Sinh viên khởi nghiệp với nấm linh chi
Từ một đề tài tốt nghiệp, Hồ Thị Bích Hạnh quyết định sẽ “đi đường dài” cùng nấm linh chi. Phát triển những dòng sản phẩm chuyên biệt từ nấm linh chi chính là hướng đi mà cô sinh viên năm thứ 4, ngành Công nghệ Sinh học thực phẩm, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai lựa chọn.
Thu hoạch khá ngay từ vụ đầu tiên
Chia sẻ về lý do trồng nấm linh chi để khởi nghiệp, Bích Hạnh cho hay: “Ngày nay, con người chúng ta dung nạp quá nhiều hóa chất độc hại mà chủ yếu là do nguồn thực phẩm không an toàn. Trong khi đó, khoa học đã chứng minh nấm linh chi đứng đầu về giải độc cơ thể. Do vậy, khi làm đồ án tốt nghiệp, em đã chọn nấm linh chi làm đề tài. Càng tiếp xúc và làm việc với loại nấm này, em càng cảm thấy yêu thích và hứng thú. Mặt khác, em nhận ra những giá trị dinh dưỡng cũng như tiềm năng kinh tế mà nấm linh chi mang lại nên em xin phép gia đình được trồng nấm tại nhà”.
Hạnh bắt đầu tiếp cận với nấm linh chi từ tháng 10-2016. Thầy Đào Phan Thoại, giảng viên hướng dẫn đề tài tốt nghiệp là người đã giúp đỡ Hạnh rất nhiều trong việc tìm hiểu về nấm cũng như trồng nấm. Thầy đã tìm kiếm nơi thực tập cho Hạnh tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh. Song song với quá trình nghiên cứu, học tập tại trang trại nấm ở quận 12, Hạnh đã mạnh dạn đầu tư trồng nấm tại nhà. Để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, Hạnh đi tham quan, học tập tại những trang trại nấm khác ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.
Hồ Thị Bích Hạnh đang hái nấm linh chi
Ban đầu, chỉ có mẹ là người ủng hộ Hạnh và đầu tư cho em làm quy mô nhỏ với diện tích 100m2. Để có giống, Hạnh mượn phòng cấy nấm của một thầy giáo ở Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh để tự cấy giống rồi đem về nhà trồng.
Với những kiến thức học được ở trường đại học, cùng với sự hướng dẫn thực tế của chủ trang trại nấm (cũng là giảng viên 1 trường đại học), Hạnh nắm khá chắc kỹ thuật trồng nấm. Nhờ đó, ngay từ lần trồng nấm đầu tiên, Hạnh đã thu được kết quả rất tốt. “Em đã thu được 3 vụ. Trung bình, với 5.000 bầu nấm, em thu được từ 20 - 30kg tai nấm. Giá bán nấm là 600.000 đồng/1kg để quảng bá sản phẩm. Hiện tại, em đã thu hồi vốn đầu tư ban đầu và có thêm ít tiền để mở rộng trang trại”, Hạnh chia sẻ.
Theo Hạnh, dù đi sau nhiều người trong lĩnh vực trồng nấm linh chi nhưng do năng suất cao, giá thành thấp hơn thị trường nên Hạnh không gặp nhiều khó khăn khi giới thiệu sản phẩm. Cầm bịch nấm trên tay, Hạnh vui vẻ nói: “Những người đã dùng rồi chắc chắn sẽ dùng nữa và còn giới thiệu cho người thân sử dụng. Nếu dùng để nấu nước uống hằng ngày thì mỗi tai nấm có thể nấu được 3 nước. Trung bình, 1 bịch nấm loại nửa ký sẽ dùng được trong vòng 2 tháng”.
Dùng kỹ thuật để nâng cao chất lượng nấm
Cây nấm thân tuy to nhưng bào tử, hoạt chất dinh dưỡng chỉ nằm ở tai nấm. Bí quyết nâng cao năng suất, chất lượng nấm linh chi của Bích Hạnh chính là điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm hợp lý. Quá trình trồng, khi nấm bắt đầu ra cây, Hạnh tăng nhiệt độ, hạn chế tưới tiêu để kìm chế sự phát triển của cây nấm. Đến khi nấm ra tai, Hạnh giảm nhiệt độ, tăng độ ẩm lên để tai nấm phát triển to lên, có nhiều bào tử hơn. Nghĩa là hoạt chất dinh dưỡng sẽ nhiều hơn, đồng thời năng suất cũng cao hơn. Sắp tới, Hạnh sẽ đem sản phẩm nấm đi kiểm định chất lượng để chứng thực những điều này.
Sẽ phát triển những dòng sản phẩm chuyên biệt từ nấm linh chi
Thầy Đào Phan Thoại nhận xét: “Khi Hạnh bắt đầu trồng nấm, tôi hứa sẽ tìm đầu ra. Tuy nhiên, đến khi nấm được thu hoạch thì chẳng thấy em ấy liên hệ gì cả. Nghĩa là em ấy đã tự tìm được đầu ra cho sản phẩm. Khác với nhiều người mới khởi sự trồng nấm sẽ gặp nhiều khó khăn vì chưa nắm kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm, tuy nhiên với riêng Hạnh, ngay đợt trồng nấm đầu tiên đã rất thành công. Tôi nghĩ, với khả năng của mình, Hạnh không nên đi làm thuê ăn lương mà nên tự làm chủ”.
Khi thấy đầu ra khả quan, Hạnh quyết định mở rộng diện tích trồng nấm lên gấp 3 lần, đồng thời đầu tư làm buồng cấy và buồng hấp. Như vậy, quá trình trồng nấm từ khâu chuẩn bị nguyên vật liệu, quy trình cấy giống, nuôi trồng, sấy và bảo quản sản phẩm sẽ được khép kín hoàn toàn. Điều này sẽ giúp nấm hạn chế bị nhiễm bệnh do không phải tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài.
Hồ Thị Bích Hạnh “khoe” sản phẩm đầu tay với thầy Đào Phan Thoại, giảng viên hướng dẫn đề tài tốt nghiệp
Không chỉ dừng lại ở đây, cả Hạnh và thầy Thoại đều cho biết sẽ nghiên cứu, bào chế các sản phẩm chuyên biệt từ nấm linh chi. “Em đã làm cây bonsai từ nấm linh chi để tặng nhiều người. Vào dịp Tết tới, em sẽ phát triển dòng sản phẩm này. Về mỹ phẩm linh chi, em đã làm và cho nhiều người dùng thử. Phản ứng của khách hàng đều rất tốt. Nhiều người hỏi mua nhưng do đang trong quá trình nghiên cứu nên em chưa bán. Về lâu dài, em sẽ phát triển những dòng sản phẩm này. Tuy nhiên, để chắc chắn, em phải nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng, khi sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng tốt nhất mới đưa ra thị trường”, Hạnh chia sẻ.
Hiện tại Hạnh đang tham gia cuộc thi “Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Đồng Nai” lần thứ I - 2017. Hạnh cho rằng, để lựa chọn khởi nghiệp trong 1 lĩnh vực nào đó, bản thân người khởi nghiệp phải thực sự rất thích, muốn tìm hiểu sâu và quyết tâm đi đến cùng với lĩnh vực mình lựa chọn. Riêng với bản thân, Hạnh sẽ bổ sung các yếu tố cần thiết như: tìm hướng đi mới lạ, sáng tạo, học hỏi về quản trị, xây dựng thương hiệu, hoàn tất các thủ tục hành chính… để có thể đi đường dài cùng nấm linh chi với thương hiệu Gia Hỷ.
Nguồn: http://www.laodongdongnai.vn/Kinh-te/Doanh-nghiep/6E8417/sinh-vien-khoi-nghiep-voi-nam-linh-chi.aspx
Hải Yến - báo Lao động Đồng Nai