Lập công thức lựa chọn ngành nghề
Để tránh những sai lầm trong việc lựa chọn ngành nghề và xác định được chính xác nên học ngành gì, thi trường nào không chỉ để trúng tuyển mà còn có một tương lai tốt. Bạn hãy tham khảo “công thức chọn nghề” sau đây để có sự lựa chọn đúng đắn cho mình.
Chọn nghề = sở thích nghề nghiệp + ngành học phù hợp + năng lực học tập + nơi đào tạo + điều kiện bản thân
Sở thích nghề nghiệp
Sở thích nghề nghiệp thực sự đối với bạn chính là sở thích mà bạn đam mê, mơ ước theo đuổi lâu dài chứ không phải tức thời. Nó phải phù hợp với năng lực, tính cách và điều kiện của bạn. Có rất nhiều cách khác nhau để xác định sở thích nghề nghiệp của mình như: tự đánh giá bản thân mình, trắc nghiệm hướng nghiệp, làm thử một số công việc liên quan tới nghề nghiệp, đi theo hoặc gặp gỡ những người trong nghề nghiệp một thời gian để hiểu rõ thêm nghề nên phối hợp nhiều cách. Những việc đó để xác định xem mình có thực sự thích và hợp với nghề nghiệp đó không. Để đảm báo sự chắc chắn, chính xác khi chọn lựa nghề nghiệp, bạn có thể phối hợp nhiều cách. Khi tiến hành công việc này một cách thấu đáo, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức. Thời gian dành cho quá trình này càng nhiều bao nhiêu thì sự lựa chọn của bạn sẽ chính xác bấy nhiêu. Bởi vậy, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt để có thể có sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của mình.
Ngành học phù hợp
Sau khi đã xác định bản thân mình phù hợp với nghề nghiệp nào, bạn nên tìm hiểu các thông tin về các ngành học đào tạo để xem ngành nào phù hợp với nghề nghiệp mình lựa chọn. Lưu ý bạn rằng học một ngành có thể làm được nhiều nghề, một nghề có thể đòi hỏi kiến thức nhiều ngành. trong cùng một lĩnh vực nghề nghiệp thì có thể được đào tạo ở nhiều ngành. Ví dụ bạn muốn học về lĩnh vực nghề nghiệp về ngoại thương thì bạn có thể học ở nhiều ngành khác nhau liên quan tới lĩnh vực này như: ngoại thương, kinh tế đối ngoại, thương mại, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh quốc tế. Nhiều học sinh trong quá trình tìm hiểu thông tin về ngành nghề, trường học để đăng ký thi đại học thì chỉ chọn chính xác tên ngành đó mà không biết rằng có rất nhiều ngành khác có khung chương trình đào tạo và cơ hội nghề nghiệp tương tự. Chính vì thế các học sinh chỉ tập trung đăng ký vào một số ít ngành của một số trường đại học và làm cho điểm chuẩn tăng lên và cơ hội trúng tuyển của bản thân giảm xuống. Vì vậy để chọn được ngành học phù hợp, bạn nên tìm hiểu các thông tin về mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo bao gồm các môn học nào, thời gian đào tạo và phương thức đào tạo, đặc trưng hay triết lý đào tạo của khoa, trường, chuẩn đầu ra của ngành học, yêu cầu kỹ năng, phẩm chất, tính cách, sức khỏe của ngành học ra sao, có những yêu cầu đặc biệt không, học xong có thể làm những nghề nghiệp gì, ở đâu. Những thông tin về ngành nghề sẽ giúp bạn có thêm cơ sở để xem mình nên chọn ngành học nào là phù hợp với sở thích nghề nghiệp và năng lực học tập của mình.
Năng lực học tập
Có thể phối hợp các cách sau để xác định năng lực học tập:
- Hãy tự đánh giá sức học của mình căn cứ vào điểm học tập trên lớp, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành bạn định theo học. Ví dụ bạn thi khối A thì hãy căn cứ các môn Toán, Lý, Hóa
- Giải thử đề thi đại học ba năm gần đây và so sánh với đáp án để đánh giá sức học của mình
- Nhờ thầy/cô, người thân, bạn bè đánh giá, nhận xét
- Đăng ký thi thử đại học tại trường hoặc tại các trung tâm uy tín hoặc trên các website để xác định năng lực học tập
Trên cơ sở phối hợp các cách đó, bạn tự ước lượng và đánh giá năng lực bản thân có thể thi đại học hoặc cao đẳng được bao nhiêu điểm. Sau khi đã dự đoán được điểm thi đại học của mình, tốt nhất bạn hãy lập một bảng tổng hợp điểm chuẩn ngành học mà bạn định dự thi ở nhiều trường khác nhau ba đến năm năm liên tiếp để có cái nhìn tổng quan và chính xác. Việc tìm hiểu như vậy sẽ giúp bạn thấy được sự biến động điểm chuẩn của ngành, trường bạn định dự thi và so sánh với sức học của mình, cho phép bạn xác định khả năng trúng tuyển của mình vào trường đó như thế nào.
Nơi đào tạo
Sau khi lựa chọn được ngành nghề và xác định được khả năng học tập của mình, bạn sẽ liệt kê được một số trường có thể dự thi và có khả năng trúng tuyển. Vậy căn cứ vào đâu để chọn ra ngôi trường phù hợp nhất? Khi chọn trường bạn cần quan tâm tới một số yếu tố về học phí, cơ sở vật chất, cam kết chuẩn đầu ra, đội ngũ giảng viên, đánh giá của cựu sinh viên, sinh viên, doanh nghiệp về quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo của nhà trường, việc hỗ trợ sinh viên trong quá trình theo học tại trường (học phí, học bổng, du học, thực tập, việc làm, hoạt động phong trào sinh viên)…
Nếu có điều kiện, bạn nên sắp xếp thời gian để đi tham quan thực tế trường, tranh thủ vào học thử vài buổi và trao đổi với các anh chị sinh viên đang theo học. Không nên quá tin vào các hình ảnh minh họa, tài liệu, thông tin quảng cáo. Bạn hãy kiểm tra thông về trường trên báo chí (kiểm tra trên mạng), nếu trường đó bị phản ánh quá nhiều về tổ chức đào tạo thì tốt nhất nên gạt qua một bên.
Điều kiện bản thân
Điều kiện kinh tế gia đình, sức khỏe, ngọai hình, độ tuổi, năng khiếu bản thân cũng là các yếu tố cần xem xét trước khi chọn nghề nghiệp tương lai. Nếu hòan cảnh kinh tế gia đình khó khăn thì phải có những lựa chọn hợp lý để không phải vất vả mưu sinh và lơ là việc học. Bạn có thể tính toán để chọn học một trường đại học gần nhà hoặc thay vào học đại học hoặc bạn có thể học trung cấp, cao đẳng rồi tìm việc làm trang trải cuộc sống sau đó học liên thông lên.
Bạn cũng có thể tính toán phương án vừa làm vừa học nếu học ở các khu đô thị trung tâm. Có rất nhiều bạn trẻ cũng đã thành công khi vửa làm vừa học như vậy.
Một số ngành học có yêu cầu riêng về sức khỏe, ngoại hình, năng khiếu hoặc tuổi tác như các ngành năng khiếu thể thao, công an, quân đội, giao thông vận tải (đường biển), nghệ thuật,…Khi thi vào các ngành này bạn cần tìm hiểu kỹ các thông tin để xem xét bản thân có phù hợp hay không.