Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

6 điều lưu ý cho bài giảng trực tuyến

1. Giảng viên phải luôn luôn có mặt và tạo sự liên kết với các sinh viên. Học trực tuyến sẽ làm giảm sự tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên, vì vậy các giảng viên cần nỗ lực nhiều hơn trong việc giữ mối liên kết với sinh viên. đây là một mắc xích rất quan trọng vì khi sinh viên nhận thấy được sự nhiệt tình và luôn quan tâm của giảng viên sẽ là một động lực giúp sinh viên tham gia hào hứng trong các kỳ học. Hãy thực hiện các bước:

-         Hằng tuần gửi bảng tóm tắt về những kiến thức mà sinh viên đã được học trong bài giảng trước, và bảng thông báo về kiến thức của buổi học sắp tới đến sinh viên qua email hoặc trên website học trực tuyến. Giúp sinh viên hệ thống được bài học của mình.

-         Giảng viên luôn luôn giải đáp các thắc mắc của sinh viên và luôn kiểm tra email hoặc các phương tiện liên lạc khác. Không để sinh viên chờ lâu vì điều này sẽ làm sinh viên không hiểu bài. Nếu như sinh viên có nhu cầu nói chuyện trực tiếp qua điện thoại hoặc các phần mềm hội thoại, hãy luôn tiếp nhận những cuộc gọi đó. Các giảng viên thông báo đến sinh viên khung thời gian làm việc trực tuyến, để sinh viên có thể đặt lịch hẹn và trao đổi.

-         Thực hiện một video ngắn chỉ ra những điểm sai trong các bài tập ở buổi học trước, củng cố kiến thức cho sinh viên.

2. Không giống như một lớp học truyền thống, không gian học trực tuyến của sinh viên là một mình. Khi sinh viên có những vấn đề khó hiểu không thể giơ tay đặt câu hỏi hay hỏi bạn bên cạnh, tạo nên một sự cô lập.  Vì vậy, giảng viên cần phải lưu ý và đặt mình vào vị trí của sinh viên, ngồi một mình trước màn hình và cố gắng hiểu ý nghĩa của những gì hiện ra trên đó. Giảng viên cần chú trọng vào những vấn đề mà các sinh viên thường hay vướng mắc. Hãy giải thích một cách đơn giản, dễ hiểu và không lạc đề khiến sinh viên bối rối (Có thể nhờ đồng nghiệp xem giúp bài giảng có dễ hiểu hay không và cần chỉnh sửa ở điểm nào). Hướng dẫn kỹ cách làm bài tập và bài luận. Cung cấp thật nhiều ví dụ cho sinh viên để thực hành bài học hôm đó.

3. Xây dựng chương trình khóa học khoa học ,hợp lý, đơn giản, dễ hiểu và dễ tìm. Nếu các bài giảng và thông tin sắp xếp thiếu tính logic và hệ thống sẽ gây ra sự chán nản, cáu gắt dễ khiến sinh viên giảm sút sự ham học của mình. Cùng với nhà trường, giảng viên cần đóng góp ý kiến để xây dựng trang web với giao diện bắt mắt và dễ dàng cho sinh viên tìm kiếm, điều này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc dạy và học.

4. Giảng viên hãy tạo ra một bài giảng thú vị và hấp dẫn. Đa phần các bài học sẽ được thực hiện trên PowerPoint, hãy làm cho những bài giảng này sinh động bằng cách thêm video hoặc hình ảnh. Hình ảnh cần phải được rõ nét, nhưng cũng tránh dùng quá nhiều hình ảnh sẽ gây loãng bài học. Có thể thu âm và chèn bài giảng ở những phần quan trọng hoặc khó hiểu sẽ giúp sinh viên nắm rõ kiến thức. Tránh tạo bài học bằng PDF vì sẽ làm môn học khô khan và nhàm chán.

5. Không chỉ là chỉ giải thích tường tận tất cả, giảng viên cần thể hiện tính sáng tạo. Sáng tạo trong hoạt động dạy và học để kích thích sinh viên tự tìm tòi, xử lý tình huống và giải quyết vấn đề bài học. Giảng viên là người hướng dẫn cho sinh viên, nhưng cũng phải để sinh viên tự giải quyết các vấn đề có liên quan. Giảng viên có thể yêu cầu sinh viên làm một bài thuyết trình nhỏ về nội dung buổi học hoặc viết một bài luận nhỏ về bất cứ chủ đề nào trong các buổi học. Từ đó sẽ giúp giảng viên có thể đánh giá được kiến thức và kỹ năng của sinh viên, và cũng tạo ra sự năng động cho lớp học.

6. Hãy là chính mình! Tại sao giảng viên có thể truyền cảm hứng trên các lớp học truyền thống nhưng chưa thể làm như thế trên các lớp học trực tuyến.  Học truyền thống hay học trực tuyến sinh viên đều mong nhận được kiến thức và nguồn cảm hứng được truyền qua từng bài giảng. Hãy cứ truyền tải kiến thức một cách tận tâm và điều này sẽ làm tăng lên nguồn cảm hứng học tập của sinh viên.

Ths. Phan Võ Quỳnh Như

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai