Trong cuộc trao đổi với báo chí sáng 6/10, trung tướng Nguyễn Đức Nhanh thừa nhận, tất cả các giải pháp giao thông hiện nay đều mang tính tình thế. Thành phố đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phân làn một số tuyến phố và chủ trương của Hà Nội là phân làn toàn bộ thành phố nhưng giao thông đang rất khó khăn.
"Phương tiện giao thông quá tải, phần đường cho ôtô lớn, đường cho xe máy nhỏ trong khi người đi xe máy đông nên lúc ùn tắc sẽ tràn sang phần đường cho ôtô. Hơn nữa, hạ tầng giao thông không phù hợp, cách nhau 500-1.000 mét là ngã ba, ngã tư nên xe thường xuyên bị cắt dòng", ông Nhanh nêu nguyên nhân.
Xe máy, ôtô tranh nhau giành đường đang là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Ảnh: Tiến Dũng. |
Cũng theo ông Nhanh, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao nên có người giám sát thì đi đúng đường, còn khi lực lượng này vắng mặt là lại đi sai. "Người tham gia giao thông phải có ý thức 'xếp hàng', lúc đó mới mong không bị ùn tắc. 1.000 cảnh sát giao thông và 500 thanh tra giao thông còn nhiều việc phải làm chứ không phải chỉ đứng hướng dẫn người dân đi đúng đường", tướng Nhanh nói thêm.
Theo ông Nhanh, nếu thành phố tiếp tục phân làn các tuyến thì lực lượng cảnh sát không đủ và không thể duy trì 24/24. Trước đây Jica và thành phố đã phân làn phố Kim Mã, đường Trần Khát Chân... nhưng cuối cùng phá sản. Hiện lực lượng chức năng của thành phố không đủ sức phân làn tất cả các tuyến phố.
Bên cạnh đó, tướng Nhanh cũng cho rằng, Hà Nội cần giảm phương tiện giao thông cá nhân bằng cách thu phí vào nội thành, và hạn chế tối đa việc lái ôtô cá nhân vào nội thành chỉ để đi chơi. "Muốn giải quyết ý kiến của Chính phủ thì phải giải quyết những vấn đề trên", Giám đốc Nguyễn Đức Nhanh nhấn mạnh.
Không chỉ "mổ xẻ" hạn chế của việc phân làn, Giám đốc Công an thành phố còn cho rằng, một trong những bức xúc Hà Nội cần làm nhất hiện nay là gấp rút xây dựng bãi đỗ giao thông tĩnh bởi nhiều năm nay vẫn chưa làm được.
"Nhiều năm nay, vấn đề vỉa hè của thành phố bị buông lỏng. Công an không thể làm xuể mà phải cả chính quyền địa phương. Hàng quán chiếm hết vỉa hè. Vỉa hè không phải chỗ đỗ xe nhưng hiện không chỉ xe máy mà ôtô cũng trèo cả lên khiến không còn đất cho người đi bộ. Tăng trưởng ôtô quá nhanh nên đường đã hẹp, vẫn phải kẻ đường để lấy chỗ đỗ xe", ông Nhanh nói.
Trông xe tràn lan trên vỉa hè và dưới lòng đường khiến người đi bộ phải đi giữa đường. Điểm lộn xộn trên phố Hàng Giấy này chỉ cách UBND phường Hàng Mã chừng vài chục mét. Ảnh: Tiến Dũng. |
Trả lời câu hỏi của VnExpress.net về tình trạng vỉa hè lộn xộn và trách nhiệm của lực lượng công an địa phương, ông Nhanh cho hay, UBND thành phố phân cấp quản lý vỉa hè cho UBND cấp quận và quận lại phân cấp cho các phường nên trách nhiệm chính phải là của UBND thành phố, quận và phường chứ không phải của công an.
"Công an có quyền kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm. Nhưng lâu nay UBND các quận, phường thường phó thác việc quản lý cho công an. Người dân kinh doanh trên vỉa hè được UBND phường, quận thu phí và cho phép, trong khi đó công an lại phải đi dẹp tình trạng này. Tôi cho đây là điều hoàn toàn không đúng", tướng Nhanh nhấn mạnh..