Giảng viên trẻ đam mê nghiên cứu khoa học
Theo Báo Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202112/giang-vien-tre-dam-me-nghien-cuu-khoa-hoc-3095777/
Mơ ước làm giáo viên từ thời phổ thông nhưng ThS Trương Tấn Trung (giảng viên Trường đại học Công nghệ Đồng Nai) phải mất hơn 10 năm “đi đường vòng” trước khi chính thức đứng trên bục giảng. Được sống với niềm đam mê, người giảng viên trẻ này luôn hăng say, “cháy” hết mình với mỗi bài giảng và dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học.
ThS Trương Tấn Trung, giảng viên Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Ảnh: H.Yến
Chỉ trong vòng 3 năm (từ 2019 đến nay), ThS Trương Tấn Trung đã có gần 10 bài báo khoa học, tham gia và đoạt giải thưởng cao tại hội thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai.
* Hạnh phúc vì chinh phục được ước mơ
ThS Trương Tấn Trung (sinh năm 1988) quê ở tỉnh Phú Yên. Những năm học phổ thông, Trung sớm đã xác định ước mơ trở thành giáo viên dạy Toán. Tuy nhiên, kết quả thi đại học không được như ý, Trung chọn học nguyện vọng 2 ngành Công nghệ hóa học Trường đại học Lạc Hồng. Trong suốt 4 năm học đại học, anh chọn công việc gia sư để làm thêm, vừa để có tiền trang trải cuộc sống vừa thỏa mãn niềm yêu thích của mình.
ThS Trương Tấn Trung đã 3 năm liên tiếp tham gia hội thi Sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai. Trong đó, năm 2019 anh Trung đoạt giải nhì. Năm nay, giải pháp Ứng dụng tính toán lý thuyết mô phỏng trong bài giảng và nghiên cứu nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng chất lượng các nghiên cứu và công bố của anh đã đoạt giải nhất.
Xác định chinh phục ước mơ được đứng trên bục giảng, anh quyết định học cao học chuyên ngành Hóa lý thuyết và Hóa lý, Trường đại học Quy Nhơn (Bình Định). Trong thời gian này, anh làm việc cho một doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc. Quá trình làm việc tại doanh nghiệp đã đem đến cho anh nhiều trải nghiệm quý giá, hỗ trợ đắc lực cho quá trình giảng dạy hiện nay.
“Đến năm 2019, sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, tôi mới quay lại Biên Hòa và vào làm việc tại Trường đại học Công nghệ Đồng Nai. Tôi cho rằng những trải nghiệm từ doanh nghiệp đã giúp tôi có thêm kinh nghiệm, cung cấp được nhiều kiến thức, kỹ năng thực tế cho sinh viên chứ không chỉ truyền thụ lý thuyết suông. Những điều mình dạy cho sinh viên gắn với những cái mà doanh nghiệp cần, như vậy khi ra trường sinh viên có thể làm việc luôn mà doanh nghiệp không cần đào tạo lại” - ThS Trung chia sẻ.
Với sức trẻ, lòng nhiệt tình và tâm huyết với nghề, ThS Trung nhanh chóng trở thành giảng viên có uy tín, được sinh viên yêu mến. Mới đây, anh đã trở thành một trong những gương mặt được tuyên dương là Nhà giáo trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai lần thứ III-2021.
Từ trải nghiệm của bản thân, ThS Trương Tấn Trung luôn khuyên sinh viên nên thử sức để chinh phục hoài bão, ước mơ của mình. Nếu trên con đường chinh phục ước mơ mà gặp nhiều chướng ngại, chông gai thì hãy xem đó chính là những trải nghiệm quý giá vun đắp cho những thành công sau này.
* Đam mê nghiên cứu khoa học
Mới chỉ công tác tại Trường đại học Công nghệ Đồng Nai được 3 năm nhưng ThS Trương Tấn Trung đã liên tục có hoạt động nghiên cứu khoa học nổi bật. ThS Trung có 6 bài báo công bố quốc tế (là tác giả chính, đồng tác giả), trong đó có 6 bài báo đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI; 1 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành có chỉ số ISSN có tính điểm của Hội đồng GS Nhà nước công bố; 3 bài báo cáo đăng trong Kỷ yếu Hội thảo quốc tế/quốc gia.
Sẵn sàng chia sẻ tri thức
ThS Trương Tấn Trung cho biết: “Sinh viên và những người làm khoa học nên chủ động tham gia các cộng đồng khoa học trên mạng. Ở đó có rất nhiều nhà khoa học sẵn sàng chia sẻ tri thức với tinh thần tự nguyện, không vụ lợi. Họ tải và gửi các tài liệu khoa học qua email; chia sẻ các thông tin hội thảo, hội nghị khoa học cho mọi người; chia sẻ thông tin về các công bố khoa học mới. Tôi đã từng nhận được hướng dẫn rất tỉ mỉ, chi tiết của những giáo sư đầu ngành trên thế giới sau khi nêu một vấn đề thắc mắc trên cộng đồng… Bản thân tôi đã học được tinh thần sẵn sàng chia sẻ tri thức đó của các nhà khoa học và sẽ vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ nếu người khác cần”.
Chia sẻ về hoạt động nghiên cứu khoa học của bản thân, giảng viên trẻ này tâm sự: “Trước hết là do tôi rất đam mê nghiên cứu. Chính đam mê này đã luôn thôi thúc tôi tìm tòi, học hỏi, không kể thời gian. Tuy vậy, để có được những kết quả trên thì phải có được sự cộng tác của các nhà khoa học, các đồng nghiệp. Trong nghiên cứu khoa học, nếu chỉ cá nhân thực hiện thì rất khó có thể thành công”.
Để tìm kiếm cộng sự cho các nghiên cứu của mình, ThS Trung tham gia nhiều cộng đồng của các nhà khoa học và thường xuyên có hoạt động trao đổi học thuật. Khi có được đề tài thú vị, có tính mới, anh chủ động lên tiếng để tìm “đồng minh”, sau đó tìm người có uy tín để kết nối, giới thiệu.
ThS Trung chia sẻ: “Chỉ khi chủ đề nghiên cứu gây hứng thú, đúng chuyên môn và bản thân mình tạo được sự tin tưởng thì các nhà nghiên cứu khác mới đồng ý hợp tác với mình. Bản thân tôi đã mời được cộng sự cho 2 đề tài, trong đó có 1 đề tài đã công bố, 1 đề tài đang trong quá trình hoàn thiện bản thảo. Trước đó, tôi cũng đã được tham gia cộng tác với một nhóm nghiên cứu ở nước ngoài cũng thông qua hình thức tìm kiếm cộng sự này. Tôi thấy đây là cách làm hữu ích nên đã học theo và thấy thật sự hiệu quả”.
Hải Yến