Ngày 21/05/2019, Đoàn công tác Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai do TS. Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng làm trưởng đoàn, cùng đi có TS. Phạm Đình Sắc – Trưởng Phòng Đào tạo - Khảo thí; cán bộ, giảng viên các Phòng: Truyền thông, Quản lý khoa học – Chuyển giao công nghệ; Khoa Ngoại ngữ đã đến làm việc với Trường Đại học Hùng Vương về việc phối hợp tổ chức triển khai mô hình dạy học E-Learning.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tiếp và làm việc với Đoàn có TS. Trịnh Thế Truyền – Bí Thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; Các đồng chí trong Ban Giám hiệu; Lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm và các cán bộ, giảng viên các Khoa chuyên môn.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Trịnh Thế Truyền – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, chương trình hợp tác giữa hai Trường giai đoạn 2018-2023 bước đầu đã đem lại những kết quả khả quan. Qua buổi làm việc, cán bộ, giảng viên Nhà trường sẽ có thêm kiến thức, kỹ năng và định hướng triển khai mô hình dạy học trực tuyến. Đồng thời, hy vọng trong thời gian tới, những nội dung hợp tác giữa hai trường sẽ được triển khai mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Trường Đại học Hùng Vương trở thành Trường Đại học theo định hướng ứng dụng, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Phú Thọ và khu vực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
TS. Trịnh Thế Truyền – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại Học Hùng Vương phát biểu tại buổi làm việc
Trong bài phát biểu tại buổi làm việc, TS. Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho rằng, trước bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng và trước những thời cơ, thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hùng Vương phải tiếp tục có những giải pháp thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện vào giảng dạy, quản lý; chuyên nghiệp hóa các hoạt động trong Nhà trường. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy trực tuyến sẽ có nhiều tiện ích, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động giảng dạy, rút ngắn được thời gian đào tạo sinh viên trong nhà trường. Trong lĩnh vực này, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã và đang thực hiện rất hiệu quả, được sinh viên và xã hội đánh giá cao, trong thời gian tới Nhà trường sẽ hỗ trợ, phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương triển khai mô hình dạy học E-Learning, góp phần hiện thực hóa những nội dung hợp tác đã ký kết giữa hai trường.
TS. Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai chia sẻ ý kiến
Tại buổi làm việc, ThS. Lê Chân Thiện Tâm – Trưởng ban Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Công Nghệ Đồng Nai đã trình bày về mô hình giảng dạy trực tuyến mà Trường ĐH Đồng Nai đang áp dụng dựa trên nền tảng LMS, hệ thống tương tác trực tuyến và sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người học. So với mô hình dạy học truyền thống, E-Learning thể hiện tính ưu việt bởi nguồn học liệu điện tử vô cùng phong phú (bao gồm: Sách điện tử -Ebook; Bài giảng điện tử; Bộ câu hỏi ôn tập và phần kiểm tra đánh giá quá trình tự học của sinh viên…) do chính những giảng viên trực tiếp giảng dạy xây dựng, được tích hợp trên môi trường công nghệ Internet đáp ứng nhu cầu đa dạng của người học. Đặc biệt, bằng mô hình trí tuệ nhân tạo, giảng viên thiết kế các kịch bản, tình huống, những câu hỏi sinh viên thường hay thắc mắc, từ đó xây dựng theo chủ đề, từ khóa và cài đặt vào hệ thống trả lời tự động giúp sinh viên tra cứu nhanh và giảng viên không cần online để trả lời trực tiếp. Việc Sử dụng các bài giảng trực tuyến đem lại nhiều tiện ích: Thời khóa biểu linh hoạt thuận tiện cho người học, dễ dàng trong việc tìm kiếm tài liệu, tăng cơ hội tương tác và tiết kiệm chi phí,…
ThS. Lê Chân Thiện Tâm – Trưởng ban Công nghệ Thông tin, Trường ĐH Công Nghệ Đồng Nai chia sẻ về mô hình giảng dạy trực tuyến
Tiếp đó, ThS. Huỳnh Như Yến Nhi – Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghệ Đồng Nai đã trình bày mô hình vận hành E-Learning của bộ môn tiếng Anh bao gồm 6 bước: 1) Giảng viên xây dựng lịch giảng dạy chi tiết, 2) Xây dựng E-Learning trên LMS, 3) Cập nhật nguồn tài liệu học tập, 4) Tương tác giữa sinh viên và giảng viên trên LMS, 5) Kiểm tra, đánh giá sinh viên, 6) Trao đổi trực tuyến trên hệ thống Cisco Webex.
ThS. Huỳnh Như Yến Nhi – Phó Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Đại học Công nghệ Đồng Nai trình bày
mô hình vận hành E-Learning của bộ môn tiếng Anh
Tại buổi làm việc, cán bộ, giảng viên của hai trường đã sôi nổi thảo luận về kết nối ứng dụng E-Learning giữa các trường Đại học hiện nay và những khó khăn khi thực hiện chương trình giảng dạy trực tuyến và đưa ra giải pháp để nâng cao hiệu quả lớp học, tăng độ tương tác giữa giảng viên và sinh viên, nhóm sinh viên; đảm bảo cho sinh viên có thể tiếp cận đầy đủ được các nguồn học liệu lưu trữ trên hệ thống, đặc biệt là hoạt động quản lý sinh viên khi tham gia các lớp học trực tuyến.
Cán bộ, giảng viên 2 trường trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc
Kết thúc buổi làm việc, TS. Phan Ngọc Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai một lần nữa khẳng định giảng dạy trực tuyến đang là một xu thế tất yếu của nền giáo dục hiện đại, điều này đòi hỏi cơ sở giáo dục cần có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của E-learning; cán bộ, giảng viên phải quyết tâm cao trong việc chuyển giao giữa dạy học truyền thống và giảng dạy trực tuyến. Thời gian tới, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai sẽ hợp tác và hỗ trợ tối đa, đồng bộ các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho dạy học E-learning. Đồng thời, phía Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai sẽ tiến hành chuyển giao chương trình dạy học trực tuyến các bộ môn: Kinh tế, Công nghệ thông tin, Du lịch, Ngoại ngữ cho 5 trường: ĐH Thủ Dầu Một –Tp.HCM, ĐH Mỏ Địa Chất, ĐH Đông Á – Đà Nẵng, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Hùng Vương, đồng thời tiến tới hợp tác trong lĩnh vực E-Learning, trao đổi giảng viên và sinh viên.
Cán bộ, giảng viên Nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn công tác
Kết thúc buổi làm việc, hai bên có sự thống nhất cao về các nội dung sẽ triển khai hợp tác về công tác đào tạo, giảng dạy trực tuyến. Hi vọng rằng, sự phối hợp hiệu quả giữa các đơn vị sẽ góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường đại học, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động thời đại công nghệ số hiện nay.
Nguồn: Đại Học Hùng Vương