Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về “phát động phong trào khởi nghiệp” trên địa bàn tỉnh, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên.
Chị Trần Thị Hà, giảng viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai, xay thịt làm giò lụa sạch. Ảnh: Nga Sơn
Một trong những hoạt động phải kể đến là cuộc thi “Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp” được phát động từ tháng 3-2017, thu hút 114 ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên tham gia.
* Những ý tưởng xuất phát từ thực tiễn
Trước thực trạng trẻ em bị đuối nước mỗi khi hè về, cộng với nhu cầu bơi lội để giải nhiệt mùa nắng nóng ngày càng tăng cao, trong khi dịch vụ hồ bơi tại địa bàn huyện Trảng Bom hiện nay rất hạn chế nên 2 sinh viên Đỗ Thị Ngọc và Nguyễn Ngọc Trinh (Trường đại học lâm nghiệp phân hiệu Đồng Nai) đã đưa ra ý tưởng kinh doanh dịch vụ hồ bơi nổi mang tên Ngọc Trinh.
Mức giá 15 ngàn đồng/vé (đối với hồ nước mặn) và 8 ngàn đồng/vé (đối với hồ nước ngọt) được đánh giá là khá phù hợp với những người có thu nhập thấp.
Dự án hồ bơi nổi được nhóm đầu tư chăm chút khá kỹ lưỡng với âm thanh nhẹ nhàng, màu sắc trang trí bắt mắt, phù hợp để khách hàng tập bơi, rèn luyện sức khỏe, thư giãn sau giờ làm việc, học tập căng thẳng.
Tham gia cuộc thi “Thắp sáng ý tưởng khởi nghiệp” còn có nhiều ý tưởng khởi nghiệp xuất phát từ nhu cầu thiết thực của con người, như các dự án: trung tâm chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cho phụ nữ sau sinh và trẻ em sơ sinh tại nhà; trại thực dưỡng để bảo vệ sức khỏe; sử dụng hệ thống nông nghiệp công nghệ cao để cho ra đời sản phẩm rau sạch; sản xuất dầu béo từ hạt chùm ngây phục vụ ngành mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm... Nhiều dự án không dừng lại ở ý tưởng mà đã được triển khai trong thực tế.
Từng là người tiêu dùng sản phẩm giò chả, chị Trần Thị Hà, giảng viên Trường đại học công nghệ Đồng Nai, cảm thấy lo sợ khi đọc, xem tin tức nói về các cơ sở sản xuất giò chả truyền thống sử dụng hàn the, thịt ôi thiu, chất phụ gia vượt mức cho phép...
Từ nỗi lo của chính mình, chị Hà đã cùng với đồng nghiệp trong trường là 2 anh Nguyễn Thành Công và Đào Phan Thoại xây dựng dự án sản xuất giò lụa sạch.
Chị Hà chia sẻ, ngay sau khi phát động cuộc thi, nhóm xây dựng ý tưởng và đưa vào sản xuất. Bằng sự kiên trì nghiên cứu, kỹ lưỡng trong lựa chọn nguyên liệu và chế biến, nhóm đã cho ra đời sản phẩm giò lụa sạch như ý muốn, giò lụa không sử dụng chất phụ gia, có độ giòn tương đối và đảm bảo được độ ngọt tự nhiên của thịt.
* Sự chủ động của mỗi cá nhân
Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Đại Hồng Phước Nguyễn Văn Lành (TP.Biên Hòa) chia sẻ, nhu cầu khởi nghiệp nói chung, mở rộng sản xuất - kinh doanh, làm giàu chính đáng của đoàn viên thanh niên ngày càng trở thành nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, đến nay phong trào này vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, do cá nhân đoàn viên, thanh niên tự thân vận động là chính.
Theo anh Lành, việc thành lập trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp là cần thiết song trung tâm ấy phải có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức Đoàn để có thể hỗ trợ một cách toàn diện cho những đoàn viên, thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp khả thi.
Anh Trần Quang Thuần, Bí thư Đoàn xã Gia Canh (huyện Định Quán), cho biết thời gian qua các cấp bộ Đoàn đã tổ chức khá nhiều các lớp tập huấn liên quan đến khởi nghiệp, thế nhưng dường như cách làm này chưa thật sự đáp ứng được hết nhu cầu của đoàn viên thanh niên.
Điều mà đoàn viên thanh niên cần không phải là tập trung đến hội trường để nghe chuyên gia nói về thành công của người này, người kia mà họ muốn được tận mắt nhìn, tận tay sờ những sản phẩm làm ra của những người thành công. Vì vậy, ngoài lý thuyết, các cấp bộ Đoàn cần tăng cường các hoạt động tham quan các mô hình khởi nghiệp của những người đi trước.
Cũng theo anh Thuần, một yếu tố không kém phần quan trọng khác chính là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm để đoàn viên thanh niên yên tâm phát triển sản xuất - kinh doanh.
Không phủ nhận sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, của tổ chức Đoàn, song chị Phạm Thị Huyền, công tác tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho rằng để khởi nghiệp thành công, sự chủ động của cá nhân đoàn viên, thanh niên vẫn là quan trọng nhất.
Theo chị Huyền, muốn khởi nghiệp, bản thân đoàn viên thanh niên cần hiểu đúng về khởi nghiệp, có ý tưởng sáng tạo, có quá trình trải nghiệm để tích lũy kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch, tập trung vốn... Quá trình này càng được chuẩn bị kỹ lưỡng thì xác suất khởi nghiệp thành công càng cao. Còn vai trò của tổ chức Đoàn chỉ có thể hỗ trợ đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp thông qua việc cung cấp, hỗ trợ thông tin, kết nối với doanh nghiệp chứ không phải là đơn vị cung cấp vốn.
Nguồn: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201708/khoi-nguon-khoi-nghiep-2838708/
Nga Sơn - baodongnai.com.vn