Cán bộ - Giảng viên Người học Tiện ích Tham quan trường 360

Bằng cấp và công tác tuyển dụng nhân sự

Trong công tác tuyển dụng nhân sự chất lượng cao gần đây, có người đã nêu lên quan điểm “triệt để triệt tiêu thói sính bằng cấp”. Rồi, rất nhanh chóng, thị trường lao động lại nổ ra hai luồng phản ứng trái chiều. Hầu như các nhà tuyển dụng cho rằng bằng cấp vẫn là căn cứ tối quan trọng để đánh giá ứng viên. Ngược lại, nhóm người lao động – đặc biệt là người lao động hạn chế về mặt bằng cấp -  thì cho rằng đã đến lúc xóa bỏ tư duy dùng bằng cấp để tuyển dụng. Tôi không bàn về quan điểm nào đúng, nào sai, chỉ là muốn đứng trên quan điểm tổng thể, toàn diện để tìm ra sự bất đồng trong đó.

Bằng cấp, nếu nói không quan trọng thì là không quan trọng. Ngẫm ra, đó chẳng qua cũng chỉ là mảnh giấy chứng nhận cho mấy năm đèn sách. Mà Lê-nin đã có nói lý luận phải được kiểm chứng bằng thực tiễn, lý luận mà không có thực tiễn chứng minh thì là lý luận suông! Lại thêm, khá nhiều người, dù không qua trường lớp đào tạo, không bằng cấp nhưng vẫn rất thành công, điển hình như Bill Gate.

Tuy nhiên, dường như nhiều người đang quá vin vào một vài gương điển hình như thế khải quát thành hiện tượng chung, dùng nó chống lại lập luận của các nhà tuyển dụng. Họ cho rằng, bằng cấp không quan trọng, quan trọng là năng lực làm việc thực tế và hiệu quả hoạt động. Đúng vậy! Cái quan trọng nhất mà nhà tuyển dụng cần hướng đến là hiệu suất lao động, là kỹ năng, kỹ thuật hoạt động chứ không hẳn nhìn vào tấm bằng để đánh giá. Tuy nhiên, một thực tế không chỉ ở Việt Nam là có quá ít những – người – không – bằng cấp chứng minh được điều đó. Dương như điều này bị lợi dụng để chống chế cho thất bại trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm của họ. Thiết nghĩ, người có bằng giỏi chưa chắc đã thực sự giỏi, nhưng người giỏi chắc chắn sẽ có bằng giỏi. Tấm bằng loại giỏi có thể có được bằng nhiều cách. Người ta có thể nhờ vào tiêu cực trong giáo dục để loại bỏ điểm đen và phủ trên tấm bằng những điểm đánh giá giả dối. người có chân tài thực học thì hiển nhiên buộc người đánh giá phải thừa nhận điều đó. Người bằng giỏi chưa chắc đã dám vỗ ngực khoe, người thực tài lại càng không xấu hổ với năng lực của bản thân. Muốn ăn quả ngọt ắt phải dày công. Mọi nỗ lực đều có cái giá của nó – lúc này hoặc lúc khác, ở đây hoặc ở một nơi nào đó. Vậy nên, ta có thể phàn nàn rằng ai đó không giỏi nhưng bằng cấp đẹp, bảng điểm đẹp nhưng không có lý do gì để ngụy biện cho mình.

Lý giải về tấm bằng không đẹp,  một bộ phận lại than thân trách ông trời không cho họ lựa chọn để được sinh ra trong môi trường tốt. Họ luôn kêu ca rằng số phận hẩm hiu, căn bản không có được điều kiện như “con nhà người ta”, rằng không có đèn bàn đủ sáng, không có phòng riêng, cách âm để học, rằng không có thiết bị công nghệ phục vụ, rồi thì không được ăn uống đủ chất để thông minh như con nhà nọ nhà kia.... Rất ngây thơ, ngây thơ đến tuyệt vọng! Những tư duy chống chế luôn chỉ biết nhìn lên trời mà không -  hoặc cố tình không -  nhìn xuống những số phận hẩm hiu hơn mình - những con người phải lo từng bữa cơm, giấc ngủ; hay những đứa trẻ gánh cả trách nhiệm nặng nề của cha mẹ, cả những con người khao chỉ khát được – là – người – bình – thường. Với họ, được học đã là niềm vui vô bờ bến. Ta lại không học tập tinh thần đó, lại quen thói kêu ca, ngại khó.

Lại nói về việc chọn cơ sở đào tạo trong ưu tiên tuyển dụng. Đành rằng, các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đều bình đẳng, sản phẩm đào tạo của họ cũng được bình đẳng về cơ hội nghề nghiệp. Nhưng, ở lập trường của nhà tuyển dụng, họ có quyền đặt ra các tiêu chí tuyển chọn – quy định ngầm hoặc công khai. Vì sao lại như vậy? Đơn giản thôi. Chính các cở sở đào tạo và xã hội ngay từ đầu đã có sự lựa chọn đối với chuẩn đầu vào, vậy thì các nhà tuyển dụng và thị trường lao động lựa chọn sản phẩm đầu ra cũng là điều dễ hiểu! Chẳng phải chúng ta đã chấp nhận bảng xếp hạng các cơ sở đào tạo đó sao?

Vậy thì, cứ phân bì với cơ chế, nên chăng? Nếu có thể có tinh thần hợp tác, thống nhất giữa nhà tuyển dụng, các cơ sở đào tạo và người lao động thì tốt biết mấy. DNTU của chúng ta trong những năm vừa qua đã đẩy mạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo. Bằng cách để các doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo,  tham gia góp ý cho việc xây dựng chương trình. Cơ sở đào tạo xác định được yêu cầu, tiêu chuẩn của xã hội, nắm bắt được những xu hướng mới sẽ giúp cho người học tự tin mang bằng cấp đi tuyển dụng. Đồng thời, cũng góp phần triệt tiêu tính máy móc, cứng nhắc trong đánh giá ứng viên. Đừng biến tấm bằng thành bảo vật vạn năng mà làm hạn chế năng lực nhận định của nhà tuyển dụng. Đừng tuyệt đối hóa nó.

Vẫn biết là chỉ chăm chăm vào bằng cấp là không tiến bộ, nhưng – xã hội Việt Nam hiện tại, căn bản là vẫn chưa thể cho phép chúng ta được lựa chọn khác đi! Một xã hội mà tính ì còn quá nặng nề, thói ỉ lại và đổ lỗi hoàn cảnh còn chưa bị xóa bỏ, tham vọng tự khẳng định mình chưa cao, ... thì có lẽ tiêu chuẩn bằng cấp còn là cái phao cứu vớt chút cố gắng và cái cân hữu ích đối với xã hội để đo sự nỗ lực của mỗi người!

Tôi tin các bạn sinh viên DNTU sắp ra trường hoàn toàn tự tin với hành trang của mình, đủ làm hài lòng mọi nhà tuyển dụng ở bất cứ tâm và bất cứ việc gì.

Sinh viên trường Đại học Công nghệ Đồng Nai chụp hình lưu niệm với thầy Hiệu trưởng trong ngày lễ tốt nghiệp

Sinh viên trường Đại học Công nghệ Đồng Nai chụp hình lưu niệm với thầy Hiệu trưởng trong ngày lễ tốt nghiệp

Dương Thị Dung

Hashtag:
Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai