuật - Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp và Đào tạo kỹ năng cùng rất nhiều cán bộ - giảng viên của khoa và ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Về phía các doanh nghiệp có Ông Nguyễn Đình Hùng - P Giám đốc Công ty Đô Thành; Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Chuyên viên đào tạo; Ông Trần Thanh Phương - Phó Giám đốc dịch vụ Công ty Hyundai Ngọc Phát; Ông Vũ Ngọc Hải - Cố vấn dịch vụ Công ty TNHH Ô tô Việt Nhật; Ông Huỳnh Quang Duy Khôi - Trợ lý giám đốc. Đây là những doanh nghiệp chuyên về lắp ráp, sửa chữa Ô tô có uy tín trên địa bàn và khu vực. 

Mở đầu buổi tọa đàm, TS Trần Đức Thuận bày tỏ quan điểm của nhà trường về việc tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp tại địa phương để tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo. Ông mong muốn các doanh nghiệp góp ý thật cụ thể, chân tình về chất lượng đào tạo khi tiếp nhận lao động trong đó có sinh viên của DNTU. “Sinh viên của chúng tôi cần bổ sung kiến thức, kỹ năng gì, rất mong quý vị cho biết để chúng tôi điều chỉnh, làm sao để tránh được nhiều bất cập giữa đào tạo và sử dụng như lâu nay” TS Thuận tha thiết bày tỏ.

TS Trần Đức Thuận mở đầu buổi tọa đàm

TS Trần Đức Thuận mở đầu buổi tọa đàm

Sau phần phát biểu của TS Trần Đức Thuận, ThS Đỗ Sỹ Hải đã lên trình bày về mục tiêu và chương trình đào tạo của nhà trường về ngành công nghệ kỹ thuật ô tô. Đề cương chi tiết về chương trình đào tạo sẽ chuyển cho các doanh nghiệp. Với khung chương trình và thời lượng như vậy, rất mong được các doang nghiệp góp ý trao đổi.

ThS Nguyễn Sỹ Hải trình bày chương trình đào tạo của nhà trường trong tọa đàm

ThS Đỗ Sỹ Hải trình bày chương trình đào tạo của nhà trường trong tọa đàm

ThS Lưu Hồng Quân - Trưởng khoa Điện - Điện tử Cơ khí và Xây dựng bổ sung: chương trình của nhà trường theo nội dung của những trường lớn và có uy tín nhưng luôn chú ý tiếp nhận ý kiến từ doanh nghiệp để điều chỉnh và có chú ý đến những đặc thù của nhà trường. Để giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn, BTC đã mời các doanh nghiệp tham quan xưởng thực hành trước khi trao đổi, góp ý.

Tham quan xưởng thực hành

Tham quan xưởng thực hành

Trở lại phòng họp, ông Nguyễn Đình Hùng cho biết: BGĐ công ty Đô Thành rất quan tâm vấn đề nhân lực vì đầu vào khan hiếm, chỉ có 20-30% đạt yêu cầu. Chia sẻ một số kinh nghiệm, ông nói: kiến thức chuyên môn về các môn học là yêu cầu đầu tiên. Ví dụ: các chi tiết máy như trục khuỷu, tay dên, pít tông… thuộc cơ cấu gì. Phải nắm vững cốt lõi vấn đề mới có thể cải tiến, không nắm được nguyên lý nhiều khi chỉ điều chỉnh mò thì hết sức nguy hiểm. Không nắm được nguyên lý dễ dẫn đến sai lầm nghiêm trọng.

Ông Hùng cũng cho hay: khi phỏng vấn xin việc tôi thường hỏi: các em có kế hoạch gì để thực hiện khi đến với công ty không? Chương trình, kế hoạch đó có nằm trong học môn không? Công ty chúng tôi chỉ chuyên về lắp ráp nhưng các em chỉ muốn sửa chữa, cải tiến, như vậy là chưa tìm hiểu về công ty…

Nguyễn Đình Hùng - PGĐ Công ty Đô Thành trao đổi trong tọa đàm

Nguyễn Đình Hùng - PGĐ Công ty Đô Thành trao đổi trong tọa đàm

Góp ý cho chương trình đào tạo, ông Hùng đặt vấn đề: mô hình kỹ sư sau đào tạo của nhà trường như thế nào? (Kiến thức chuyên ngành; kiến thức bổ trợ; kỹ năng; thái độ…)

Theo ông: những môn học cần chú ý là: kỹ thuật đo, sức bền vật liệu và vẽ kỹ thuật. Kỹ thuật đo sai là sẽ “sai một li, đi một dặm”. Độ bền vật liệu, liên quan đến công cụ và phương tiện sử dụng, không hiểu sẽ làm hỏng chi tiết, hỏng máy. Vẽ kỹ thuật giúp cải tiến kết cấu khung gầm nhằm tăng tải trọng nâng cao hiệu quả sử dụng. Đó là kiến thức nền tảng làm cơ sở sáng tạo.

Ông nhấn mạnh: kỹ sư phải là người hiểu nguyên lý chi tiết máy một cách tường tận để giúp công nhân không làm sai. Ví dụ: có những sai số là không thể chỉnh sửa, không hiểu nguyên lý, cố làm chỉ gây thêm tai họa. Ông cũng nói: nhà trường phải dạy cho các em cả những việc nhỏ như tính khoa học khi sắp xếp bố trí có quy định của một dây chuyền sản xuất. Học cách tuân thủ quy định và tính kỷ luật, nếu không sẽ thành nếp xấu khi vào doanh nghiệp. Chúng tôi nghĩ: đó là những góp ý vô cùng quý báu và thật sự chân tình.

Các nội dung khác trong chương trình của nhà trường theo ông là tốt và phù hợp

Trả lời câu hỏi của TS Trần Đức Thuận về yêu cầu kỹ năng và yêu cầu cụ thể về một số bộ phận trong công ty, ông Hùng cho biết thêm: phải có kỹ năng mềm nhưng yêu cầu ra sao? Ví dụ: môn tạ lỗi. Tạ lỗi mà đưa ý kiến chủ quan thì làm sai nguyên nhân, sẽ không thể khắc phục được hậu quả. Phải mô tả chính xác. Nếu thiết kế thì phải học thêm các phần mềm kỹ thuật và phải cập nhật. Nếu ở phòng quản lý chất lượng cần biết xác suất thống kê, các tiêu chuẩn ISO… Chúng tôi đang rất cần nhân sự ở những khâu đó và cũng chưa tuyển được.

Ông Trần Thanh Phương- Phó Giám đốc dịch vụ Công ty Hyundai Ngọc Phát góp ý:  phải chú trọng ngoại ngữ chuyên ngành. trung tâm cần tìm nhận thấy đã có trường hợp công ty tiếp nhận sinh viên học bách khoa, rất tốt nhưng khi đọc đến thuật ngữ chuyên ngành thì không giải mã được. Lại có quan điểm: đi làm có người chỉ nên cứ ỷ i. Như thế là sai. Có những kinh nghiệm gì các em phải tích lũy từ khi thực tập, phải tự chủ động. Với xí nghiệp sửa chữa, ông cho biết: môn điện tử cơ bản rất quan trọng, phải hiểu rõ, sâu. Ông cũng mong muốn nhà trường rèn luyện kỹ năng ứng xử, học văn hóa công ty, kỹ năng làm việc nhóm… mong nhà trường kết nối với doanh nghiệp, thực tập nhiều hơn bởi nhiều khi người học không hình dung được những gì khi về doanh nghiệp. 

Ông Trần Thanh Phương - Phó Giám đốc dịch vụ Công ty Hyundai Ngọc Phát góp ý trao đổi

Ông Trần Thanh Phương - Phó Giám đốc dịch vụ Công ty Hyundai Ngọc Phát góp ý trao đổi

Từ những ý kiến nêu trên, TS Trần Đức Thuận bày tỏ: nhà trường đã nhận thấy nhiều vấn đề nên đang chú trọng đào tạo kỹ năng mềm từ năm nhất. Mong các anh chị đóng góp thêm vì nhà trường chủ yếu đào tạo kỹ sư ứng dụng, có chuyên môn sâu để làm việc tốt chứ không phải cái gì cũng biết mà không biết làm. Với định hướng đó, chương trình đào tạo phải thêm, bớt làm sao? Dạy làm sao? Rất mong được tiếp tục trao đổi.

Ông Vũ Ngọc Hải - Cố vấn dịch vụ Công ty TNHH ô tô Việt Nhật cho rằng:  nếu theo hướng đi của nhà trường thì có một số môn dư hoặc có thể kết hợp. Xưởng trường phải được đầu tư cơ bản hiện đại vì tính ứng dụng mới của kỹ thuật. Phải có nhiều mô hình hơn và chương trình kỹ thuật tiên tiến như Toyota tại sư phạm kỹ thuật. Thường các bạn học đại học ra hay nghĩ những chuyện cao siêu, không dám chui gầm, không biết cách dùng đồng hồ đo điện. Như vậy sẽ rất khó nói đến vấn đề ứng dụng. Ông Hải bày tỏ.

Ông Vũ Ngọc Hải - Cố vấn dịch vụ Công ty TNHH ô tô Việt Nhật trao đổi ý kiến

Ông Vũ Ngọc Hải - Cố vấn dịch vụ Công ty TNHH ô tô Việt Nhật trao đổi ý kiến

Theo ông Hải, chương trình về máy, gầm, hệ thống điện phải có từ 6->8 tín chỉ/môn. Như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu.

Ông Huỳnh Quang Duy Khôi - Trợ lý giám đốc bổ sung: sinh viên mới ra trường rất thiếu tự tin, làm việc nhóm rất yếu. Chúng ta học đại học phải biết quản lý, phải làm sao để huy động được công nhân. Đó cũng là yêu cầu khác giữa kỹ sư với người lao động.

ThS Đỗ Sỹ Hải đề xuất ý kiến: ngoài vấn đề chương trình, kiến thức chung không thể bỏ, trường sẽ đào tạo thêm từng nhóm theo doanh nghiệp. Bù lại, doanh nghiệp có cam kết với nhà trường về việc tuyển dụng, bố trí công việc, như vậy có hợp lý không?

Hoan nghênh ý kiến của thầy Hải nhưng theo ý các doanh nghiệp thì: theo định hướng mới, nhà trường nên thay đổi mục tiêu đào tạo. Xác định rõ như vậy để xây dựng chương trình và đào tạo đồng bộ, hiệu quả. Chúng tôi sẽ gửi email góp ý cho nhà trường.

Kết thúc buổi tọa đàm, ThS Lưu Hồng Quân và TS Trần Đức Thuận đã hết lời cám ơn các ý kiến đóng góp quý báu từ các doanh nghiệp. “Chúng tôi đã lắng nghe tất cả và sẽ đưa vào chương trình, sẽ làm thay đổi một số vấn đề, khắc phục tối đa khuyết điểm giữa đào tạo và sử dụng”. Đó là cam kết từ phía DNTU vì một mục tiêu duy nhất: việc làm cho người ra trường, đáp ứng nhu cầu xã hội và doanh nghiệp. Đó cũng là hiệu quả cao nhất của giáo dục mà nhà trường luôn hướng tới. 

Đại diện các doanh nghiệp và CB-GV nhà trường chụp hình lưu niệm sau buổi tọa đàm

Đại diện các doanh nghiệp và CB-GV nhà trường chụp hình lưu niệm sau buổi tọa đàm

Ngô Thị Tuyết Lan - Phòng Truyền Thông

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai