Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm Triển khai và Áp dụng CDIO trong hoạt động đào tạo"
Vào lúc 08h00 ngày 27/12/2024, tại Hội trường Nhà A, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) đã tổ chức thành công Hội thảo với chủ đề "Chia sẻ kinh nghiệm về triển khai và áp dụng CDIO trong hoạt động đào tạo". Sự kiện thu hút sự tham dự của Ban Giám hiệu, lãnh đạo các đơn vị phòng ban, cùng toàn thể giảng viên và nhân viên nhà trường. Đặc biệt, hội thảo có sự góp mặt của hai diễn giả khách mời đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM.
Hội thảo được tổ chức nhằm:
- Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn triển khai mô hình CDIO trong hoạt động đào tạo, giúp giảng viên và cán bộ quản lý hiểu rõ hơn về phương pháp này, cũng như cách áp dụng hiệu quả.
- Đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp.
- Thảo luận và giải quyết khó khăn trong quá trình áp dụng CDIO, như thiết kế đề cương, phương pháp giảng dạy và đánh giá sinh viên.
Các tham luận nổi bật
- TS. Quách An Bình (Trưởng phòng Đại học, DNTU): Triển khai CDIO tại DNTU: Thực trạng và định hướng để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Tại tham luận của mình, thầy đã chia sẻ các giải pháp chiến lược nhằm phát triển đội ngũ giảng viên, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, và xây dựng các dự án học tập thực tế theo mô hình CDIO. Những giải pháp này đã mang lại sự đổi mới tích cực cho công tác giảng dạy tại DNTU từ năm 2016 đến nay. - TS. Trần Ngọc Diễm My (ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM): Trình bày tham luận về "Thiết kế học phần tích hợp kỹ năng qua dự án CDIO", nhấn mạnh vai trò của việc lồng ghép kỹ năng mềm và kỹ năng chuyên môn thông qua các dự án thực tế. Quy trình này giúp sinh viên phát triển khả năng làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề hiệu quả.
- TS. Phạm Công Bằng (ĐH Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM): Chia sẻ về "Học tập trải nghiệm và tích hợp trong đồ án và luận văn tốt nghiệp". Phương pháp này giúp sinh viên kết nối lý thuyết với thực tiễn, rèn luyện kỹ năng quản lý dự án, tư duy phản biện, và làm việc nhóm, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động.
Hội thảo đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp giảng viên hiểu rõ hơn về cách thiết kế học phần, tích hợp kỹ năng mềm và chuyên môn vào giảng dạy, tiếp cận các phương pháp giảng dạy hiện đại như học tập dựa trên dự án (PBL) và học tập trải nghiệm. Đồng thời, các thắc mắc về đánh giá sinh viên, thiết kế chương trình và phương pháp giảng dạy đã được giải đáp chi tiết.
Về mô hình CDIO
CDIO (Conceive – Design – Implement – Operate) là phương pháp đào tạo xuất phát từ Viện Công nghệ MIT (Hoa Kỳ), hiện được áp dụng rộng rãi trên thế giới. CDIO tập trung vào việc xác định chuẩn đầu ra, thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, và nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Tại DNTU, từ năm 2016, mô hình này đã được triển khai mạnh mẽ, mang lại những thay đổi tích cực trong chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy. Nhà trường không ngừng tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo để nâng cao năng lực giảng viên, đồng thời tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức quốc tế nhằm phát triển mô hình CDIO hiệu quả hơn.
Hội thảo lần này tiếp tục khẳng định cam kết của DNTU trong việc không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, vì sự phát triển toàn diện của sinh viên.
Một số hình ảnh tại buổi hội thảo:
BAN TRUYỀN THÔNG