Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

BÁO LAO ĐỘNG: NĂNG LƯỢNG MỚI CHO ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Ngày 29/3/2-24 tại Hội thảo năng lượng hydrogen tiềm năng và cơ hội ứng dụng cho doanh nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra tại Bạc Liêu, các nhà khoa học, nhà quản lý khẳng định đây là nguồn năng lượng giúp các tỉnh ĐBSCL phát triển.

Cần đột phá trong đầu tư

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Lương, Viện Dầu khí Việt Nam cho biết, năng lượng hydrogen là nguồn năng lượng thứ cấp, không có sẵn để khai thác trực tiếp mà cần được tạo ra từ một nguồn sơ cấp ban đầu như nước hoặc các hợp chất hydrocacbon.

Để tạo ra hydrogen, cần điện phân nước hay điện hóa hoặc nhiệt hóa các loại nhiên liệu hydrocarbon như nước, dầu, metan, khí tự nhiên, than khí hóa, nhiên liệu sinh học, sinh khối khí hóa...

TS Trần Thiện Khánh, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho rằng nền kinh tế hydrogen sẽ là tất yếu. Ảnh: Nhật Hồ

Sau khi tạo ra, hydro được lưu trữ lại và dùng trong việc sản xuất điện khi cần. Việc lưu trữ này được thực hiện nhờ tấm pin nhiên liệu. Theo TS Lương, điều này không mới nhưng khi áp dụng vào Việt Nam thì đòi hỏi có nhiều cơ chế, chính sách để thực hiện.

Ông Phan Văn Công Luận, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại – Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bạc Liêu cũng nhìn nhận: Việc đầu tư thực hiện các dự án liên quan đến hydrogen cho đến nay chưa có tiền lệ. Điều này thể hiện ở việc quy hoạch đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thủ tục đầu tư, nguồn vốn, vị trí để thực hiện nhà máy… Ông Luận cho rằng nếu không quyết tâm thì rất khó thực hiện các dự án.

Mô hình kinh tế hydrogen tuần hoàn. Ảnh: Nhật Hồ

Đồng quan điểm này, TS Trần Thiện Khánh, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai cho rằng, hiệu quả của hydrogen mang lại, các ứng dụng vào thực tế không thiếu, nhưng hiện tại cần có cái nhìn một cách rõ ràng đây là năng lượng sạch, hay là xây dựng nhà máy hoá chất. Bởi, khi tách hydro, oxy thì xem như hoá chất, dù việc thực hiện này nhằm tiến tới một nền kinh tế trung hòa, rất có ý nghĩa trong việc giảm phát thải.

Mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Nhật Hồ

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hiện tại, một số địa phương vùng ĐBSCL bước đầu phát triển lĩnh vực này. Điển hình là tỉnh Trà Vinh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và khởi công thực hiện dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Trà Vinh, tổng nguồn vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng, quy mô sản xuất 24.000 tấn hydro/năm, 195.000 tấn oxy y tế/năm; dự án giải quyết việc làm khoảng 300 - 500 lao động. Tỉnh Bến Tre đang xem xét đề xuất dự án Nhà máy sản xuất Hydro xanh Bến Tre với công suất dự kiến ở giai đoạn 1 tạo ra 84.000 tấn hydro/năm; 540.000 tấn ammonia/năm; 785.000 tấn khí oxy/năm.

Không thiếu hành lang pháp lý để thực hiện

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu cung cấp cho các đại biểu các quy định liên quan đến việc phát triển hydrogen tại Việt Nam. Đó là chủ trương “Khuyến khích sử dụng năng lượng hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới” là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được nêu trong Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng không thiếu hành lang pháp lý để thực hiện việc phát triển năng lượng hydrogen. Ảnh: Nhật Hồ

Quyết định số 893/QĐ-TTg ngày 26.7.2023 xác định một trong những mục tiêu phát triển quan trọng là: “Phát triển sản xuất năng lượng mới phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất sản xuất hydro xanh khoảng 100 - 200 nghìn tấn/năm. Định hướng đến năm 2050 quy mô công suất sản xuất hydro xanh khoảng 10-20 triệu tấn/năm@.

Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ định hướng phát triển là “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi, mặt trời, sinh khối...), năng lượng mới, năng lượng sạch (hydro, amoniac xanh...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý, đặc biệt là các nguồn điện tự sản, tự tiêu, điện mặt trời mái nhà”.

Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 7.2.2024 của Thủ tướng Chính phủ xác định nhiệm vụ của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là: “Tổ chức lựa chọn chủ đầu tư các dự án liên quan đến sản xuất năng lượng có nguồn gốc hydrogen, bố trí quỹ đất cho phát triển các công trình sản xuất năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo quy định của pháp luật, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất để thực hiện các dự án sản xuất năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo quy hoạch; chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư thực hiện việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư cho các dự án sản xuất năng lượng có nguồn gốc hydrogen theo quy định”.

Các đại biểu cho rằng, hiện tại không thiếu hành lang pháp lý để thực hiện. Còn lại, các địa phương cần tăng cường mời gọi đầu tư các nhà đầu tư về tỉnh đề tiếp cận, nghiên cứu, khảo sát và đầu tư các dự án liên quan đến hydrogen, nhất là các nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh về nguồn lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực này để đồng hành cùng với tỉnh trong quá trình cụ thể hoá định hướng phát triển hydrogen.


Thực hiện: Nhật Hồ - Báo Lao động
BAN TRUYỀN THÔNG (đưa tin)

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai