Dành 310.000 chỉ tiêu hệ đại học
Đó là con số được đưa ra tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2012 do Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) tổ chức sáng 24-12. Và ngành giáo dục cũng giống như nhiều bộ ngành khác đã phải nhìn nhận “tăng nóng thì phải trả giá” và “đến lúc cần tái cấu trúc để nâng chất lượng”, như lời phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại hội nghị.
Khi giải thích về định hướng giảm mức tăng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường để giữ chất lượng, ông Luận thừa nhận những năm qua “năm nào cũng tăng 10% chỉ tiêu, quy mô đào tạo phát triển quá nhanh”. trong khi con số đưa ra tại hội nghị cho thấy xét tiêu chí diện tích đất của các trường, nếu tính bình quân 25m2/sinh viên thì hiện mới chỉ có 9/38 trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT đạt yêu cầu khi lên kế hoạch xin chỉ tiêu.
Chấm dứt “khai man giảng viên”
Ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính (Bộ GD-ĐT), khẳng định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 của các trường ĐH, CĐ sẽ do các trường tự xác định, căn cứ vào hai tiêu chí: số sinh viên/giảng viên và diện tích sàn xây dựng/sinh viên. Nhưng khác với năm trước, quy mô sinh viên sẽ chỉ tính số sinh viên chính quy, số giảng viên sẽ chỉ tính giảng viên cơ hữu.
Các năm trước, để đảm bảo tỉ lệ sinh viên/giảng viên tương ứng với mức chỉ tiêu đề xuất, nhiều trường công bố cả danh sách giảng viên thỉnh giảng, trong đó có những giảng viên thỉnh giảng thuộc diện “đánh trống, ghi tên” mà không thực giảng tại trường. Quy định mới sẽ chấm dứt tình trạng “khai man” này.
Ông Quang cũng cho biết dù còn có nhiều ý kiến trái chiều nhưng Bộ GD-ĐT kiên quyết áp dụng quy định “các trường ĐH không đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp (TCCN)” và chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông chỉ được xác định bằng 50% so với tổng chỉ tiêu hệ chính quy của mỗi trường.
Thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Nhóm ngành kinh tế - tài chính luôn thu hút thí sinh.
Xin nới chỉ tiêu vì thiếu kinh phí
Ông Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, cho rằng việc giảm chỉ tiêu đột ngột sẽ khiến các trường gặp khó khăn về kinh phí hoạt động. Ông Khoa dẫn giải: mỗi năm lương chi cho cán bộ giảng viên phải tăng hơn năm trước, chưa kể rất nhiều chi phí khác, trong khi ngân sách cho trường thì thấp.
Năm 2010-2011, trường bị cắt giảm 1.000 chỉ tiêu đào tạo tại chức, khó khăn về kinh phí nên trường cũng phải cắt giảm rất nhiều chương trình, không dám cử cán bộ, giảng viên đi dự hội thảo, hội nghị, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi... Vì thế, đề nghị Bộ GD-ĐT không áp quy định cứng, giữ cho các trường ổn định chỉ tiêu chính quy và giảm từ từ đối với hệ không chính quy.
Đồng ý với những chủ trương nhằm đẩy chất lượng đào tạo của Bộ GD-ĐT nhưng bà Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng nên phân bố chỉ tiêu theo ngành, nhất là ở mảng đào tạo không chính quy, vì có những ngành cần mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu nhân lực, trong khi có những ngành nên thu hẹp lại. Nếu bộ chỉ xem xét trên tổng chỉ tiêu của cả trường để cắt, giảm chỉ tiêu sẽ có những bất cập. Đây là việc các trường phải chủ động cân đối nhưng Bộ GD-ĐT cũng cần mềm dẻo trong quản lý.
Ông Trần Văn Nam, giám đốc ĐH Đà Nẵng, đề xuất: nếu chỉ tiêu do các trường xác định không vượt quá mức so với điều kiện hiện có thì Bộ GD-ĐT cũng nên xử lý linh hoạt để các trường có thể giữ ổn định chỉ tiêu hệ chính quy.
Trao đổi lại với những trường “xin nới chỉ tiêu”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói: “Khi số lượng và chất lượng không song hành thì phải ưu tiên cho chất lượng. Việc tăng quy mô quá nhanh khiến chất lượng bất ổn. Trên thực tế, có những tỉnh tuyên bố nói không với bằng tốt nghiệp tại chức, bằng tốt nghiệp trường ngoài công lập. Xét ở khía cạnh pháp lý thì họ không đúng, nhưng ngành GD-ĐT cũng không thể bám víu vào quy định pháp luật để phê phán, mà phải nghiêm túc xem lại chất lượng sản phẩm của mình. Vì thế, việc “giảm hoặc không tăng chỉ tiêu tuyển sinh” là một trong những giải pháp để tập trung giải quyết bài toán chất lượng”.
Ông Luận nói thêm: quy định mới không cho các trường ĐH tuyển sinh hệ TCCN là việc “sửa sai sau một thời gian dài làm sai luật”. Sai sót này khiến hệ thống trường TCCN không phát triển được, nhiều trường TCCN phải lo nâng cấp lên CĐ, ĐH để tồn tại.
Ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng sẽ có chỉ tiêu chiếm 32% Hệ ĐH chính quy toàn ngành dự kiến có 310.000 chỉ tiêu (năm 2011 là 292.780 chỉ tiêu), trong đó khối trường trực thuộc Bộ GD-ĐT là 130.000 (bằng 105% so với năm 2011). Riêng khối sư phạm, chỉ tiêu hệ chính quy giảm gần 5% so với năm 2011 (tính toàn ngành) và giảm gần 28% (khối trường thuộc Bộ GD-ĐT). Tương tự, ở hệ vừa học vừa làm, liên thông, chỉ tiêu năm 2012 cũng giảm gần 7% (toàn ngành) và giảm trên 30% (khối trường thuộc bộ). Ở bậc CĐ, chỉ tiêu hệ chính quy năm tới vẫn tăng 6%, hệ vừa học vừa làm, liên thông tăng 49,4% (toàn ngành). Bậc TCCN hệ chính quy, tính toàn ngành thì ổn định so với năm trước nhưng ở khối trường thuộc Bộ GD-ĐT giảm mạnh (bằng 69,9% so với năm 2011). Tính theo nhóm ngành đào tạo thì ngành kinh tế - tài chính - ngân hàng sẽ có chỉ tiêu chiếm 32% so với tổng chỉ tiêu dự kiến năm 2012, cao nhất trong các khối ngành. Tiếp đến, ngành kỹ thuật công nghệ chiếm 30%, ngành khoa học xã hội và nhân văn, ngành sư phạm chỉ chiếm 9,5% và 9%, các ngành nghệ thuật, TDTT, y dược, nông lâm ngư chiếm từ 5-7,5%. |