Đại học đừng học đại
Chắc hẳn một điều các bạn đã được nghe nói “Học đại học tự học là chính”, “Học đại học khác học cấp 3”… vân vân và mây mây. Khi học ở phổ thông, bạn sẽ được các thầy cô kề cận hướng dẫn, nhắc nhở, kiểm tra đều đặn. Thì khi vào đại học, mọi thứ khác đi hoàn toàn, tất cả đều là tự giác, không có ai thúc giục hay ép buộc các bạn. Phương pháp giảng dạy và môi trường học tập cũng có nhiều điều khác biệt. Vậy là sinh viên đại học bạn cần làm gì để việc học vẫn hiệu quả nhưng vẫn có cuộc sống đại học “thanh xuân vườn trường” như trong mơ? Làm sao để thích nghi với phương pháp giảng dạy và môi trường học tập mới?
Để có bốn năm đại học học tập hiệu quả các bạn cần có phương pháp học đại học hay còn gọi là kỹ năng học đại học.
Trước tiên, để có thể áp dụng kỹ năng học đại học một cách hiệu quả, bạn nên hiểu rõ cách giảng dạy của thầy cô ở đại học. Thầy cô ở bậc đại học đóng vai trò như một người hướng dẫn, giải đáp thắc mắc, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho người học. Thời gian trên lớp, thầy cô chủ yếu là giải đáp thắc mắc, hướng dẫn, chia sẻ các tài liệu tham khảo cho sinh viên. Khi có được khối kiến thức nền tảng từ các thầy cô, các bạn cần chủ động học tập để xây dựng, phát triến thành kiến thức cho mình.
Các phương pháp, kỹ năng học hiệu quả khi học Đại học
1. Xác định hướng đi, mục tiêu ngay từ đầu
Khi làm bất cứ việc gì, chúng ta đều cần xác định một thái độ rõ ràng, đúng đắn và học cũng vậy. Cần hiểu rõ, mình học để làm gì, học như thế nào, mục tiêu cho việc học đó… Nên có một động lực rõ ràng để thúc ép bản thân mỗi khi nhiệt huyết giảm và không muốn nỗ lực nữa. Khi học nên nghiêm túc, kiên trì. Hãy luôn nghỉ về số tiền mà bố mẹ bỏ ra cho chúng ta ăn học, tuy hơi thực tế nhưng nó sẽ là động lực để bạn cố gắng và không sao nhãn việc học.
2. Đi học đầy đủ
Đi học đầy đủ giúp bạn không bị lỡ mất những kiến thức quan trọng mà giảng viên giảng trên lớp và những yêu cầu mà giảng viên giao cho bạn phải hoàn thành.
Bên cạnh đó, là bạn còn có thể chủ động sắp xếp khoảng thời gian giữa việc học trên lớp, tự học và cho các hoạt động xã hội, làm thêm, học thêm ngoại ngữ,… Hãy biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để mọi thứ được cân bằng nhé!
3. Chủ động trong việc học
Khi được phát giáo trình/tài liệu học, hãy mở phần mục lục đọc qua hết một lượt và đọc luôn phần tóm tắt các chương (nếu có). Việc này giúp bạn khái quát được khối lượng kiến thức những môn học này.
Nên chuẩn bị bài trước, khoanh tròn những khái niệm mới và những chỗ chưa hiểu, mọi thứ sẽ dễ dàng được giải quyết cùng thầy cô, bạn bè. Các thầy cô trên đại học rất thích sinh viên chủ động, nên đừng ngại ở lại hỏi han.
4. Kỹ năng tìm kiếm, sử dụng tài liệu
Sử dụng tài liệu học tập chính thống của bộ môn, do giảng viên bộ môn giới thiệu hoặc cung cấp trên e-learning. Nếu có nhu cầu tím kiếm tài liệu tham khảo thì nên tìm kiếm trong thư viện nhà trường hoặc trung tâm học liệu, các trường Đại học khác trên cả nước và thế giới, các trang mạng chính thống, uy tín.
Hiện nay, thư viện số Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai với kho học liệu lơn cùng nhiều nguồn tài liệu quý giá giúp sinh viên có thể tìm đọc một cách dễ dàng, thuận tiện.
5. Kỹ năng ghi chép
Biết cách ghi chép bài sẽ giúp bạn vừa ghi nhận lại thật tốt những kiên thức giáo viên cung cấp, vừa giúp cho các kiến thức ấy "đi thẳng vào đầu" bạn 1 cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Bạn có thể tập phương pháp học “thông minh” bằng cách vẽ sơ đồ tư duy. Sơ đồ tư duy là công cụ giúp bạn hệ thống kiến thức đã học một cách nhanh nhất. Bạn sẽ học thuộc nhanh hơn gấp 1000 lần và tiết kiệm gấp đôi thời gian khi bạn áp dụng đến phương pháp này. Việc ghi chép và học bằng sơ đồ tư giúp bạn nhớ lâu hơn, mà không sợ “bị lạc” giữa một rừng kiến thức. Việc làm này lại càng quan trọng hơn khi mùa thi ùa về, nó giúp bạn nắm vững hết tất cả những kiến thức trọng tâm của môn học.
Ảnh: Internet
6. Tham gia các hoạt động tập thể, làm việc nhóm
Với đặc điểm “nhận dạng” xuyên suốt trong quá trình học Đại học là sẽ luôn có bài tập nhóm, đề án hay tiểu luận nhóm vì vậy kỹ năng làm việc trong nhóm thật sự cần thiết.
Quy tắc giúp bạn tăng khả năng làm việc nhóm và hoàn thành công việc nhóm một cách hiệu quả: Lắng nghe – Đặt câu hỏi – Thuyết phục – Tôn trọng – Giúp đỡ – Chia sẻ.
Không chỉ tham gia vào các hoạt động học tập trên lớp như thảo luận, xây dựng bài, làm bài tập nhóm,... Việc giao lưu, kết bạn, tham gia những hội thảo chuyên đề, gặp gỡ các chuyên gia trong ngành học của mình, bạn cùng lớp, khoa, trường, các buổi giao lưu, dã ngoại, thực tập,... sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc học tập nói chung và hỗ trợ cho bạn những kĩ năng mềm mà không thể học qua trường lớp nào được. Vì vậy, hãy tìm cho mình những người bạn hợp tính, cùng định hướng và có khả năng làm việc nhóm cùng nhau nhé.
7. Quản lý thời gian
Để quản lý thời gian hiệu quả, các bạn có thể thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Xác định mục tiêu của bản thân
Bước 2: Liệt kê những công việc thường ngày
Bước 3: Phân chia các công việc theo nhóm ưu tiên
Bước 4: Xem xét phân bổ thời gian cá nhân
Bước 5: Nghiêm túc thực hiện quản lý thời gian
Đừng quên, luôn theo dõi để kịp thời điều chỉnh và cải tiến một cách tốt hơn, hiệu quả hơn.
(Tham khảo: Internet)
PHÒNG TRUYỀN THÔNG