Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Bồi dưỡng kiến thức cho sinh viên DNTU trước vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế

Sáng ngày 11/10, tại Trung tâm tích hợp, phòng Quan hệ Doanh nghiệp và đào tạo kỹ năng đã tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng kiến thức hội nhập kinh tế quốc tế năm 2016”. Đông đảo CB-GV và SV của nhà trường đã về dự. TS Phạm Văn Chắt - giảng viên cao cấp, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam(VIAC), báo cáo viên chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế Bộ Công thương làm giảng viên lớp học.

Toàn cảnh lớp học

Toàn cảnh lớp học

Bức tranh thương mại trong thời kỳ hội nhập

Trong hai chuyên đề: “Giới thiệu tổng quan về các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)” và “Những thỏa thuận và cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) và cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)”, TS Phạm Văn Chắt đã cung cấp cho các GV và SV một cái nhìn tổng quát về các Hiệp định thương mại mới; khả năng và triển vọng của Việt Nam trên từng lĩnh vực trong mối quan hệ với các nước. Những vấn đề như xuất nhập khẩu, hàng rào thuế quan; cơ chế chính sách; thỏa thuận và cam kết… giữa các quốc gia đã mang đến cho mỗi người cái nhìn toàn cảnh về bức tranh hiện tại và tương lai của nền kinh tế nước ta cũng như các nước trên thế giới và trong khu vực. Từ đó, mỗi GV-SV tự nhận thấy và tự rút ra cho mình bài học. Chẳng hạn: là một nước xuất khẩu gạo thuộc hàng đầu thế giới nhưng giá trị xất khẩu gạo của chúng ta trong năm 2015 lại còn ít hơn giá trị của thức ăn chăn nuôi mà chúng ta phải nhập về. nhận thấy chính sự phụ thuộc cơ bản vào nước ngoài về thức ăn dẫn đến chi phí sản phẩm (thịt) của chúng ta bị đội lên quá cao nên không thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Hay chúng ta có thế mạnh xuất khẩu mặt hàng nông nghiệp (café, tiêu, điều cao su…) nhưng tổng sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp ấy chỉ bằng 2/3 giá trị xuất khẩu của sản phẩm điện thoại và linh kiện điện tử. Những con số và phân tích của báo cáo viên cho chúng ta một cái nhìn đầy đủ, toàn diện về triển vọng nền kinh tế nhưng quan trọng nhất là đã giúp cho tất cả các sinh viên hiểu giá trị của kinh tế tri thức. Chúng ta quả thực đang chịu thua thiệt rất lớn vì rõ ràng sản phẩm của chúng ta tạo ra ít có giá trị chất xám. Hàng chục triệu con người thức khuya dậy sớm, một nắng hai sương rốt cuộc giá trị chẳng bằng một vài nhà máy sản xuất điện thoại với mấy ngàn nhân công. Mà xót xa hơn nữa là nhà máy ấy đặt trên đất nước chúng ta, người lao động của chúng ta và sản phẩm tiêu thụ một phần) cũng là… chúng ta. Các bạn sinh viên đang học gì? Chúng ta cần phải làm gì? Làm gì ngay từ hôm nay để chỉ một vài năm nữa thôi vấn đề còn trở nên gay gắt hơn khi không còn hàng rào thuế quan, không còn ranh giới sử dụng lao động giữa các nước trong khu vực và quốc tế? Nếu thực sự có trách nhiệm với chính mình thì ngay từ bây giờ thời gian lướt Web, chơi game chúng ta hãy biết dành cho việc học tiếng Anh và trao đổi với bạn bè, thầy cô về những bài học chưa hiểu, về những ước mơ và khát vọng của mình… Thay vì mang xí muội, ô mai của Thái Lan lên hội trường tán gẫu và xả rác vô tư, hãy nghĩ ngay đến việc có thể làm ra được sản phẩm này không? Đường mía, me, mơ, mận của chúng ta thiếu gì? Hãy nghĩ ngay từ hôm nay, từ trên giảng đường này. Chắc bạn nhìn thấy lời nhắc nhở trước khi bước vào Thư viện trường mình chứ! “Đừng bao giờ nói còn thời gian, vì còn một khái niệm: đã quá trễ”. Các bạn. Lẽ nào đất nước chúng ta giàu tài nguyên, thiên nhiên ưu đãi, tất cả chúng ta đều xinh đẹp, thông minh và đã có một thời dân tộc Việt Nam đã khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ mà bây giờ chúng ta phải cam chịu làm thị trường tiêu thụ và làm thuê cho các doanh nghiệp nước ngoài? Chẳng lẽ chúng ta chịu thua cả các nước trong khu vực? Các bạn còn nhớ lời của Thầy Hiệu trưởng: với điều kiện như thế này, nếu không học tốt là có tội. Có tội với bản thân, xã hội và gia đình.  Chắc trong chúng ta, không ai muốn mình thành người… có tội.

TS Phạm Văn Chắt đang trình bày chuyên đề

TS Phạm Văn Chắt đang trình bày chuyên đề

Thời cơ và thách thức

Chúng ta đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ. Lao động tay nghề thấp, công nghệ củ kỹ, lạc hậu, hệ thống văn bản pháp luật chưa hoàn thiện, cơ sở hạ tầng yếu kém… là những thử thách hết sức gay gắt. Khi cả cộng đồng ASEAN thành một thị trường chung, công nhận nền sản xuất của nhau, nguồn nhân lực ngang bằng nhau, dịch chuyển lao động trong toàn khối một cách tự do thì chúng ta hòa nhập như thế nào? Nếu bây giờ không nắm bắt được kỹ thuật, công nghệ, không biết tiếng Anh thì làm thế nào? Muốn tận dụng cơ hội phải biến thách thức thành hành động. Rõ ràng không được ngồi chờ, phải đứng lên, phải tự trang bị kiến thức. Giá trị trí tuệ đang thay thế cho giá trị vốn, tài nguyên. Mỗi bước chúng ta ngập ngừng, dừng lại là lại tạo điều kiện cho người khác tiến xa hơn và như thế mỗi lúc chúng ta lại càng tụt hậu. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai hoàn toàn có đủ điều kiện cần thiết để mỗi người tự hoàn thiện. Nguy cơ và hướng đi chúng ta đã thấy, điều kiện chúng ta đã có, nếu không làm được thì lỗi không ai khác ngoài bản thân mình.

Thật mừng khi sau buổi học, rất nhiều sinh viên DNTU đã nán lại để được TS Phạm Văn Chắt giải đáp thêm một số vấn đề mà các em đang hết sức quan tâm. Từ những buổi học như thế này, chắc chắn mỗi sinh viên DNTU đều cảm thấy trách nhiệm học tập của mình trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

TS Phạm Văn Chắt giao lưu, trao đổi với các bạn sinh viên DNTU sau buổi học

TS Phạm Văn Chắt giao lưu, trao đổi với các bạn sinh viên DNTU sau buổi học

Ngô THị Tuyết Lan - Phòng Truyền thông

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai