Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

07 phương pháp học hiệu quả khi học Đại học

Khi học ở phổ thông, bạn sẽ được các thầy cô “kề cận hướng dẫn”,  kiểm tra đều đặn như vắt chanh: kiểm tra miệng, kiểm tra 15’, 45’, giữa kỳ, cuối kỳ… Thì khi vào đại học, mọi thứ khác đi hoàn toàn, mọi thứ đều là tự giác, không có ai thúc giục hay ép buộc các bạn. Số lượng bài kiểm tra ít hơn cấp THPT đồng nghĩa bạn cũng sẽ ít có cơ hội “gỡ điểm”,… Bạn cảm thấy mọi thứ thật khó khăn. Vậy là sinh viên Đại học bạn cần làm gì để việc học vẫn hiệu quả nhưng vẫn có cuộc sống Đại học “an nhàn” như trong mơ?

1. Xác định hướng đi, mục tiêu ngay từ đầu

Khi làm bất cứ việc gì, chúng ta đều cần xác định một thái độ rõ ràng, đúng đắn và học cũng vậy. Cần hiểu rõ, mình học để làm gì, học như thế nào, mục tiêu cho việc học đó… trung tâm tìm nên có một động lực rõ ràng để thúc ép bản thân mỗi khi nhiệt huyết giảm và không muốn nổ lực nữa. Khi học nên nghiêm túc, kiên trì. Hãy luôn nghỉ về số tiền mà bố mẹ bỏ ra cho chúng ta ăn học, tuy hơi thực tế nhưng nó sẽ là động lực để bạn cố gắng và không sao nhãn việc học.

2. Đi học đầy đủ

Đi học đầy đủ giúp bạn không bị lỡ mất những kiến thức quan trọng mà giảng viên giảng trên lớp và những yêu cầu mà giảng viên giao cho bạn phải hoàn thành.

Song song đó, là bạn còn nên dành ra khoảng thời gian cho các hoạt động xã hội, làm thêm, học thêm ngoại ngữ,… Hãy biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để mọi thứ được cân bằng nhé!

3. Tham gia các hoạt động tập thể, làm việc nhóm hiệu quả

Không chỉ tham gia vào các hoạt động học tập trên lớp như thảo luận, xây dựng bài, làm bài tập nhóm,... Việc giao lưu, kết bạn, tham gia những hội thảo chuyên đề, gặp gỡ các chuyên gia trong ngành học của mình, bạn cùng lớp, khoa, trường, các buổi giao lưu, dã ngoại, thực tập,... sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc học tập nói chung và hỗ trợ cho bạn những kĩ năng mềm mà không thể học qua trường lớp nào được. Vì vậy, hãy tìm cho mình những người bạn hợp tính, cùng định hướng và có khả năng làm việc nhóm cùng nhau nhé.

4. Hãy mạnh dạn hỏi và nêu lên quan điểm của mình

Nếu có cơ hội, bạn nên xung phong đặt câu hỏi, phát biểu và lên bảng làm bài tập. Cách làm này không chỉ giúp bạn củng cố hiểu biết, mà còn khiến bạn tập trung và tỉnh táo suốt buổi học. Trên đại học, các bạn cần chủ động hơn trao việc học, đừng ngần ngại nêu lên thắc mắc với giảng viên cũng như tranh luận quan điểm để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.

5. Chủ động trong việc học

Nếu như ở phổ thông, các bạn thường hay “đợi” thầy cô “dạy tới đâu ta biết tới đó”, thì nay lên đại học, việc chủ động học trước lại là cách học hiệu quả nhất. Và bạn càng luyện được những thói quen dưới đây sớm bao nhiêu, bạn sẽ càng học tốt bấy nhiêu:

  1. Khi được phát giáo trình/tài liệu học, hãy mở phần mục lục đọc qua hết một lượt và đọc luôn phần tóm tắt các chương (nếu có). Việc này giúp bạn khái quát được khối lượng kiến thức những môn học này.
  2. Trước khi “vào tiết”, bạn nên chuẩn bị bài trước, đọc qua nội dụng bài học, khoanh tròn những khái niệm mới và những chỗ chưa hiểu, hôm sau khi lên lớp, mang theo câu hỏi nào đó bạn còn băn khoăn, mọi thứ sẽ dễ dàng được giải quyết cùng thầy cô, bạn bè. Các thầy cô trên đại học rất thích sinh viên chủ động, nên đừng ngại ở lại hỏi han.
  3. Tập phương pháp học “thông minh” bằng cách vẽ sơ đồ tư duy. Sơ đồ tư duy là công cụ giúp bạn hệ thống kiến thức đã học một cách nhanh nhất. Bạn sẽ học thuộc nhanh hơn gấp 1000 lần và tiết kiệm gấp đôi thời gian khi bạn áp dụng đến phương pháp này. Việc học bằng sơ đồ tư giúp bài vở không chỉ “bám rễ” sâu hơn, mà bạn sẽ không bao giờ “bị lạc” giữa một rừng kiến thức. Chưa hết, việc làm này lại càng quan trọng hơn khi “mùa thi” ùa về, nó giúp bạn nắm vững hết tất cả những kiến thức trọng tâm của môn học.

Ảnh Internet

6. Lưu lại những kiến thức quan trọng để ứng dụng trong thực tiễn

Mỗi sinh viên nên trang bị cho mình một cuốn sổ tay để ghi chép lại những kiến thức quan trọng, có thể ứng dụng được, cũng như chú thích lại các gợi ý, kế hoạch hành động để có thể ứng dụng kiến thức đã học vào công việc cụ thể. Khi học xong mỗi môn học phải xác định được bản thân ứng dụng được những gì hay tham khảo những phương pháp để giải quyết các tình huống có thể gặp phải.

7.  Biết vận dụng những kỹ năng của bản thân

Trong chương trình học, giảng viên sẽ giới thiệu cho các bạn về những kiến thức cơ bản, ngoài ra là các công cụ khác nhau để áp dụng vào việc phân tích, thực hành. Có thể làm chủ vận dụng, kết hợp các các kỹ năng của bản thân với sự hướng dẫn của giáo viên thì nó sẽ giúp bạn rất nhiều trong học tập, thực hành. Vấn đề là bạn phải chủ động luyện tập để sử dụng nó một cách thuần thục, và biết dùng một cách có hiệu quả ở mỗi hoàn cảnh và môi trường khác nhau.

Mong rằng những chia sẻ nhỏ này sẽ giúp được các bạn sinh viên nâng cao hiệu quả học tập của bản thân mình. Chúc các bạn vui học thật tốt và thành công!

PHÒNG TRUYỀN THÔNG

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai