Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp, bồi đắp ý thức làm chủ doanh nghiệp để có đội ngũ tâm huyết khơi dậy khả năng cống hiến – sáng tạo

Gần đây, DNTU của chúng ta thường xuyên mời các doanh nghiệp về trường để tham gia đào tạo và góp ý cho nhà trường trong việc xây dựng chương trình. Đây là điềm mới mà DNTU mạnh dạn phát huy vì mục tiêu có những con người khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Qua trao đổi ta thấy có một điều vô cùng quan trọng, không được thể hiện trong giáo trình nhưng rất được những người sử dụng lao động quan tâm. Đó là sự nhiệt huyết, trung thành, cái Đức và cái Tâm của người lao động. Làm sao có được đội ngũ những người lao động gắn bó với doanh nghiệp nhất là những lúc doanh nghiệp gặp sóng gió, bão tố..?

Tôi xin đăng lại đây ý kiến của mình như đã có lần trao đổi cùng quý Thầy/Cô trong DNTU.

Doanh nghiệp cùng tham gia hội thảo để góp ý xây dựng chương trình đào tạo tại DNTU

Doanh nghiệp cùng tham gia hội thảo để góp ý xây dựng chương trình đào tạo tại DNTU

Một thực tế hết sức cụ thể đã diễn ra trên đất nước ta trước thời kỳ đổi mới: khủng hoảng lương thực trầm trọng (nếu không muốn nói là chết đói). Thiếu lương thực ở một nước nông nghiệp với hơn 70 % dân số làm nghề nông! Chuyện thật khó tin nhưng tiếc thay đó lại là sự thật. Vì sao vậy?

Vì cơ chế tập trung quan liêu bao cấp thời đó. Ruộng đất tập trung, làm chủ tập thể (trách nhiệm và thất bại cũng thuộc về tập thể...) rốt cuộc cây lúa, cây màu đều thoi thóp, con người thoi thóp, thảm cảnh gần bằng năm Ất Dậu(1945)

Vậy mà vẫn những con người ấy, đất đai ấy, chỉ sau Đại hội VI của Đảng (1986) không bao lâu nước ta không chỉ đủ lương thực để ăn mà còn có phần xuất khẩu . Rồi vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng nhất nhì thế giới. Chuyện cứ như nằm mơ

Điều gì đã xảy ra? Đơn giản chỉ là người lao động được cởi trói. Họ được giao ruộng, khoán sản lượng, nhà nước chỉ thu một phần,  còn lại mình hưởng. Được làm chủ thật sự mảnh vườn, sào ruộng của mình, tự chịu trách nhiệm với mình, không còn khái niệm làm chủ viễn vông, xa vời. chỉ một thay đổi ấy thôi  mà tạo  nên bước chyển vĩ đại.  Mới hay ý thức tư hữu trong con người chúng ta mạnh mẽ và ghê gớm đến thế nào! Bỏ qua mặt tiêu cực và những hệ lụy của nó nhưng chúng ta không thể không thừa nhận mặt tích cực đã làm nên điều kỳ diệu nói trên. Mặt tích cực ấy nếu được doanh nghiệp tận dụng, phát huy chắc chắn sẽ tạo nên nhiều hiệu quả to lớn.

Tọa đàm về mục tiêu đào tạo giữa Hội doanh nghiệp trẻ với cán bộ giảng viên khoa Quản trị trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Tọa đàm về mục tiêu đào tạo giữa Hội doanh nghiệp trẻ với cán bộ giảng viên khoa Quản trị trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Thử đặt vấn đề: Nếu doanh nghiệp tạo được điều kiện cho người lao động làm chủ thật sự trong doanh nghiệp của mình, biến họ thành một phần cơ thể của doanh nghiệp, khi lợi ích của họ thực sự gắn liền với lợi ích của doanh nghiệp thì sao? Tôi nghĩ chắc chắn những đột phá cống hiến, sáng tạo sẽ xảy ra. Vậy  doanh nghiệp có thể làm được không và làm như thế nào?

Trước hết cần khẳng định là: làm được. Doanh nghiệp nào cũng làm được và làm tốt. Cơ sở để khẳng định là: khi người lao động tìm đến với doanh nghiệp nghĩa là họ đã cân nhắc rất nhiều yếu tố về các điều kiện hoàn cảnh sống cũng như năng lực, sở trường và khả năng cống hiến. Và khi đã được doanh nghiệp chấp nhận thì ít ai muốn thay đổi  hoặc bỏ đi nếu bản thân họ trong doanh nghiệp được trân trọng và đãi ngộ xứng đáng. Dĩ nhiên ngoài vấn đề vật chất còn là cách đối nhân xử thế từ tấm lòng và tình cảm của doanh nghiệp. Rất nhiều người lao động đã sống chết gắn bó cùng doanh nghiệp không phải do được nhiều hơn về vật chất mà chỉ vì sự chân thành tín nghĩa của doanh nghiệp đối với mình. Ở một số trí thức lớn thật sự thì không có tiền bạc hay địa vị nào mua được họ ngoài sự tự do, sự tôn trọng và kính trọng mà người lãnh đạo, người sử dụng dành cho họ.  Để sở hữu được những con người này đòi hỏi người chủ doanh nghiệp cũng phải có tri thức, có nhân cách và bản lĩnh, tài năng và tâm huyết. (Sức thu hút kỳ diệu của Bác Hồ đối với đội ngũ trí thức trong và ngoài nước khiến họ hy sinh và cống hiến hết mình trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là minh chứng cho điều tôi nói ở trên)

Nhưng phải chăng cứ được doanh nghiệp đối xử tốt, đãi ngộ tốt là tự khắc sẽ có ý thức làm chủ và cống hiến hết mình cho doanh nghiệp? Có người đặt vấn đề thẳng thắn: đối xử tốt với tôi đi, tôi sẽ làm tốt cho anh. Làm tốt trong trường hợp nói trên có phải do ý thức  làm chủ không? Không. Đó là làm theo kiểu quan hệ mua bán sòng phẳng mà người làm luôn so đo chuyện được mất cùng doanh nghiệp. Giữa họ và doanh nghiệp không hình thành được mối quan hệ gắn kết (kiểu như người nông dân thời làm bao cấp không có sự gắn kết với mảnh vườn, sào ruộng...) nên sẽ không thể nào trở thành người làm chủ để cống hiến một cách tự giác. Vậy phải cần thay đổi từ đâu? Lẽ dĩ nhiên về phía doanh nghiệp là phải chăm lo, tín nghĩa với người lao động. Và người lao động – trước hết – phải xây dựng mối quan hệ gắn kết với doah nghiệp bằng thái độ hàm ơn. Hàm ơn người và nơi đã nhận mình vào làm việc. Đừng nghĩ hàm ơn làm mình hèn đi. Đừng nghĩ: anh nhận tôi làm, tôi bỏ công sức thì anh phải đãi ngộ  tôi đó là chuyện đương nhiên cớ gì tôi phải hàm ơn. Không. Hàm ơn là một hành vi văn hóa. Ông bà ta thường nói: đừng sợ sự hàm ơn, chỉ sợ sự vô ơn. Trong những lúc hoạn nạn, khó khăn, người biết hàm ơn là người đáng trân trọng. Đó là gốc rễ của bao điều tốt lành. Cứ xem người nông dân biết ơn, gắn bó với con trâu,  mảnh vườn, sào ruộng của họ bao nhiêu ta càng hiểu sâu sắc giá trị của sự biết ơn. Hàm ơn – theo tôi – là khởi đầu của ý thức làm chủ doanh nghiệp. Từ giây phút đó chúng ta đã tạo cho mình một mối liên kết thân thiết với doanh nghiệp, tự thấy mình đã thành một bộ phận không thể tách rời của doanh nghiệp. Và như vậy nghĩa là ta đã sẵn sàng chia sẻ, đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp của mình. Và như vậy , chúng ta mới có những vui buồn, trăn trở, những cống hiến sáng tạo hoàn toàn tự giác. Một người làm chủ thật sự trong doanh nghiệp của mình.

Tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ học giỏi, tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng nhưng không làm việc được yên ở chỗ nào quá vài năm. Có bạn vừa ra trường được dăm năm nhưng đã thay đổi gần chục chỗ làm. Hỏi: sao vậy? Trả lời: chỗ đó lương bèo quá hoặc: chỗ đó không có màu. Nói lương bèo thì còn thông cảm đôi phần nhưng nói không có màu thì đáng trách (đó cũng là nguyên nhân của mọi tệ nạn chạy chọt). Thế là không đàng hoàng, là thiếu tự trọng và danh dự rồi. Không tôn trọng danh dự của mình, của doanh nghiệp thì cũng khó lòng mà làm chủ, mà tâm huyết.

Tóm lại: để có được một đội ngũ tâm huyết, trung thành và gắn bó với doanh nghiệp đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao từ cả hai phía, đòi hỏi phải có sự cảm thông và chia sẻ, đặc biệt là vấn đề đạo đức nghề nghiệp của người lao động. Phải chăng  chúng ta cần tích cực làm gương và giáo dục cặn kẽ hơn cho các em sinh viên điều đó. Để không còn những điều muộn phiền mà các doanh nghiệp  đã bày tỏ ở trên.

Nguyễn Kim Hùng

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai