Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Sinh viên Đồng Nai “ẵm” giải thưởng quốc tế về dầu gạo

Nắm bắt xu hướng tiêu dùng các loại mỹ phẩm sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên, mới đây, hai sinh viên của Trường đại học (ĐH) Công nghệ Đồng Nai đã nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công sản phẩm son môi chiết xuất từ dầu gạo. Đặc biệt, công trình nghiên cứu về dầu gạo ứng dụng cho công thức sản xuất son môi của hai sinh viên này đã đoạt giải bạc (Silver Prize) tại hội nghị Dầu gạo quốc tế lần thứ 5 vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Công trình nói trên đã được Trịnh Thị Minh Huyền và Nguyễn Kim Nguyên, sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ thực phẩm, ĐH Công nghệ Đồng Nai ấp ủ và bắt tay vào nghiên cứu thử nghiệm cách đây 5 tháng. Chia sẻ về ý tưởng sản xuất sản phẩm son môi từ dầu gạo, Trịnh Thị Minh Huyền cho biết, dầu gạo là loại dầu thực vật được trích ly từ lớp vỏ cám của hạt gạo và được tổ chức Y tế thế giới công nhận là một trong những loại dầu thực vật tốt nhất cho sức khỏe. Chất lượng dầu gạo sản xuất ở nước ta cũng được đánh giá cao, tuy nhiên thói quen sử dụng dầu gạo của người dân chưa cao. Do đó, việc nghiên cứu ứng dụng dầu gạo vào son môi cũng là cách để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm có lợi ích cho sức khỏe từ dầu gạo. “Đây là sản phẩm không mới trên thị trường song việc có được một sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn cho sức khỏe người dùng và đặc biệt là tối ưu hóa thành phần có lợi từ dầu gạo là điều không dễ. Từ khi bắt tay nghiên cứu đề tài “Tối ưu hóa hỗn hợp dung môi và nhiệt độ để chiết được dầu gạo tối đa với nồng độ cao Gamma-oryzanol cho công thức son môi”, bọn em tự tin hơn rất nhiều với việc sản xuất được sản phẩm son môi đáp ứng các yêu cầu về thẩm mỹ cũng như giá trị mà dầu gạo mang lại”, Minh Huyền nói.

Đặc biệt, việc được tham gia hội nghị Dầu gạo quốc tế lần thứ 5 vừa diễn ra tại Hà Nội đã cho nhóm những trải nghiệm thú vị. đây cũng là sân chơi quốc tế đầu tiên mà nhóm được trải nghiệm. Các em đã phải chuẩn bị tài liệu, thuyết trình dự án hoàn toàn bằng tiếng Anh và nhận được nhiều góp ý, phân tích, đánh giá tích cực từ Ban giám khảo. Được biết, vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu về dầu gạo (Research Contest) có 10 đội tham dự, trong đó có 4 đội đến từ Thái Lan, Ấn Độ và Trung Quốc và 6 đội đến từ các trường đại học của Việt Nam. ĐH Công nghệ Đồng Nai là trường ngoài công lập duy nhất có sản phẩm lọt vào vòng chung kết. “Có mặt tại hội nghị quốc tế với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên và đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dầu gạo từ 20 quốc gia khiến bọn em rất tự hào. Không chỉ dành được giải bạc tại cuộc thi, quan trọng hơn, em đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, bài học bổ ích, được giới thiệu về sản phẩm son môi mà mình ấp ủ đến bạn bè quốc tế”, Huyền bộc bạch.

 

Trịnh Thị Minh Huyền (trái) giới thiệu về sản phẩm son môi từ dầu gạo tại hội nghị Dầu gạo quốc tế

 

Chia sẻ về những ngày đầu bắt tay thử nghiệm chiết xuất dầu gạo, Huyền và Nguyên cho biết nhóm gặp khá nhiều thuận lợi. Tuy nhiên quá trình hiện thực hóa ý tưởng bắt đầu xuất hiện những khó khăn do phòng thí nghiệm của trường không đủ các loại nguyên liệu để sản xuất, nhất là một số phải nhập từ nước ngoài có giá thành cao. Ngoài ra, quá trình tách chiết mất rất nhiều thời gian và công sức. Cứ 2kg cám gạo, nhóm chiết được khoảng 100ml dầu gạo. Sau đó phải trải qua các bước như tinh chế, lọc màu để sử dụng trong sản xuất son môi. Bên cạnh sự hướng dẫn nhiệt tình của giảng viên phụ trách, nhiều giảng viên trong trường cũng đã đóng góp tiền ủng hộ các em mua nguyên vật liệu để phục vụ nghiên cứu. Để đảm bảo sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm các nguyên liệu tạo màu tự nhiên như cà ri, khoáng… Đồng thời đảm bảo cân đối các thành phần để sản phẩm vừa có độ mềm, mượt cho môi mà lại bền màu. Cuối cùng những sản phẩm son môi từ dầu gạo cũng được ra đời và liên tục được Huyền và Nguyên mày mò, điều chỉnh để có những sản phẩm hoàn thiện. Đặc biệt, nhóm lại càng có thêm niềm tin, động lực khi sản phẩm được kiểm nghiệm đảm bảo các tiêu chí không chứa các chất độc hại như chì, asen, thủy ngân…

Nói đến việc là những người “đi sau” trong thị trường sản phẩm son môi chiết xuất từ dầu gạo, nhóm nghiên cứu cho rằng, sản phẩm son từ dầu gạo hiện nay cũng đã xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên đa số là những người tự tìm tòi công thức và các thành phần sử dụng chỉ được ước tính dẫn tới giá trị từ dầu gạo được đưa vào sản phẩm không cao. Do đó, lợi thế của sản phẩm mà Huyền và Nguyên đang thử nghiệm chính là được nghiên cứu trên nền tảng khoa học, bài bản để chiết được dầu gạo tối đa với nồng độ cao các thành phần có lợi cho sức khỏe người dùng. 

Bước đầu, nhóm đã giới thiệu sản phẩm của mình qua các kênh như mạng xã hội, qua người quen, bạn bè. Theo Kim Nguyên, những phản hồi tích cực của những khách hàng đầu tiên đã tiếp thêm cho nhóm động lực để hoàn thiện sản phẩm. Với mục tiêu thương mại hóa sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đặc biệt là tiếp cận với sản phẩm có nguyên liệu thiên nhiên, nhóm dự án đang xúc tiến việc xây dựng thương hiệu, bao bì sản phẩm. Cùng với đó, nhóm cũng đã lên kế hoạch mở rộng mạng lưới truyền thông, kênh tiếp thị để chuẩn bị cho những đơn hàng số lượng lớn và coi đây là dự án khởi nghiệp đầu tay mà mình theo đuổi. 

Nguồn: http://laodongdongnai.vn/Xahoi/Tin-tuc/66344C/sinh-vien-dong-nai-am-giai-thuong-quoc-te-ve-dau-gao.aspx

T. Nguyên (laodongdongnai.vn)

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai